Vùng đầm phá Venice 2.000 năm trước và hiện tại - Ảnh: Scientific Reports
Nghiên cứu vừa công bố trên Scientific Reports cho biết thứ đầu tiên được phát hiện là một con đường lát đá nguyên vẹn, thể hiện rõ cấu trúc của người La Mã, được phát hiện khi quét radar khu vực kênh Trepoti, thuộc phần phía Bắc của vùng đầm phá ngoại ô thành phố Venice (Ý).
2 bên con đường là tàn tích của nhiều ngôi nhà ở đủ mọi kích cỡ, những con phố nhỏ hơn nối liền với các công trình phục vụ đời sống, các trung tâm thương mại trong khu vực.
Theo Live Science, nhóm tác giả dẫn đầu bởi tiến sĩ Fantina Madricardo từ Viện Khoa học BIển (ISMAR) ở Venice đã tìm thấy một thủy cung, hay nói đúng hơn là cả một thành phố ma, một khu định cư phức tạp có niên đại khoảng 2.000 năm.
Hình ảnh radar chụp đáy đầm nước tiết lộ các cấu trúc thuộc về một khu định cư trù phú, có những con đường đẹp và cả bến tàu riêng - Ảnh: Scientific Reports
Các dữ liệu địa vật lý tiết lộ đầm phá Venice được hình thành dần từ sự dâng cao của mực nước biển từ sau thời kỳ băng hà cuối cùng. Vào thời La Mã 2.000 năm trước đó, mực nước biển đã có lần dâng cao tận 2,5 mét, do đó đã nhấn chìm toàn bộ khu định cư nói trên.
Các hiện vật của người La Mã từng được tìm thấy dọc các tuyến đường thủy và trên các đảo trong khu vực đầm phá Venice, nhưng lịch sử thì không được ghi lại rõ ràng. Do đó từ lâu giới khoa học đã tranh luận nảy lửa về khả năng nơi đây từng là khu định cư đông đúc, hay chỉ đơn giản là nơi ở của vài người La Mã cô độc, thích tìm cảnh thôn dã.
Tuy nhiên lần này, bằng chứng về khu định cư là ít nhất 12 cấu trúc cỡ lớn bao gồm con đường lát đá, với độ sâu khoảng 9 mét.
Ngoài đường phố, nhà ở, họ còn tìm thấy cả một bến tàu cổ có diện tích lớn hơn cả một sân bóng rổ, gián tiếp tiết lộ quy mô của "thành phố ma" bên dưới Venice.
Các nhà khoa học dự định sẽ khoan vào đáy của vùng đầm nước này để đưa lên các lõi trầm tích, thứ có thể tiết lộ nhiều điều về lịch sử của "thành phố ma".