Chiều ngày 10.8, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì cuộc họp về quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các dự án, công trình thủy điện trên địa bàn trước mùa mưa bão năm 2018.
Ông Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp. Ảnh: Đ.V
Theo báo cáo tại cuộc họp, hiện trên toàn tỉnh Quảng Nam có 46 dự án thủy điện đã được phê duyệt, với tổng công suất hơn 1.726 MW.
Trong đó, quy hoạch thủy điện bậc thang thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có 10 dự án với tổng công suất hơn 1.156 MW; quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ có 36 dự án với tổng công suất 570 MW.
Tại buổi họp, vấn đề ngập lụt ở các vung hạ du được quan tâm đặc biệt. Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam đã đề nghị các công ty thủy điện phối hợp với chính quyền địa phương vùng hạ lưu tổ chức tuyên truyền về hệ thống thủy điện trên lưu vực các sông để cho nhân dân chủ động ứng phó với lũ lụt.
Kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống loa cảnh báo, thông tin vận hành điều tiết ở vùng hạ du, đảm bảo phục vụ thông suốt trong mùa mưa lũ năm 2018 và các năm tiếp theo.
Cũng tại buổi họp, trước tình hình động đất ngày càng gia tăng tại khu vực hồ thủy điện Sông Tranh 2, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Việt Nam cho biết: “Theo theo dõi, thống kê của Viện Vật lý Địa cầu từ tháng 1.2017 đến tháng 8.2018, trên địa bàn Quảng Nam tổng cộng có 69 trận động đất với cường độ từ 2,5 - 3,9 độ Richter, xảy ra ở 3 huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My và Phước Sơn”.
“Nguyên nhân xảy ra những trận động đất này là do các hồ thủy điện tích nước. Tuy nhiên, đây là những trận động đất kích thích với cường độ nhỏ nên sẽ không gây thiệt hại.
Nhưng để đảm bảo an toàn thì cần lắp đặt thêm trạm quan trắc để đưa ra đánh giá cảnh báo chính xác hơn” - ông Anh cho biết thêm.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị: “Đối với các thủy điện trên địa bàn, phải khẩn trương kiểm tra lại tất cả các phương án đã được phê duyệt và chưa được phê duyệt để đảm bảo an toàn phòng chống bão lũ cho vùng hạ du.
Các thủy điện phải có phương án dự phòng xấu nhất là vỡ đập. Mời các chuyên gia để nghiên cứu, tư vấn và xây dựng phương án này, để từ đó, chúng ta có kịch bản cần thiết để ứng cứu khi không may có sự cố xảy ra.
Yêu cầu các hồ thủy điện lắp đặt thêm trạm quan trắc, trạm khí tượng thủy văn để đánh giá đặc điểm về thời tiết trên địa bàn lưu vực hồ cho phù hợp”.