"Hơn 700 loài vi khuẩn khác nhau sống trong khoang miệng. Tất nhiên không phải tất cả vi khuẩn đều có hại", giáo sư nha khoa Vera W.L.Tang đang công tác tại Trường Đại học New York (Mỹ) tiết lộ.
Và có một thực tế là chúng ta thường nghĩ rằng chỉ cần đánh răng 2 lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa là có thể đánh bay mọi vi khuẩn có hại. Nhưng thói quen đó vẫn chưa thể giúp chúng ta có một hệ thống răng miệng khỏe mạnh.
Bởi theo các bác sĩ nha khoa, bề mặt lưỡi của bạn thực sự giống như một "miếng bọt biển" chứa đầy vi khuẩn và là nguồn gốc của nhiều bệnh tật nguy hiểm. Thế nhưng, nhiều người bỏ quên bước vệ sinh lưỡi.
Hậu quả khi không vệ sinh lưỡi sạch
1. Chứng hôi miệng: Ước tính khoảng 85% trường hợp hôi miệng là do những vấn đề trong miệng, 50% trong số này xuất phát từ những mảng bám sót lại trên lưỡi.
Vì lúc đó các vi khuẩn cư ngụ trên lưỡi của bạn, đặc biệt là phía sau lưỡi bắt đầu hoạt động mạnh, gây ra mùi khó chịu ở miệng.
Ngoài ra, việc không vệ sinh lưỡi sạch sẽ sẽ không thể ngăn chặn vi khuẩn sản sinh các hợp chất sulphur, thủ phạm gây ra chứng hôi miệng.
2. Mất vị giác: Khi bạn không vệ sinh lưỡi, các lớp vi khuẩn, cặn thức ăn và tế bào chết tồn tại ở trên lưỡi sẽ bao phủ bề mặt lưỡi khiến các cơ quan thụ cảm vị giác ở lưỡi không còn nhạy cảm, từ đó khiến cho khả năng cảm nhận đồ ăn sẽ không còn được chính xác.
3. Bệnh nha chu: Vi khuẩn cư ngụ trên bề mặt lưỡi có thể lây lan và phá hủy răng, gây viêm nướu và viêm lợi. Nếu không được điều trị kịp thời, chứng viêm có thể tiến triển thành bệnh nha chu.
Hậu quả nghiêm trọng hơn có thể là bạn sẽ bị rụng răng. Nguy hiểm hơn, viêm mãn tính do nha chu gây ra có khả năng liên quan đến nguy cơ đau tim, đột quỵ...
4. Nhiễm nấm men: Nếu bạn không chú trọng việc vệ sinh lưỡi, nấm men lập tức sẽ "hỏi thăm" khoang miệng. Từ đó, các mảng trắng ở trên lưỡi sẽ hình thành.
Nếu bị nhiễm nấm, bạn sẽ phải đến gặp bác sĩ và dùng một loại thuốc kháng nấm mới có thể chữa khỏi.
Cách vệ sinh lưỡi
Vậy là các bạn đã nhận ra tầm quan trọng của việc vệ sinh lưỡi hằng ngày. Nhưng nên nhớ rằng, việc làm sạch vi khuẩn vùng này không đơn giản bằng cách uống nước hoặc sử dụng nước súc miệng.
Cách làm sạch lưỡi cũng khá đơn giản:
1. Dùng bàn chải đánh răng: Các nha sĩ khuyên dùng là dùng bàn chải đánh răng nhẹ nhàng chải qua chải lại, chải từ phía sau của lưỡi ra phía trước và 2 bên cạnh lưỡi. sau đó súc miệng bằng nước.
Chải lưỡi có thể không cần dùng kem đánh răng nhưng nếu có thì sẽ tốt hơn, vì nó đem lại cảm giác thoải mái và làm sạch hiệu quả hơn. Cần cẩn thận không để bàn chải làm trầy bề mặt lưỡi.
Mỗi khi đánh răng, bạn nên dành thêm một chút thời gian để vệ sinh lưỡi sạch sẽ.
2. Dụng cạo lưỡi chuyên dụng: Trước khi đánh lưỡi, bạn cần súc miệng để loại bỏ những mảng bám lớn rồi dùng dụng cụ loại bỏ các lớp mảng bám trên lưỡi. Bạn hãy thực hiện nhẹ nhàng, tránh gây tổn thương cho lưỡi.
Theo Hiệp hội nha khoa Mỹ, một số người thích sử dụng cạo lưỡi, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy dụng cụ này tốt hơn bàn chải.
Bạn nên đánh lưỡi ít nhất mỗi ngày 1 lần. Nếu siêng năng hơn, bạn cần làm sạch lưỡi vào buổi sáng, tối và sau những bữa ăn.
3. Nước cốt chanh
Ngoài 2 cách trên, bạn cũng có thể loại bỏ các lớp bợn màu trắng trên lưỡi và giữ sạch sẽ cho lưỡi bằng cách bôi hỗn hợp nước cốt chanh với bột baking soda lên lưỡi. Nhớ sau đó đánh răng và súc miệng cho sạch.
Bạn nên thực hiện cách này 1 lần/tuần.
4. Nghệ
Nghệ có tính sát trùng và chống vi khuẩn, bảo vệ niêm mạc miệng. Bạn có thể trộn bột nghệ với nước và sử dụng để rửa lưỡi cũng là một biện phát giúp làm sạch lưỡi hiệu quả.
Lưu ý:
Nếu việc làm sạch lưỡi vẫn không giúp hơi thở thơm tho hơn, bạn hãy đi khám bác sĩ để phòng ngừa nguyên nhân do sâu răng, nhiễm trùng ở miệng, mũi, xoang, hoặc cổ họng, thuốc men, và thậm chí cả ung thư hay tiểu đường.
* Theo Women’s Health, Healthsite