Bỏ việc ổn định, về quê ôm đống nợ
Năm 2017, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Ngô Tấn Quyền (SN 1994, ngụ xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) trở thành kỹ sư chế tạo máy tại một công ty sản xuất ô tô lớn, với thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, sau một năm làm việc, chán nản với cảnh "sáng đi, tối về" cứ lặp lại mỗi ngày, cùng khao khát tự làm giàu cho bản thân nên Quyền đã xin nghỉ việc ở công ty trong sự ngỡ ngàng của gia đình, bạn bè.
Ngô Tấn Quyền - kỹ sư cơ khí bỏ phố về quê khởi nghiệp với cây dó bầu, thu về 500 triệu đồng/tháng.
Clip: Chàng kỹ sư bỏ việc, ôm cục nợ về quê quyết chí làm giàu từ trầm hương. Thực hiện: Hà Nam
Thời điểm này, tìm hiểu trên mạng, Quyền ấn tượng với mô hình trồng rau thủy canh trên sân thượng. Thấy dự án có tiềm năng nên Quyền rủ 2 người bạn hùn vốn thuê mặt bằng ở Đà Nẵng để khởi nghiệp. Thế nhưng, 4 tháng từ khi mở công ty, trời miền Trung liên tục mưa tầm tã. Công trình nhận được chỉ đếm đầu ngón tay. Bạn bè rút vốn, một mình phải gồng gánh trả tiền thuê nhà, không thể cầm cự nỗi, Quyền đành dọn hết vật liệu ra ngoài để "bán sắt vụn". Không ngờ, trong lúc chờ thanh lý thì những tài sản cuối cùng đó đã bị trộm cuỗm sạch.
Cạn vốn, về quê, sẵn nghề cơ khí, thi thoảng có công trình Quyền lại chạy xe máy rong ruổi khắp nơi để làm hệ thống tưới cây ăn quả... Nhưng hướng đi này cũng không tồn tại được lâu khi mỗi năm chỉ nhận được vài công trình, rồi lãi được vài đồng thì khách lại nợ tiền…
Ngô Tấn Quyền (ngoài cùng, bên trái) cùng đồng nghiệp đi tìm mua cây dó bầu tại xứ trầm Tiên Phước (Quảng Nam).
Không nhụt chí, chàng trai trẻ dấn thân sang làm dược liệu, rồi sản xuất đồ mỹ nghệ gỗ mini nhưng cũng chẳng khấm khá hơn, trong khi số tiền vay mượn đã lên đến 200 triệu đồng.
"Thất nghiệp, lại trắng tay, suốt 3 năm liền tôi không dám mua cho mình 1 bộ quần áo mới nào. Lúc đó, tôi cảm thấy mọi thứ như chống lại mình và bắt đầu hoài nghi về bản thân. Không chỉ chịu áp lực về kinh tế mà còn mặc cảm vì nghe nhiều lời dè bỉu. Nhiều đêm trăn trở đến mất ngủ, người gầy rộc đi nhưng đam mê và hoài bão của tuổi trẻ thì vẫn luôn cháy bỏng", Quyền tâm sự.
Bước ngoặt khởi nghiệp với loại cây đặc trưng ở quê nhà
"Vỡ mộng" sau 3 lần phá sản, đã có lúc Quyền nghĩ đến chuyện dừng lại. Cuối năm 2020, bất ngờ một lần được bạn giới thiệu về trầm hương, Quyền nhận ra đây là sản phẩm đầy tiềm năng vì huyện Tiên Phước, cách nhà mình khoảng 30 km, là xứ trầm của Quảng Nam. Nên anh quyết định tìm hiểu và dồn tất cả nguồn lực cho lần khởi nghiệp này.
"Trầm hương được hình thành từ vết thương của cây dó bầu. Loại cây này khi bị thương sẽ tiết ra chất nhựa xung quanh vết thương. Nhựa cây tiết ra một thời gian sẽ trở nên đậm đặc hơn và ăn vào các thớ gỗ. Mà trong nhựa cây dó bầu lại chứa tinh dầu. Từ đó phần gỗ bị nhựa cây thấm vào có mùi thơm tinh dầu và đổi màu - Đó chính là trầm hương. Tuy nhiên, tùy vào cơ địa từng cây, không phải cây dó bầu nào cũng có thể tạo ra trầm hương", Quyền chia sẻ.
Xưởng sản xuất sản phẩm làm từ trầm hương của Quyền tại quê nhà.
Nhưng mọi sự khởi đầu đều không đơn giản. Do là "tay mơ", lại không có vốn nên sau khi đi qua 3 cơ sở, Quyền chọn mua nguyên liệu có giá rẻ nhất. Mang 5 kg phôi trầm hương giá 2 triệu đồng về chế tác nhưng khi cầm sản phẩm hoàn thiện trên tay, ngửi mùi hắc khó chịu, anh biết mình vừa quẳng những đồng tiền quý giá nhất xuống sông.
"Cú ngã" lần thứ n không làm Quyền nản chí mà càng thêm quyết tâm đi đến cùng, anh dành nhiều thời gian hơn để mày mò, tìm hiểu cặn kẽ về thế giới trầm hương. Và cơ duyên tới khi Quyền gặp được anh Lê Minh Quốc, một người chuyên buôn bán trầm tự nhiên. Quyền được Quốc chia sẻ kinh nghiệm về cây dó bầu. Vì sao lại có loại chỉ vài triệu, nhưng có loại lại vài chục triệu, thậm chí vài trăm triệu đồng 1 kilogam…
Chung khát vọng làm giàu trên chính quê hương, Quyền đã bắt tay cùng anh Quốc xây dựng thương hiệu trầm hương tự nhiên của riêng mình. Nhưng do lĩnh vực "kén khách", lại chưa có tên tuổi nên tháng đầu Quyền chỉ bán được vài đơn hàng trên facebook. Không chỉ vậy, tình hình dịch Covid-19 cũng gây khó khăn cho việc gửi hàng. Đã có lúc, Quyền tưởng chừng mình lại thất bại thêm lần nữa.
Hiện, xưởng trầm hương Quốc Quyền đang tạo việc làm ổn định cho 8 thanh niên ở địa phương.
Các sản phẩm từ cây dó bầu được chế tác rất tỉ mỉ qua nhiều công đoạn.
Nhiều công đoạn làm chuỗi hạt, vòng đeo tay từ trầm hương được thực hiện thủ công khá tỉ mỉ.
Không bỏ cuộc, chàng trai 9x vẫn tiếp tục bám trụ với nghề và mạnh dạn huy động thêm vốn từ bạn bè, người thân để đầu tư xưởng sản xuất, văn phòng rộng khoảng 100m2 ngay tại quê nhà. Nhờ tập trung làm 1 sản phẩm trầm tự nhiên và đặt chất lượng lên hàng đầu nên trầm hương Quốc Quyền dần được nhiều người biết tới.
Hiện nhà xưởng của Quyền đang gia công các loại vòng đeo tay, trầm cảnh và làm sản phẩm từ cây dó bầu như nhang nụ, nhang cây, nhang không tăm, bột trầm hương,…
Quyền cũng tận dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, cùng lúc ghi nhận ý kiến đánh giá của khách hàng. "Khâu chăm sóc và giữ chân khách hàng rất quan trọng. Với mình, để giữ chân được khách thì đầu tiên sản phẩm phải tốt. Khi khách hàng hài lòng thì họ sẽ giới thiệu sản phẩm giúp mình. Đây là cách marketing hiệu quả nhất", Quyền bộc bạch.
Quyền đang tìm trầm hương tự nhiên trong một thân cây dó bầu mới mua về.
Quyền luôn trực tiếp kiểm tra chất lượng của sản phẩm trước khi giao hàng cho khách.
Giờ đây sản phẩm trầm hương Quốc Quyền ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Trung bình mỗi tháng, doanh thu của doanh nghiệp non trẻ này đạt khoảng 500 triệu đồng/tháng, lợi nhuận 30% và đang tăng trưởng theo từng ngày.
Không chỉ trả hết nợ, việc tìm "vàng" trong thân cây còn giúp Quyền tìm lại sự tự tin vào bản thân. Đặc biệt, hiện cơ sở của Quyền đang tạo việc làm ổn định cho 8 thanh niên ở địa phương và hàng trăm cộng tác viên bán hàng khắp cả nước.
Mặc dù tình hình kinh doanh hiện tại của công ty bị ảnh hưởng, doanh thu giảm sút do kinh tế khủng hoảng, nhưng Quyền vẫn nỗ lực duy trì việc sản xuất như bình thường, đảm bảo công việc cho lao động.
Anh Quyền đang giới thiệu sản phẩm được làm từ cây dó bầu với khách hàng.
Các sản phẩm vòng đeo tay chế tác từ cây dó bầu rất bắt mắt.
Một số sản phẩm mỹ nghệ được chế tác tại xưởng trầm hương của Quyền.
Về dự định tương lai, Quyền cho biết, sắp tới sẽ mở rộng thêm quy mô sản xuất và nỗ lực quảng bá giá trị của sản phẩm làm từ trầm hương xứ Quảng ra khắp cả nước cũng như thị trường nước ngoài.
"Đường khởi nghiệp đầy trái đắng, chẳng bằng phẳng như làm công ăn lương. Với mình, bài học lớn nhất đó là học cách vượt qua áp lực. Trên con đường lập nghiệp ai cũng sẽ gặp khó khăn. Nhưng cứ dấn thân, dám nghĩ dám làm, rồi mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Nếu 1 năm chưa thành công thì kiên thì thêm trong 3, 4 năm… Cứ làm đi, vì chỉ có làm chúng ta mới biết liệu có thành công hay không", Quyền trải lòng.