Kể từ khi được đưa lên màn ảnh, khủng long bạo chúa T-rex đã trở thành hiện thân của một thế lực tối cao, một sinh vật quyền lực nhất Trái đất thời cổ đại.
Kích cỡ khổng lồ, hàm răng sắc nhọn cùng tiếng gầm rung chuyển đất trời, có lẽ chẳng ai muốn nghĩ đến việc phải đối chọi với loài vật bá chủ này làm gì.
Tạo hình thường thấy của T-rex trong phim ảnh
Trên phim, T-rex được tạo hình là một loài bò sát với làn da màu xanh đen, cùng một vùng chấm màu cam xung quanh mắt. Đó cũng là hình ảnh mà chúng ta nghĩ đến mỗi khi nhắc đến loài khủng long quái vật này.
Tuy nhiên theo một nghiên cứu mới đây do BBC đăng tải, ngoại hình thực sự của T-rex không giống như những gì phim ảnh đã thể hiện. Nó có phần giống với chim chóc hơn, và đặc biệt là ngoại hình... "trẻ trâu" hơn rất nhiều.
Nghiên cứu do giáo sư Julia Clarke từ ĐH Texas thực hiện, và bà tin rằng T-rex thực sự không có da màu xanh đen, mà là các đốm đen.
Khi quan sát các mẩu da khủng long hóa thạch trên kính hiển vi electron, Clarke đã tìm thấy các cấu trúc giúp sản sinh ra melanin (còn gọi là hắc tố, thứ khiến làn da của chúng ta đen đi).
Dựa vào cấu trúc này, Clarke đã so sánh cùng các loài vật được cho là có họ hàng với T-rex ở thời hiện đại và đưa ra kết luận: T-rex không có màu xanh đen, mà mang các đốm nâu, đen, thậm chí là xám sáng. Các mảng đốm này có thể phân theo từng vùng để giúp khủng long nguỵ trang dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, T-rex còn có một chỏm lông trên đầu và lưng, giống như những cậu chàng choai choai nhuộm tóc thời hiện đại vậy. Mục đích của chòm lông này không phải để cách nhiệt như các loài chim thời hiện đại, mà giống như cách để khủng long thể hiện vai vế trong xã hội.
Không chỉ ngoại hình và màu sắc, tiếng gầm làm nên thương hiệu của T-rex trong phim có vẻ cũng không giống như vậy.
Theo giáo sư Clarke, âm thanh do T-rex phát ra sẽ rất trầm, gần như chạm tới hạ âm. Sóng âm này khiến con người rất khó có thể nghe thấy, nhưng lại có thể truyền đi rất xa.
Các phiên bản chụp cắt lớp hóa thạch hộp sọ T-rex cũng ủng hộ giả thiết này. Theo Larry Witmer - nhà khảo cổ từ ĐH Ohio, cấu trúc tai của T-rex cho phép chúng nhạy cảm hơn với các âm thanh tần số thấp, nghĩa là chúng có thể nghe tiếng của các cá thể cùng loài.
Bên cạnh đó, các mẫu chụp cắt lớp còn cho thấy não bộ của T-rex giống với não chim hơn là bò sát. Chúng có khứu giác khá nhạy, nhưng đồng thời tầm quan sát rất tốt - điều này giống như các loài chim thời hiện đại hơn.
Tuy nhiên, phim ảnh cũng có phần chính xác ở khả năng tấn công của T-rex. Với hàm răng cực khủng, T-rex có lực cắn mạnh gấp 40 lần so với lực cắn của con người, tức là đủ sức nghiền nát xương của bất kỳ loài vật nào.
"Các khối xương sẽ gần như nổ tung khi T-rex xuất lực cắn."
Nguồn: Daily Mail, BBC