Sau gần 2 tháng điều trị tích cực tại Khoa ngoại & Chuyên khoa, đến nay bé Lương Bảo N. (4 tuổi, dân tộc Tày, trú tại xã Tình Húc, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) đã thuộc gần hết tên, giọng nói của các cô, các chú là Bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Khoa ngoại & Chuyên khoa.
Trước đó, ngày 16/2/2018, mẹ bé trong lúc chuẩn bị tắm cho con bất cẩn không chú ý để bé N. bò chơi ngã vào chậu nước sôi, xuất hiện tổn thương nhiều vùng trên cơ thể... Bé được sơ cứu tại Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh trong tình trạng phải cấp cứu.
Tại đây, bé được chuyển lên phòng mổ cấp cứu, bác sĩ xác định trẻ bị bỏng nặng độ I,II,III, diện bỏng rộng 55% vùng ngực, tiên lượng bệnh nhân nặng.
Phần da trên cơ thể bị bỏng lại không phát triển nữa nên để lại rất nhiều sẹo xấu
Hiện tại sức khỏe của bé đã tạm ổn định, bé được ghép da, vá da dày toàn bộ, băng ép cố định diện ghép da, nẹp cố định cánh- cẳng tay trái bằng nẹp bột, vệ sinh làm sạch vết thương hằng ngày… và chăm sóc đặc biệt tại Khoa Ngoại & Chuyên khoa của bệnh viện.
Toàn bộ viện phí của bé N. được Bảo hiểm y tế chi trả 100%. Ngoài ra, Bệnh viện hỗ trợ chi phí để giúp gia đình lo ăn uống, vệ sinh cho bé hàng ngày cho bé.
Trong thời gian tới, bé Lương Bảo N. dự kiến được chuyển lên Viện bỏng Quốc gia để được điều trị tiếp.
Bác sĩ Đỗ Hoàng Việt cho biết: "Đối với trẻ em, các loại bỏng đều gây nguy cơ tử vong rất cao, do cơ thể của các em còn non nớt, sức đề kháng kém. Da của các em rất dễ bị hoại tử dẫn đến nhiễm trùng máu, cho dù các em chỉ bị bỏng nước sôi độ 1, độ 2, nhưng chỉ cần khoảng 25% cơ thể đã nguy hiểm đến tính mạng".
Do cơ thể của các bé liên tục phát triển trong khi phần da trên cơ thể bị bỏng lại không phát triển nữa nên để lại rất nhiều sẹo xấu, sẽ trở nên tự ti, mặc cảm trước bạn bè dẫn đến cuộc sống của các em cũng thua thiệt, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển sinh lý lẫn tâm lý của đứa trẻ sau này.
Bác sĩ khuyến cáo, trẻ em bị bỏng, lỗi chung quy vẫn do người lớn sơ suất, lơ là trông coi. Đừng để một phút chểnh mảng trong việc chăm sóc làm thay đổi một cuộc đời, một số phận của đứa trẻ.
Xem thêm:
Kỹ năng sơ cứu cho người bị bỏng