Cùng với màu nước biển đen là bọt sủi màu vàng ố, có nơi nổi thành váng trên bề mặt, phân bố thành từng mảng lớn, liên tục dạt vào bờ phạm vi trải dài hơn 2km. Khiến người dân sống ở gần khu vực này hoang mang, lo lắng về vấn đề môi trường biển bị ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe và đời sống.
Nhiều người dân cho rằng, những năm trước, vào mùa biển động thì nước biển cũng có đổi màu nhưng hiện tượng như thế này thì bây giờ mới thấy xuất hiện.
Nước biển có màu xám đen, nổi bọt vàng. Ảnh Nguyễn Ngọc
Anh Huỳnh Tấn Việt (trú tại thôn Trung An, xã Bình Thạnh) cho rằng: “Người dân ở đây chưa thấy hiện tượng này bao giờ. Người dân ở đại phương đến tắm biển bị ngứa nên không đến đây nữa.
Nếu tình trạng này kéo dài có nguy cơ biển bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và môi trường sống của các loài thủy sinh gần bờ, mong chính quyền sớm vào cuộc xử lý”.
Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Sơn cho biết sáng 4/12 đã cử cán bộ đến kiểm tra và lấy mẫu nước biển về phân tích, sau khi xét nghiệm mẫu nước thu được từ biển Khe Hai, bước đầu có thể khẳng định nước biển đen không phải do dầu.
Sau khi phân tích mẫu nước sẽ tiếp tục gửi mẫu nước đến các cơ quan chuyên môn cao hơn để kiểm tra chính xác nguyên nhân.
Cả vùng biển dài chừng 2km đều bị chuyển màu xám đen. Ảnh Nguyễn Ngọc
Trước hiện tượng nước biển đen bất thường, ông Võ Văn Đồng - phó bí thư thường trực Huyện ủy Bình Sơn - cho biết UBND huyện sẽ làm báo cáo gửi Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Quảng Ngãi.
Trong ngày, huyện cũng dẫn đoàn làm việc của Cục bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên đến tìm hiểu nguyên nhân vì sao nước biển Khe Hai đột ngột chuyển sang màu đen như vậy.
Được biết, khu vực nước biển này rất gần cụm cảng nước sâu của Khu kinh tế Dung Quất, nơi có nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh đang hoạt động như Nhà máy thép Hòa Phát, Công ty công nghiệp nặng Doosan, Nhà máy đóng tàu Vinashin...
Khu vực nước biển đen bất thường gần các công ty công nghiệp nặng như Nhà máy thép Hòa Phát, Công ty công nghiệp nặng Doosan, Nhà máy đóng tàu Vinashin... Ảnh Nguyễn Ngọc
Nguyên nhân nước biển chuyển màu vàng sủi bọt vẫn đang được làm rõ