Táo Quân hay Gặp nhau cuối năm chào sân khán giả từ năm 2003. Với tính chất là chương trình hài kịch chính luận, kịch bản Táo Quân thường hội tụ những vấn đề nóng hổi, nhức nhối của một năm qua dưới diễn xuất dí dỏm, châm biếm của các diễn viên, nghệ sĩ hài. Chương trình được coi là "món ăn tinh thần" với nhiều thế hệ khán giả trong 20 năm qua.
Bảng giá Táo Quân "biến thiên" như thế nào?
Bên cạnh nội dung của chương trình, số tiền để một nhãn hàng xuất hiện trong quảng cáo của Táo Quân cũng được nhiều người quan tâm.
Ngày 9/1, Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình TVAd (thuộc VTV ) đã gửi bảng báo giá quảng cáo chính thức tới các đối tác. Bảng báo giá do Giám đốc Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình Đỗ Thị Lan Hương ký.
Theo đó, với 10 giây quảng cáo trong chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo Quân 2024 doanh nghiệp phải trả 322,750 triệu đồng. Thời lượng quảng cáo tăng đồng nghĩa giá quảng cáo cũng tăng.
Với thời lượng 15 giây, 20 giây và 30 giây lần lượt có mức giá 387,3 triệu đồng, 484,125 triệu đồng và 645,5 triệu đồng. Mức giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Có thể nói, đây là mức giá không hề thấp. Tuy nhiên, nếu so với giá quảng cáo của những năm trước, con số 645,5 triệu đồng cho 30 giây lên sóng là bình thường.
Dưới đây là mức giá cho 30 giây quảng cáo trong 5 năm gần nhất.
Nhìn vào mức giá qua từng năm, có thể thấy, 645,5 triệu đồng chưa phải con số lớn nhất. Các nhãn hàng muốn xuất hiện trong buổi phát sóng Táo Quân 2021 vào đêm 30 sẽ phải trả 650 triệu đồng cho block quảng cáo 30 giây. Mức giá này vẫn giữ nguyên trong năm 2022. Con số này từng gây tranh cãi vì rơi vào khoảng thời gian khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Năm 2020, không phát sóng Táo quân. Gặp nhau cuối năm - 2020 của VTV sụt giảm rating thảm hại và mất luôn thứ hạng vốn có. Tại Hà Nội, rating chỉ còn gần 15% và thậm chí ở TP Hồ Chí Minh, rating chưa đầy 2%.
Kéo theo đó, năm 2020, mức giá quảng cáo lần lượt là 200 triệu đồng (10 giây), 240 triệu đồng (15 giây), 300 triệu đồng (20 giây), 400 triệu đồng (30 giây), thấp hơn khá nhiều so với năm 2019, chi phí tối thiểu để nhãn hàng xuất hiện trong Táo Quân là 265 triệu đồng (10 giây) và cao nhất là 530 triệu đồng (30 giây).
1 phút xuất hiện trên Táo Quân đáng giá cả tỷ đồng, vì sao nhiều nhãn hàng vẫn chi tiền mạnh tay?
Chương trình Táo Quân năm nào cũng dành tối đa 20 phút cho quảng cáo, chia làm 4 lần, mỗi lần 5 phút. Năm 2021, 29 thương hiệu mua quảng cáo, đem về cho VTV khoảng 27 tỷ đồng. Đến năm 2022, 28 thương hiệu mua quảng cáo xuất hiện trên chương trình này với tổng thời lượng khoảng 11 phút 55 giây. Táo Quân năm 2023 đã thu về số tiền khoảng 28,6 tỷ đồng từ quảng cáo.
Trên thực tế, các nhãn hàng vẫn sẵn lòng chi số tiền khủng để xuất hiện trong "khung giờ vàng" của nhà đài VTV. Đối với những người làm trong lĩnh vực quảng cáo, cái giá để được "góp mặt" tại Táo Quân không rẻ là điều dễ hiểu.
Theo hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình Việt Nam, Táo Quân đứng đầu trong số các chương trình truyền hình trong khung giờ 19h00 - 24h00 nhiều năm liên tiếp, với rating tại Hà Nội đạt đỉnh 30% vào năm 2018.
Lý giải thêm cho việc chương trình "Táo Quân" có mức quảng cáo khủng, ông Trần Hoàng Minh - chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo marketing chia sẻ: "Táo Quân" có thời lượng xuyên suốt đêm 30 Tết trên tất cả các kênh sóng của nhà đài, đồng nghĩa với việc chiếm toàn bộ rating của VTV trong thời điểm quan trọng này.
Quảng cáo trên "Táo Quân" gần như là sự lựa chọn duy nhất cũng như ưu việt nhất đối với các nhãn hàng, nếu họ muốn xuất hiện ấn tượng trên truyền hình ngay trong thời điểm lúc giao thừa (mọi người sum họp, tề tựu bên nhau), thay vì những ngày đầu năm... ".
Điều này phần nào cho thấy, cả nhà sản xuất và các nhãn hàng đều đánh giá cao và đặt niềm tin vào thương hiệu của chương trình Táo Quân.
Tổng hợp