Truyền thông địa phương hồi đầu tháng 10 đưa tin về một vụ việc gọi là "AirDrop chikan", trong đó hình ảnh bậy bạ được gửi qua tính năng AirDrop trên điện thoại của hãng Apple và đến những điện thoại nào không cài đặt tính năng từ chối thông điệp gửi từ người lạ.
Cụ thể, một cô gái trẻ cho một kênh truyền hình địa phương biết khi đang trên một chuyến tàu ở TP Nagoya thì điện thoại của cô bất ngờ nhận hình ảnh chụp bộ phận nhạy cảm của một kẻ biến thái nào đó.
"Tôi vừa sợ hãi vừa giận dữ" - cô kể lại.
Những gì cô gái trên gặp phải không phải là cá biệt khi một số nạn nhân lên mạng Twitter để chia sẻ những hình ảnh bậy bạ nhận được.
Một cư dân mạng có tên TheNazu nói cô thấy "khủng khiếp" khi nhận một hình ảnh chụp 2 người đàn ông khỏa thân nhảy quanh đỉnh một ngọn núi.
Nhà chức trách Nhật Bản đang tăng cường trấn áp nạn sờ mó nữ hành khách trên tàu điện Ảnh: EPA
Nạn sờ mó nữ hành khách trên tàu điện từ lâu là vấn đề ở Nhật Bản, khiến nhà chức trách rất đau đầu.
Nhiều công ty tàu điện đã đối phó bằng cách dành riêng một số toa cho phụ nữ vào giờ cao điểm, lắp đặt camera giám sát hoặc triển khai nhân viên mặc thường phục để theo dõi và bắt giữ kẻ làm bậy.
Khoảng 1.800 vụ bắt giữ liên quan đến cáo buộc sờ soạng được ghi nhận mỗi năm ở Nhật Bản nhưng con số thực tế được cho là cao hơn nhiều bởi nhiều nạn nhân ngại trình báo.
Ông Makoto Watanabe, chuyên gia về truyền thông tại Trường Đại học Hokkaido Bunkyo (Nhật Bản), nhận định với tờ South China Morning Post rằng việc sử dụng công nghệ cao giúp kẻ quấy rối khó bị phát hiện hơn trong đám đông.
Ngoài ra, theo ông Watanabe, hiện tượng này cũng phần nào phản ánh xã hội Nhật Bản đang thiếu một bộ ứng xử phù hợp trong thời đại số.