“Tôi đang chờ một lời đề nghị tốt từ Thái Lan. Giải đấu tại đó không nhỏ, hãy chờ tương lai trả lời”, đại diện của Quang Hải gây chú ý khi chia sẻ trên mạng xã hội vào ngày 10/4. Thông tin về việc Quang Hải tìm cách rời Pau FC xuất hiện liên tiếp trong những ngày gần đây, đúng thời điểm tròn một năm kể từ ngày Quả Bóng Vàng Việt Nam 2018 chia tay V-League thực hiện giấc mơ châu Âu.
Trở về Việt Nam, hay sang Thái Lan thi đấu là bước lùi đối với Quang Hải. Rời châu Âu chỉ sau 1 năm để trở về Đông Nam Á rõ ràng không phải là điều nằm trong suy nghĩ của Quang Hải khi quyết tâm xuất ngoại. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, đó là bước lùi hợp lý và bắt buộc.
Quang Hải là "người thừa" ở Pau FC.
Chôn chân trên băng ghế dự bị quá lâu, phong độ của Quang Hải giảm sút đáng kế. Màn trình diễn mờ nhạt của anh tại AFF Cup là minh chứng rõ ràng nhất. Quang Hải vẫn còn những phẩm chất thiên tài, nhưng cảm giác thi đấu, mối liên kết với đồng đội dường như đã mai một. Thay đổi môi trường là việc Quang Hải cần làm ngay lúc này.
Trong các sự lựa chọn, Thai League trở thành một bến đỗ hợp lý. Đầu tiên, cơ hội thi đấu của Quang Hải sẽ tăng lên đáng kể. Xét trên mặt bằng chung bóng đá Đông Nam Á nói chung, tiền vệ sinh năm 1997 là ngôi sao hàng đầu. Đẳng cấp chơi bóng của anh là điều không cần kiểm chứng. Khi Quang Hải quyết định rời Hà Nội FC, có khá nhiều lời đề nghị từ Thái Lan được gửi đến. Các CLB xứ chùa vàng sẵn sàng trải thảm đỏ chào đón và dành cho Quang Hải một vị trí trong đội hình.
Thứ hai, chất lượng các trận đấu tại Thai League không nhỉnh hơn V-League, nhưng độ chuyên nghiệp thì vượt trội so với giải đấu hàng đầu Việt Nam. Quang Hải sẽ có môi trường tốt để lấy lại phong độ.
Quang Hải vẫn là cầu thủ đẳng cấp hàng đầu Đông Nam Á.
Lương Xuân Trường, cầu thủ từng thi đấu tại Thái Lan quãng thời gian ngắn chia sẻ: “Thai League là một giải đấu đang phát triển mạnh. Tôi nhìn thấy sự chuyên nghiệp trong tất cả các khâu tổ chức trận đấu. Về chuyên môn, tôi nghĩ không có sự chênh lệch quá nhiều với V-League. Chỉ có một chút khác biệt đó là các CLB Thái Lan sẵn sàng dùng nhiều cầu thủ nước ngoài hơn Việt Nam. Tối đa mỗi đội được đăng ký 7 ngoại binh trong một trận.
Theo cảm nghĩ cá nhân tôi, các CLB tại Thái Lan có mặt sân đẹp, chỉnh chu từ phòng thay đồ đến cơ sở vật chất khác tạo cho cầu thủ một cảm giác rất khác, muốn được thi đấu và cống hiến nhiều hơn”.
Ngoài hai yếu tố kể trên, Quang Hải còn có thể kỳ vọng Thai League trở thành “cầu nối” để anh tiến sang những môi trường bóng đá đẳng cấp cao hơn như những gì Đặng Văn Lâm đã trải qua. Thủ môn số một của đội tuyển Việt Nam từng thi đấu thành công tại Muangthong United, rồi chuyển sang Cerezo Osaka của J-League 1 (giải vô địch quốc gia Nhật Bản).
Theerathon là hình mẫu thành công để nhiều cầu thủ Đông Nam Á học hỏi.
Năm nay Quang Hải bước sang 27 tuổi. Anh vẫn còn thời gian để tiếp tục thử sức với các nền bóng đá nước ngoài. Nếu còn nghi ngờ, người hâm mộ có thể nhìn vào trường hợp Theerathon Bunmathan. Ngôi sao hàng đầu bóng đá Thái Lan tới Muanthong United khi đã 27 tuổi. Anh thi đấu 2 mùa rồi sang Vissel Kobe theo dạng cho mượn để làm quen với môi trường Nhật Bản. Sau đó, Theerathon gia nhập Yokohama Marinos với bản hợp đồng giá trị hơn 1 triệu USD và vô địch J.League 1 2019.
Chỉ cần tiếp tục kiên trì và nỗ lực, cơ hội để Quang Hải tỏa sáng trong hành trình xuất ngoại vẫn còn. Quang trọng không kém, bản thân cầu thủ này và người đại diện cần tìm được điểm đến thích hợp, có thể lập tức "kích hoạt" cảm hứng thi đấu đã ngủ quên tại Pau FC.