Quảng cáo trên MXH khiến giới trẻ tiêu nhiều tiền hơn: Có món hời nhưng "từng mua ốp điện thoại lại nhận về cục đá"

Như Anh |

"Từ khi có nhiều quảng cáo trên MXH, bản thân dễ bị sa đà vào mua sắm hơn. Bởi cứ ngồi lướt một lúc sẽ thấy hiện ra rất nhiều sản phẩm mới".

Vũ trụ quảng cáo đã xâm chiếm cuộc sống này khi mà đi đâu chúng ta đều dễ dàng bắt gặp các poster về nhãn hàng, lên MXH cũng không tránh được những bài viết review hay video về sản phẩm dịch vụ. Đặc biệt, thói quen mua sắm online nở rộ đã góp phần “kích hoạt” quảng cáo trên MXH ngày càng xuất hiện với tần suất nhiều hơn.

Cùng trò chuyện với 3 bạn trẻ để hiểu hơn việc quảng cáo trên MXH và mua sắm online đã tác động qua lại lẫn nhau như thế nào.

1. Nhã Uyên, 23 tuổi, nhân viên văn phòng, thu nhập khoảng 15 triệu đồng/ tháng

2. Thu Thuỷ, 25 tuổi, làm trong lĩnh vực Marketing, thu nhập 10 triệu đồng/ tháng

3. Chúc Anh, 27 tuổi, nhân viên tổ chức sự kiện, thu nhập 12 triệu đồng/ tháng

Nhờ quảng cáo, mình mua sắm online ngày càng nhiều hơn

“Chỉ riêng tiền mình mua sắm online đã khoảng 40-50 triệu mỗi năm. Bản thân mình thường không thích nhìn lại những gì đã tiêu sai nên không rõ 1 năm chi tiêu bao nhiêu cho những sản phẩm không cần thiết, chắc khoảng 5-7 triệu đồng”, Nhã Uyên chia sẻ.

Ở tuổi 23 sẵn sàng vung tay 50 triệu đồng cho “bộ môn” mua sắm online không còn là điều xa lạ. Một phần là bởi vì sự “ủng hộ” từ các trang MXH, văn hoá mua sắm “so kè” và đặc biệt là những người làm quảng cáo ngày càng hiểu được tâm lý và nhu cầu của khách hàng.

 Quảng cáo trên MXH khiến giới trẻ tiêu nhiều tiền hơn: Có món hời nhưng từng mua ốp điện thoại lại nhận về cục đá - Ảnh 1.

Thu Thuỷ chia sẻ rằng, 1 năm cô bạn mua đồ online tốn hết khoảng 20 triệu đồng. Trước đây quảng cáo trên các nền tảng MXH đã khá phổ biến, tuy nhiên, do việc hàng giao hàng bất tiện nên cô bạn vẫn hạn chế mua sắm online. Cho đến khi xuất hiện các trang thương mại điện tử (TMĐT), việc mua bán trở nên dễ dàng hơn, quảng cáo cũng khiến Thu Thuỷ cảm thấy cần 1 món đồ nào đó, mua sắm online đã trở thành thói quen mua sắm như 1 điều hiển nhiên.

Còn đối với Chúc Anh, lần đầu tiên mua sắm online do quảng cáo là khi các shop quần áo bắt đầu quảng bá nhiều trên MXH như Facebook, Instagram. “Nhưng thời điểm ‘bùng nổ’ có lẽ là từ khi xem Tóp Tóp đấy. Trước đó mình cũng đã hay mua rồi nhưng từ khi nền tảng này xuất hiện dạng review nhanh, mình thường tìm được những món đồ khá thú vị, chất lượng và giá thành cũng ổn nên ‘rất cuốn’, muốn mua mãi thôi. Hơn nữa, khi một sản phẩm được quay clip thì mình thấy vẫn khá yên tâm khi nhìn được toàn bộ sản phẩm”.

Từng đặt mua ốp điện thoại và nhận lại... 1 cục đá

Rất lâu từ trước, nhiều người đã mặc định quảng cáo là “ăn không nói có”, một định kiến khó có thể phá bỏ. Tuy nhiên, dần dần với sức mạnh của MXH, những thay đổi trong quảng cáo đã đánh trúng tâm lý người dùng, đem đến những sản phẩm hiệu quả. Mặt khác, người tiêu dùng mua phải sản phẩm thiếu uy tín vì xem quảng cáo vẫn còn tồn tại.

Chúc Anh cho rằng, ưu điểm lớn nhất khi quảng cáo xuất hiện trên các nền tảng MXH chính là hiểu rõ sản phẩm hơn, các video với góc quay rõ, đôi lúc sẽ được gợi ý những món đồ “siêu đỉnh”. Song bên cạnh đó cũng sẽ có tình trạng được “booking”, và thêm thắt, nói không đúng về sản phẩm. “Nói chung cũng hên xui bởi sản phẩm họ review đương nhiên sẽ lựa chọn những mẫu tốt nhất rồi, còn khi hàng được ship đến tay có chính xác như vậy không thì mình không dám chắc. Nhưng trộm vía, mình chưa gặp phải món đồ nào quá tệ khi mua theo quảng cáo cả”.

Cũng giống Chúc Anh, Nhã Uyên từng mua được những sản phẩm "cực phẩm" nhờ quảng cáo. Mặt khác, điều bất tiện chính là vì mua quá nhiều, cô bạn có 1 tủ những món đồ không dùng được vì không phải lúc nào cũng may mắn mua được đồ tốt.

Theo lời của Nhã Uyên, không chỉ bản thân thích xem hay bắt gặp quảng cáo trên MXH, mà chính bố mẹ của cô bạn 23 tuổi này cũng hay mua sắm vì quảng cáo. Thậm chí, nhị vị phụ huynh có thể được xem là “nghiện” MXH, chăm chỉ tiêu xài tiền với những lời đường mật rồi mua đồ.

“Mẹ mình từng mua phải kem trộn, mỹ phẩm giả do xem quảng cáo trên các nền tảng MXH. Sau đó, mình đã phải giải thích rất nhiều để mẹ hiểu rằng không phải cái quảng cáo nào cũng đúng. Và giải pháp là mình sẽ phụ trách mua mỹ phẩm, những món đồ cần sự chất lượng chứ không để bố mẹ lướt MXH rồi mua vô tội vạ nữa”.

 Quảng cáo trên MXH khiến giới trẻ tiêu nhiều tiền hơn: Có món hời nhưng từng mua ốp điện thoại lại nhận về cục đá - Ảnh 2.

Thu Thuỷ cũng từng gặp phải trường hợp mua vì quảng cáo ốp điện thoại 1k trên trang TMĐT, nhận lại được 1 cục đá. “Mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng không phải điều xa lạ gì khi mua sắm online. Vì trên sàn thương mại có quá nhiều cửa hàng, tỉ lệ lừa đảo cao hơn, không kiểm tra kỹ sản phẩm có thể mua phải hàng giả. Điều thứ hai mình không thích đó là, quảng cáo và hình thức online đã làm tăng số lần mình mua sắm. Mua quá nhiều vì chốt đơn rất dễ và đến cuối tháng cộng lại sẽ nhận ra đã chi tiêu quá nhiều”.

Hiện nay, câu chuyện quảng cáo từ các KOL là rất nhiều, và khó để có thể phân biệt thật giả trong từng lời nói hay những video, bài viết cảm nhận sản phẩm. Nhã Uyên cho rằng trong trường hợp này mình có thể kiểm soát bằng cách tìm hiểu thông tin sản phẩm cũng như KOL thật kỹ, và xem xét độ uy tín của từng quảng cáo.

Dễ dàng sa đà vào mua sắm hơn trước, điều "níu chân" khách hàng vẫn là chất lượng sản phẩm

Chúc Anh cho rằng từ khi có nhiều quảng cáo trên MXH, bản thân dễ bị sa đà vào mua sắm hơn. Bởi cứ ngồi lướt một lúc sẽ thấy hiện ra rất nhiều sản phẩm mới, các nhãn hàng cũng nghiên cứu những món đồ mình đang quan tâm nữa. Do đó, cứ thấy hợp là “chốt đơn” liên tục. Cô bạn tự nhận ra rằng, điều này khiến một người không có kế hoạch chi tiêu như mình sẽ càng khó kiểm soát hơn.

“MXH ảnh hưởng rất lớn đến tiêu dùng. Khi bạn thấy 1 sản phẩm được đánh giá tốt, nhiều người khen thì bạn cũng sẽ dễ dàng mua theo mặc dù có thể món hàng đó hiện tại không thực sự cần thiết”, Thu Thuỷ chia sẻ.

Cô bạn cho rằng việc này bản thân có thể cố gắng để kiểm soát hành vi của mình thay vì đổ lỗi cho quảng cáo. Mặt khác, các nhãn hàng cũng nên chú trọng hơn trong việc quảng cáo bởi vì nó có thể là “cú phản dame” nếu bị “bóc” ra sản phẩm không tốt.

 Quảng cáo trên MXH khiến giới trẻ tiêu nhiều tiền hơn: Có món hời nhưng từng mua ốp điện thoại lại nhận về cục đá - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, Nhã Uyên cũng cho rằng dù mình chi tiêu nhiều hơn vì quảng cáo nhưng sẽ không quay lại 1 lần nữa nếu sản phẩm hay dịch vụ không tốt. Chẳng hạn, “mình từng đặt một chuyến du lịch Đà Lạt chỉ đơn giản là nhìn thấy quảng cáo trôi nổi trên MXH 2,3 ngày”. Tuy nhiên, cô bạn chia sẻ cái giữ chân cuối cùng là chất lượng. Nếu nó không đúng như thông tin từ quảng cáo, cô bạn sẽ “cạch mặt” và có thể sinh ra cảm thấy chán ghét vì như đang bị lừa.

Ảnh minh hoạ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại