Trong vòng bốn năm, Guyana, một quốc gia nghèo khó, đã đi từ phát hiện đầu tiên đến dòng dầu đầu tiên, một khoảng thời gian cực kỳ ngắn đối với ngành dầu mỏ và hiện đang khai thác trung bình khoảng 400.000 thùng mỗi ngày.
Con số dự kiến đạt 580.000 vào năm 2023 và có khả năng lên tới 1 triệu thùng/ngày vào năm 2027. GDP Guyana được dự đoán sẽ tăng 58,7% trong năm nay, trong đó dầu mỏ chiếm hơn 60% sản lượng xuất khẩu, thay thế đường và gạo. Tất cả được kỳ vọng sẽ giúp kinh tế Guyana phát triển gấp năm lần trong vòng 10 năm nữa.
Vì lý do này, nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch năm 2020, đang cho thấy sự bùng nổ chưa từng có. Với hơn 11 tỷ thùng dầu được xác định và hơn 35 phát hiện cho đến nay, cùng với việc Exxon đẩy mạnh phát triển Khối Stabroek ngoài khơi, có những dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp dầu mỏ và nền kinh tế của Guyana sẽ tiếp tục tăng trưởng. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Guyana sẽ trở nên dễ bị tổn thương trước "lời nguyền dầu mỏ".
Lời nguyền dầu mỏ là nơi một quốc gia trở nên choáng ngợp bởi sự giàu có do dầu mỏ tạo ra trong khi bỏ qua các lĩnh vực kinh tế khác để ưu tiên tối đa hóa lợi nhuận do dầu mỏ mang lại. Điều này thường dẫn đến rối loạn về kinh tế và chính trị gia tăng.
Nó cũng làm cho các quốc gia cực kỳ dễ bị tổn thương trước sự sụt giảm giá dầu, chẳng hạn như các cú sốc dầu trong những năm 1980, khi sự phụ thuộc kinh tế của họ vào hàng hóa ngày càng tăng.
Bất ổn chính trị là kết quả rõ nét nhất của "lời nguyền dầu mỏ", và điều này đã được minh chứng bởi Venezuela, nơi dầu mỏ là nguồn thu nhập chính và là mặt hàng xuất khẩu chính.
Khi giá dầu sụp đổ vào cuối năm 2014, với giá dầu Brent quốc tế giảm mạnh từ hơn 100 USD/thùng xuống dưới 30 USD vào đầu tháng 1 năm 2016, Venezuela đã rơi vào vòng xoáy khủng hoảng chính trị và kinh tế.
Tác động tiêu cực của những sự kiện này lại càng được phóng đại bởi các biện pháp trừng phạt ngày càng thắt chặt hơn của Mỹ, vào đầu năm 2019 đã cắt đứt Venezuela khỏi thị trường năng lượng toàn cầu, làm trầm trọng thêm thảm họa kinh tế và nhân đạo lớn đã xảy ra kể từ năm 2015. Có những lo ngại đáng kể rằng Guyana đang phải đối mặt với một tương lai tương tự Venezuela.
Hiện doanh thu từ xuất khẩu xăng dầu đang tạo ra cho Guyana là đáng kể. Theo Ngân hàng trung ương Guyana, ngành công nghiệp dầu mỏ đã tạo ra doanh thu 439 triệu USD cho Georgetown trong quý 2 năm 2023.
Con số này bao gồm 11 triệu USD kiếm được từ tiền bản quyền của ngành và 428 triệu USD thu được từ lợi nhuận dầu mỏ. Kể từ khi bắt đầu sản xuất dầu ở Guyana vào năm 2019 cho đến cuối quý 2 năm 2023, thuộc địa cũ của Anh đã kiếm được gần 2,7 tỷ USD từ 29 lần khai thác dầu, bao gồm 331 triệu USD từ tiền bản quyền và 2,3 tỷ USD lợi nhuận.
Với trữ lượng và tiềm năng sản xuất lớn, Guyana đang trở thành nhà cung cấp dầu mỏ quan trọng ở Nam Mỹ.
Đáng chú ý, vì không thuộc liên minh OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa), Guyana có thể sản xuất và xuất khẩu khi cần thiết, đưa thêm dầu ra thị trường. Điều đó có thể mang lại lợi ích cho người tiêu dùng quốc tế – chẳng hạn như Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ.
Ngoài ra, Guyana cũng đang chuẩn bị khai thác trữ lượng khí đốt tự nhiên của nước này. Mục tiêu đó đặc biệt phù hợp với châu Âu - nơi đang tìm cách đa dạng hóa nguồn khí đốt và giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Thông qua việc sản xuất khí đốt, Guyana có thể trở thành nhà cung cấp mới cho Liên minh Châu Âu (EU) để thay thế các nguồn cung cũ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của lục địa và giảm khả năng bị gián đoạn nguồn cung tiềm năng.
Tham khảo: Oilprice