Trong vài năm trở lại đây, Myanmar nổi lên như một quốc gia Đông Nam Á rất chịu chi cho quốc phòng với hàng loạt hợp đồng quân sự mua sắm máy bay chiến đấu MiG-29, Yak-130, tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại và tương lai có thể là cả tàu ngầm.
Xu hướng mua sắm vũ khí, trang bị quân sự của Myanmar đang có sự chuyển dịch rõ ràng. Từ việc phụ thuộc chính vào Trung Quốc, quốc gia Đông Nam Á này đang đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Nga, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác.
Đây có thể coi là động thái mới của Naypyidaw nhằm tăng cường tiềm lực quốc gia, cũng như giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung chính từ Trung Quốc.
Tiêm kích MiG-29 của Không quân Myanmar.
Nga – đối tác quân sự mới quan trọng của Myanmar
Có một thực tế rằng, kể từ khi chính quyền quân sự được thiết lập từ những năm 1960, Myanmar bị bao vây bởi các lệnh cấm vận từ phương Tây. Chính điều này đã buộc Myanmar phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung vũ khí, trang bị quân sự từ Liên Xô và Trung Quốc.
Sự phụ thuộc vào Trung Quốc càng tăng cao kể từ khi Liên Xô tan rã đầu những năm 1990.
Sau gần hai thập kỷ tiếp theo phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí chính từ Trung Quốc, Myanmar đã bất ngờ đổi hướng chuyển sự chú ý tới các dòng vũ khí, trang bị quân sự hiện đại từ phía Nga.
Động thái này thể hiện rõ ràng qua hàng loạt hợp đồng vũ khí lớn đặt mua 12 máy bay chiến đấu Mig-29 (có thể là phiên bản MiG-29M2), 36 máy bay huấn luyện Yak-130, tổ hợp tên lửa phòng không Pechora nâng cấp. Mới đây nhất, Myanmar còn đặt mua thêm 6 máy bay chiến đấu Su-30 (phiên bản Su-30SME) và trong tương lai là 2 tàu ngầm lớp Kilo…
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc Myanmar lựa chọn vũ khí Nga. Điều rõ ràng nhất là phần lớn trang bị quân sự trong biên chế Quân đội Myanmar đều có nguồn gốc Liên Xô và Trung Quốc. Việc lựa chọn vũ khí Nga sẽ có sự tương đồng phương thức hoạt động giúp quá trình chuyển loại và làm chủ vũ khí diễn ra nhanh chóng.
Mặt khác, có vẻ như sau nhiều thập niên sử dụng, Myanmar đã nhận ra vấn đề rằng, vũ khí Trung Quốc không thể đáp ứng được các yêu cầu. Trong khi đó, nhiều trang bị vũ khí, khí tài quân sự trong biên chế Quân đội Myanmar sau nhiều thập niên sử dụng phần lớn đã quá cũ và cần được thay thế.
Cùng với đó, Nga từ trước tới nay đã truyền thống hầu như không gắn chính trị vào các hợp đồng quân sự; phương thức thanh toán linh hoạt, thậm chí là cho vay tài chính hỗ trợ bên mua. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng với quốc gia ẩn chứa nhiều nguy cơ bất ổn như Myanmar.
Và điều quan trọng hơn cả là việc phụ thuộc vào một nguồn cung vũ khí, đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia có đường biên giới giáp Myanmar, là điều rất nhạy cảm với an ninh quốc gia của quốc gia Đông Nam Á này. Việc đa dạng hóa nguồn cung là điều cần thiết đối với Myanmar.
Myanmar cần nhiều vũ khí hiện đại để làm gì?
Điều đương nhiên là Naypyidaw mua sắm hàng loạt trang bị quân sự mới là để tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước. Điều này hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh Myanmar vẫn đang phải đối mặt với các mối nguy cơ mất an ninh trong nước, thậm chí là bùng nổ nội chiến, dù hàng loạt thỏa thuận hòa bình giữa các phe phái đã được ký kết.
Tiêm kích Su-30SME.
Các khu vực Kachin, Shan, Karen vẫn chưa hoàn toàn yên ổn. Mới đây nhất, vấn đề người Hồi giáo Rohingya cũng đang là vấn đề nhức nhối với Naypyidaw.
Ngoài ra, có một vấn đề quan trọng khác mối quan hệ nhạy cảm với Trung Quốc. Chính bà Aung San Suu Kyi đã phải thừa nhận: "Quan hệ giữa Myanmar với các nước láng giềng luôn nhạy cảm hơn so với các quốc gia ở xa hơn. Chúng tôi sẽ dành sự chú ý đặc biệt để các mối quan hệ của mình được suôn sẻ, hiệu quả và minh bạch".
Dù có những lúc mặn nồng, nhưng quan hệ giữa Myanmar và Trung Quốc không phải không có những lúc sóng gió.
Năm 2015, hai bên đã xảy ra căng thẳng khi đạn pháo của Quân đội Myanmar rơi sang lãnh thổ Trung Quốc tại vùng biên giới tỉnh Kachin. Sự việc dù chưa leo thang tới mức xung đột, nhưng đã là tín hiệu buộc Myanmar buộc phải tìm đối tác quân sự mới bên cạnh Trung Quốc.
MiG-29M2 bay cùng tiêm kích tàng hình Su-57.
Thật dễ hình dung ra nền an ninh quốc gia của Myanmar sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng ra sao nếu nguồn cung vũ khí, trang bị quân sự chính từ Trung Quốc bị gián đoạn do xung đột giữa hai bên. Bài học "không để hết trứng vào một giỏ" luôn đúng với Myanmar.
Tất nhiên, việc Myanmar "xa lánh" khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc đang khiến Bắc Kinh không mấy hài lòng.
Tuy nhiên, đây là bước đi cần thiết khi hàng rào lệnh trừng phạt quốc tế đang được dỡ bỏ và Naypyidaw cần những đối tác quốc tế mới, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự để đảm bảo an ninh quốc gia, cũng như hội nhập quốc tế.
Chính vì vấn đề trên, việc mua vũ khí hiện đại từ Nga ngoài yếu tố quốc phòng, cũng còn mang ý nghĩa khác. Myanmar cũng muốn tranh thủ sự ủng hộ của Nga với vai trò là một siêu cường quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề trong nước.
Hiệu quả của chiến lược Myanmar đang áp dụng tới đâu hiện vẫn chưa rõ ràng, nhưng có thể thấy rõ Naypyidaw đang chủ động chuẩn bị trước cho các kịch bản có thể xảy ra và đã có hiệu quả nhất định.
Xe tăng Type-63 của Myanmar bắn đạn thật