Quốc gia Ả Rập và châu Âu bí mật cứu lính Mỹ thoát tên lửa Iran?

H.Bình |

Gần 8 giờ trước vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran vào căn cứ al-Assad hôm 8-1, lính Mỹ và Iraq kịp sơ tán và chuyển vũ khí đến các boongke kiên cố, hai sĩ quan Iraq đóng tại căn cứ tiết lộ với hãng tin Reuters.

Một sĩ quan tình báo cho biết đến nửa đêm, không một máy bay chiến đấu hay máy bay trực thăng nào ở ngoài trời. Trong khi một nguồn tin tình báo khác của Iraq cho biết quân đội Mỹ thậm chí dường như biết thời điểm xảy ra vụ tấn công, nói rằng họ dường như biết được căn cứ này sẽ bị tấn công sau nửa đêm.

Khi các tên lửa cuối cùng lao vun vút xuống căn cứ vào khoảng 1 giờ 30 phút sáng 8-1, chúng tấn công các boongke trống đã được sơ tán nhiều giờ trước đó, nguồn tin tình báo cho biết thêm.

Một tên lửa hành trình đã đánh sập hơn một chục bức tường bê tông và thiêu hủy các container mà binh lính Mỹ sống trong đó.

Một tên lửa khác phá hủy 2 nhà chứa trực thăng Black Hawk, làm nổ tung các văn phòng gần đó và gây ra vụ cháy nhiên liệu kéo dài hàng giờ, lính Mỹ cho biết. Không ai bị thương hay thiệt mạng.

Nhiều nguồn tin góp thêm bằng chứng cho thấy cuộc tấn công của Iran nằm trong số cuộc tấn công được giữ bí mật tệ nhất trong chiến tranh hiện đại, song lý do vẫn mơ hồ sau tuyên bố mâu thuẫn nhiều ngày từ các quan chức ở Iran, Iraq và Mỹ.

 Quốc gia Ả Rập và châu Âu bí mật cứu lính Mỹ thoát tên lửa Iran? - Ảnh 2.

Khu nghỉ ngơi dành cho binh lính Mỹ tại căn cứ không quân Ain al-Asad ở tỉnh Anbar, Iraq, ngày 13-1. Ảnh: REUTERS

Sau khi vụ tấn công bằng tên lửa, một số cơ quan truyền thông lớn của Mỹ dẫn lời các quan chức nước này nói rằng cuộc tấn công là một phát súng cảnh cáo, thỏa mãn lời kêu trả đũa vụ giết tướng Iran của người dân Tehran, và không có nhiều nguy cơ kích động các cuộc tấn công tiếp theo của Mỹ.

Một số phương tiện truyền thông trích dẫn các nguồn tin của Mỹ và Ả Rập cho biết Iran đã cảnh báo Iraq trước các cuộc tấn công và Iraq đã chuyển thông tin đó cho Mỹ.

Tuy nhiên, đến ngày 10-1, các quan chức hàng đầu của Mỹ bác thông tin này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Iran có chủ ý giết chết nhân viên Mỹ. Phát ngôn đó lần nữa nhấn mạnh ý của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley trước đó.

 Quốc gia Ả Rập và châu Âu bí mật cứu lính Mỹ thoát tên lửa Iran? - Ảnh 3.

Các tên lửa dẫn đường của Iran phá hủy một số cơ sở quân sự nhạy cảm của Mỹ ở căn cứ. Ảnh: CNN.

Mớ hỗn loạn liên quan đến ý định của Teheran khiến khó đánh giá chính xác ý định thực sự, mở thêm các tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ hay một cuộc chiến toàn diện. Một loạt các tuyên bố mâu thuẫn từ các quan chức Iran chỉ làm tăng thêm sự bấp bênh.

"Chúng tôi không có mục đích sát hại ai. Chúng tôi chỉ muốn đánh vào cỗ máy quân sự của kẻ thù" - tướng Amir Ali Hajizadeh, chỉ huy không lực của lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hôm 9-1 nói về cuộc không kích một ngày trước. Mặt khác, ông Hajizadeh nhấn mạnh:

"Các cuộc tấn công tên lửa nhắm vào một trong số những căn cứ quan trọng nhất của Mỹ là khởi đầu cho một chiến dịch lớn sẽ tiếp tục trên khắp khu vực".

 Quốc gia Ả Rập và châu Âu bí mật cứu lính Mỹ thoát tên lửa Iran? - Ảnh 5.

Khi tên lửa đến gần, hầu hết binh sĩ đã xuống dưới các hầm trú ẩn nằm rải rác khắp căn cứ. Ảnh: REUTERS

Một cố vấn cho Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi tiết lộ với Reuters rằng Iran không trực tiếp thông báo cho Iraq vụ tấn công tên lửa, nhưng Iran cho biết đã cảnh báo thông qua các quốc gia khác.

Cụ thể, cố vấn cho biết cả Iraq và Mỹ đều được cảnh báo về cuộc tấn công sắp xảy ra nhờ một quốc gia Ả Rập và một quốc gia châu Âu.

Cố vấn này khẳng định rõ ràng rằng Iran rất muốn cả người Mỹ và người Iraq đều biết về vụ tấn công trước khi chúng xảy ra. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Iran từ chối bình luận và phái đoàn Iran tại Liên Hiệp Quốc không lên tiếng về thông tin này. Văn phòng thủ tướng Iraq, một phát ngôn viên của quân đội Iraq và Nhà Trắng cũng thế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại