Quốc đảo này sắp bị xóa sổ vĩnh viễn, nguyên nhân vì "đại nạn" chúng ta sắp đối mặt

Trang Ly |

Nếu mực nước biển dâng 2 mét vào năm 2100, các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương như Vanuatu sẽ biến mất hoàn toàn.

Các dải băng ở Greenland và Nam Cực trên Trái Đất đang tan chảy nhanh một cách đáng báo động. Các nhà khoa học đã biết điều này trong nhiều năm qua, tuy nhiên, đến bây giờ họ mới nhận ra sự tan chảy đó diễn ra nhanh như thế nào.

Cụ thể, riêng băng tại Greenland đang tan nhanh hơn 6 lần so với bốn thập kỷ trước; khối băng khổng lồ này đang trút bỏ trung bình 286 tỷ tấn băng mỗi năm.

Theo đánh giá của các nhà khoa học trong nghiên cứu mới nhất công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Science, sự gia tăng ngày càng lớn của mực nước biển dâng từ việc băng tan không ngừng này có thể "gây ra hậu quả sâu sắc cho nhân loại".

Viễn cảnh nghiệt ngã cho con người trong 80 năm tới

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, trong trường hợp xấu nhất (là việc Trái Đất nóng thêm 5 độ C trong vòng 80 năm tới), băng tan có thể làm tăng mực nước biển trên toàn thế giới ở mức 2 mét!

Quốc đảo này sắp bị xóa sổ vĩnh viễn, nguyên nhân vì đại nạn chúng ta sắp đối mặt - Ảnh 2.

Băng tan không ngừng này có thể "gây ra hậu quả sâu sắc cho nhân loại". Nguồn: York University

Hậu quả khủng khiếp có thể nhanh chóng hình dung: Nước biển sẽ tràn vào các thành phố lớn ven biển như New York và Thượng Hải, hai thành phố đông dân chiếm tới 187 triệu người vào năm 2100, nghiên cứu cho hay.

Các dải băng tại Greenland có diện tích bằng 1,7 triệu km2, gấp 3 lần diện tích của bang Texas, Mỹ. Cùng với dải băng ở Nam Cực (dải băng khổng lồ tại đây chứa hơn 99% lượng nước ngọt trên hành tinh), theo Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Mỹ (NSIDC).

Quốc đảo này sắp bị xóa sổ vĩnh viễn, nguyên nhân vì đại nạn chúng ta sắp đối mặt - Ảnh 3.

Giáo sư Địa-Vật lý tại Đại học Bristol (Anh) Jonathan Bamber, tác giả chính của nghiên cứu.

Hầu hết lượng nước ngọt đó bị đóng băng trong khối băng và tuyết có thể dày tới 3km, nhưng dưới tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu nhân tạo (từ các hoạt động sản xuất, giao thông và sinh hoạt của con người) gây nên hiệu ứng nhà kính, không chỉ khiến Trái Đất nóng dần lên mà còn khiến đại dượng hấp thụ 93% lượng nhiệt vượt quá mức cho phép.

Không khí và nước ấm đang khiến các tảng băng tan chảy với tốc độ chưa từng thấy. Năm 2013, Hội đồng liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc dự đoán mực nước biển sẽ tăng lên tới 97 cm vào năm 2100 nếu lượng khí thải CO2 tiếp tục tăng như hiện nay.

Tuy nhiên, tính cho đến năm 2019, dựa vào thực trạng của Trái Đất, các nhà khoa học cho biết, mực nước biển có thể tăng gấp đôi so trong năm 2100 với ước tính năm 2013 của Liên Hợp Quốc, nghĩa là nước biển có thể tăng lên 2 mét trong vòng 80 năm tới.

Mặc dù, xác suất cho một kịch bản khí hậu tồi tệ nhất sắp xảy ra chỉ chiếm khoảng 5%, nhưng các tác giả trong nghiên cứu vẫn cho rằng "rất có lý" khi mực nước biển trên toàn cầu sẽ tăng 2 mét vào năm 2100.

Đại nạn nước biển dâng: 187 triệu người tị nạn khí hậu

1. Nước biển "nuốt chửng" đất đai

Nếu mực nước biển năm 2100 tăng lên 2 mét thì khoảng 1,8 triệu km2 sẽ bị nước biển mặn xâm chiếm hoàn toàn. Để hình dung, 1,8 triệu km2 đất rộng bằng diện tích của Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh cộng lại.

Trong trường hợp đó, các thành phố lớn ven biển như London, New York và Thượng Hải sẽ bị đe dọa bởi lũ lụt cực đoan. Các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương như Vanuatu sẽ biến mất hoàn toàn.

Các tác giả nghiên cứu cũng cho biết, rất nhiều vùng đất bị nước biển mặn xâm chiếm đều thuộc trong "khu vực sản xuất lương thực trọng yếu" của thế giới như đồng bằng sông Nile ở châu Phi, BBC cho hay.

2. Hàng trăm triệu người tị nạn khí hậu

Không chỉ tác động đến đất đai, nông nghiệp, mực nước biển tăng còn khiến con người phải khốn đốn. Theo bài nghiên cứu, tổng cộng, có tới 2,5% dân số hiện tại trên thế giới có thể phải tị nạn, rời khỏi nơi sinh sống vĩnh viễn.

Quốc đảo này sắp bị xóa sổ vĩnh viễn, nguyên nhân vì đại nạn chúng ta sắp đối mặt - Ảnh 6.

Nếu nước biển tăng 2m, các thành phố lớn ven biển như London, New York và Thượng Hải sẽ bị đe dọa bởi lũ lụt cực đoan. Ảnh mang tính minh họa.

Giáo sư Địa-Vật lý tại Đại học Bristol (Anh) Jonathan Bamber, tác giả chính của nghiên cứu, cho CNN biết: "Để dễ hiểu thực trạng này trong tương lai, bạn có thể hình dung cuộc khủng hoảng tị nạn Syria đã dẫn đến việc khoảng 1 triệu người tị nạn đến châu Âu. Con số này nhỏ hơn khoảng 200 lần so với số người sẽ phải di dời vĩnh viễn trong năm 2100 (gần 200 triệu người) nếu mực nước biển tăng lên 2 mét.

Cuộc khủng hoảng tị nạn khí hậu này có thể dẫn đến biến động xã hội nghiêm trọng. Thực sự đó là một viễn cảnh nghiệt ngã."

Hiện nay, trước tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu, con người và nhiều loài sinh vật đang phải đối mặt với những nguy hiểm khó lường từ thời tiết cực đoan, mất cân bằng sinh thái...

Không những thế, chỉ riêng việc nóng lên toàn cầu đã khiến đại dương ngày càng ấm hơn. Hệ quả là, bão và siêu bão không chỉ xuất hiện sớm hơn thường lệ, mà chúng còn mạnh và khó lường hơn theo thời gian.

Đối với các quốc gia ven biển, bão và siêu bão là thảm họa tự nhiên đáng sợ bậc nhất. Chúng vẫn đang phá hủy nhiều ngôi nhà và cướp đi nhiều mạng sống của con người.

Chưa bao giờ, con người phải đặt nhiều câu hỏi cho việc đời sống của họ bị thời tiết cực đoan tác động lớn như thế đến bao giờ nữa trong tương lai!

Bài viết sử dụng nguồn: CNN, Business Insider

*Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại