Quan tài tự di chuyển và những bí mật đáng sợ ẩn giấu trong lăng mộ hoàng gia Thanh triều

Trần Quỳnh |

Quần thể lăng mộ hoàng gia nhà Thanh này nổi tiếng bởi những sự kiện huyền bí và không ít bí mật lịch sử đến nay vẫn chưa có lời giải.

Thanh Đông lăng là quần thể lăng mộ Hoàng gia lớn nhất trong hệ thống lăng tẩm Thanh triều. Khu lăng mộ này nằm tại núi Xương Thụy, thị trấn Mã Lan, ở vào phía Tây Bắc huyện Tuân Hóa, tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh 125km.

Đây là nơi an nghỉ của Thuận Trị, Khang Hy, Càn Long, Hàm Phong, Đồng Trị, an táng hai vị Thái hậu nổi tiếng là Từ An và Từ Hy cùng nhiều thành viên hoàng tộc khác.

Thanh Đông lăng tổng cộng mai táng 160 nhân vật trong hoàng thất nhà Thanh với đủ các phẩm cấp, từ Hoàng đế, Thái hậu cho tới các phi tần, vương gia, cách cách...

Sự nổi tiếng của quần thể lăng mộ này không chỉ dựa vào quy mô bề thế, mà còn bởi những câu chuyện thần bí xoay quanh nơi đây.

Vì sao năm xưa Thuận Trị đế cương quyết xây dựng lăng tẩm ở nơi này và cho rằng vị trí của Thanh Đông lăng có liên hệ tới sự thịnh, suy của cả vương triều Đại Thanh? 

Hương Phi rốt cục là ai? Lăng mộ của nàng được đặt tại nơi này? Đâu là nguyên nhân khiến quan tài bằng đá của Càn Long Hoàng đế tự động di chuyển tới cánh cửa bằng đá bên trong mật đạo?

Những bí mật chưa có lời giải này đã biến Thanh Đông lăng trở thành một trong những địa danh huyền bí nhất trong lịch sử Trung Quốc.

1. Bí ẩn thứ nhất: Huyền cơ về phong thủy

Địa thế của Thanh Đông lăng được xếp vào vị trí tuyệt hảo, ví như mảnh đất "phong thủy bảo địa" trăm năm hiếm gặp.

Tương truyền rằng, nơi đây vốn là mảnh đất từng được hoàng gia Minh triều nhắm tới. Nhưng sau này, vị trí của Thanh Đông lăng bị quân Thanh chiếm mất, đưa tới kết cục nhà Minh diệt vong.

Cho tới ngày nay, rất nhiều hậu duệ Mãn tộc cho rằng, vị trí của Thanh Đông lăng ở vào nơi khởi đầu của long mạch, hội tụ cả Thủy Long, Sơn Long, là một nơi "kim tỏa ngọc quan".

Nếu quả đúng là vậy, thì tại sao ngay cả khi có được mảnh đất này, Thanh triều vẫn tránh không khỏi kết cục suy vong?

Quan tài tự di chuyển và những bí mật đáng sợ ẩn giấu trong lăng mộ hoàng gia Thanh triều - Ảnh 1.

Con đường chính dẫn vào quần thể Thanh Đông lăng. (Ảnh: Nguồn Internet).

Bí ẩn thứ hai: Lăng mộ không suy chuyển bởi động đất

Trận động đất mang tên "Đường sơn đại địa chấn" xảy ra năm 1976 cho tới nay vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân Trung Quốc vì hậu quả kinh hoàng của nó.

Trong thảm họa ấy, hơn 1,6 triệu ngôi nhà đã bị san thành bình địa chỉ trong chốc lát.

Tất cả các công trình kiến trúc trong phạm vi ảnh hưởng của trận động đất này đều tan hoang. Chỉ riêng Thanh Đông lăng vốn nằm ở nơi chịu ảnh hưởng nặng nề thì chẳng hề sứt mẻ dù chỉ một viên gạch.

Nguyên nhân của câu chuyện kỳ lạ này cho tới nay vẫn là bí ẩn đang chờ các nhà khoa học giải đáp.

Quan tài tự di chuyển và những bí mật đáng sợ ẩn giấu trong lăng mộ hoàng gia Thanh triều - Ảnh 2.

Quần thể lăng mộ này chẳng suy chuyển lấy một viên gạch dù nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của động đất. (Ảnh: Nguồn Internet).

Bí ẩn thứ ba: Vì sao Chiêu Tây lăng xây dựng ở ngoài khuôn viên Thanh Đông lăng?

Chiêu Tây lăng là nơi an nghỉ của Hiếu Trang Hoàng Thái hậu – chính cung của Hoàng đế Khai quốc Thanh triều là Hoàng Thái Cực.

Theo luật lệ Thanh triều, Hiếu Trang vốn nên được an nghỉ ở phía đông bắc để sum vầy cùng Hoàng đế nơi chín suối, hoặc ít ra cũng nên xây cất lăng mộ ở vị trí trọng yếu của khuôn viên Thanh Đông lăng.

Nhưng sự thực là Chiêu Tây lăng lại được xây dựng ở bên ngoài khuôn viên khu lăng tẩm này.

Ẩn tỉnh trong chuyện đó là gì? Phải chăng việc chọn vị trí cho ngôi mộ của Hiếu Trang Hoàng Thái Hậu có liên quan tới mối quan hệ bí ẩn giữa bà và Nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn?

Quan tài tự di chuyển và những bí mật đáng sợ ẩn giấu trong lăng mộ hoàng gia Thanh triều - Ảnh 3.

Chân dung Hiếu Trang Hoàng Thái hậu - chủ nhân của Chiêu Tây lăng. (Tranh: Nguồn Baike).

Bí ẩn thứ tư: Cầu Ngũ Âm từ lúc nào trở thành cây cầu "một bước lên mây"?

Cầu Ngũ Âm là công trình phong thủy nổi tiếng, là kiến trúc chủ đạo trong bố cục phong thủy của Thanh Đông lăng.

Những năm gần đây, cây cầu này được nhiều du khách truyền tai nhau dưới cái tên "Bình Bộ Thanh Vân cầu", nghĩa là cây cầu "một bước lên mây".

Có nhiều giai thoại kể lại rằng, người đi qua cây cầu ấy rất nhanh sẽ thăng quan tiến chức. Cái tên "một bước lên mây" cũng từ đó mà ra.

Quan tài tự di chuyển và những bí mật đáng sợ ẩn giấu trong lăng mộ hoàng gia Thanh triều - Ảnh 4.

Âm nhạc Trung Hoa là dựa trên hệ thống âm nhạc cổ truyền dân tộc bao gồm 5 loại âm điệu, 5 nốt nhạc chính gọi là ngũ âm, bao gồm: Cung, Thương, Giốc, Chuỷ, và Vũ. Tên của cầu Ngũ âm cũng có nguồn gốc từ 5 loại âm điệu này.

Bí ẩn thứ năm: Quan tài tự di chuyển của vua Càn Long

Vào năm 1928, Tôn Điện Anh đã đem người tới lăng mộ Càn Long để trộm bảo vật. Nhưng đội  mộ tặc này lại vướng phải một mật đạo có cửa đá phá mãi không được.

Sau khi dùng tới thuốc nổ, cánh cửa đá trên mới bị phá, để lộ ra phòng đặt quan quách của vua Càn Long. Nhưng điều khiến bọn trộm mộ không khỏi kinh hoàng lại là: Quan tài của nhà vua chẳng biết từ lúc nào đã tự động di chuyển tới phía sau cửa đá để chặn kẻ xâm phạm.

Vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi địa cung lăng mộ một lần nữa mở ra, cỗ quan tài này lại dịch chuyển và chặn giữa cửa. Sự việc này đã gây chấn động dư luận Trung Quốc trong suốt một thời gian dài.

Quan tài tự di chuyển và những bí mật đáng sợ ẩn giấu trong lăng mộ hoàng gia Thanh triều - Ảnh 5.

Lăng mộ tự do chuyển của Hoàng đế Càn Long từng là đề tài tốn nhiều giấy mực của báo chí Trung Quốc.

Bí ẩn thứ sáu: Lời nguyền trong lăng mộ Càn Long

Những bức tường bên trong lăng mộ vua càn long được khắc rất nhiều ký tự, trong đó phần lớn đều là những ký tự cổ chưa được giải mã.

Đến nay, các chuyên gia khảo cổ vẫn chưa thể giải thích chính xác được hàm nghĩa được những câu chữ trong lăng mộ nhà vua đề cập tới.

Tuy nhiên, khác với nhiều lời đồn đoán, các chuyên gia khẳng định những câu chữ này đều mang ngụ ý cầu chúc cát tường chứ không phải lời nguyền rủa như mọi người vẫn nghĩ.

Quan tài tự di chuyển và những bí mật đáng sợ ẩn giấu trong lăng mộ hoàng gia Thanh triều - Ảnh 6.

Những ký tự cổ được khắc trong lăng mộ Càn Long bị nhiều người đồn đoán là lời nguyền rủa đối với những kẻ xâm phạm. (Ảnh: Nguồn Internet).

Bí ẩn thứ bảy: Thi thể không phân hủy của Từ Hy Thái hậu

Tương truyền rằng, năm xưa mộ tặc Tôn Điện Anh khi trộm lăng mộ Từ Hy đã không khỏi kinh hoảng vì phát hiện thi thể của Thái hậu vẫn nguyên vẹn như lúc còn sống.

Không ngờ rằng, sau khi viên ngọc dạ minh châu đặt trong miệng Từ Hy bị lấy ra, thi thể Thái hậu đã bị phân hủy chỉ trong nháy mắt.

Cho tới ngày nay, đây vẫn là bí ẩn chưa được hậu thế giải đáp.

Quan tài tự di chuyển và những bí mật đáng sợ ẩn giấu trong lăng mộ hoàng gia Thanh triều - Ảnh 7.

Ngay cả khi đã qua đời, Từ Hy Thái hậu vẫn để lại nhiều bí ẩn cho hậu thế. (Ảnh minh họa).

Bí ẩn thứ tám: Hương phi được chôn ở nơi nào?

Trong những giai thoại lưu truyền lại, Hương Phi được miêu tả là vị phi tần xinh đẹp và tỏa ra mùi hương thơm ngát khiến Càn Long mê đắm.

Trong suốt một thời gian dài, hậu thế đều tin rằng Hương Phi là mỹ nữ đến từ Tân Cương và được an táng tại quê nhà sau khi qua đời.

Nhưng những bằng chứng khảo cổ mới đây đã phát hiện, vị phi tần này được chôn cất trong khuôn viên của Thanh Đông lăng.

Vậy đâu mới là ngôi mộ thực sự của mỹ nữ trong hậu cung Càn Long này? Phải chăng, Hoàng đế sủng ái Hương Phi đến mức muốn an táng nàng trong khuôn viên lăng tẩm để được gặp lại mỹ nữ nơi suối vàng?

Quan tài tự di chuyển và những bí mật đáng sợ ẩn giấu trong lăng mộ hoàng gia Thanh triều - Ảnh 8.

Tranh chân dung Hương Phi - mỹ nữ ngoại tộc được Càn Long Hoàng đế mê đắm và sủng ái.

Bí ẩn thứ chín: Bảy mươi hai trận mưa mỗi năm

Tương truyền rằng, Thanh Đông lăng nằm ở nơi khởi đầu của long mạch. Rồng là thần thú hô phong hoán vũ.

Vì vậy, quần thể lăng tẩm hằng năm đều nhận được đúng 72 trận mưa để gột rửa "tà khí", "trọc khí", giúp nơi đây luôn thanh sạch.

Quan tài tự di chuyển và những bí mật đáng sợ ẩn giấu trong lăng mộ hoàng gia Thanh triều - Ảnh 9.

Vì nằm trên "long mạch", Thanh Đông Lăng luôn nhận được 72 trận mưa mỗi năm, không hơn cũng không kém. (Ảnh: Nguồn Internet).

Bí ẩn thứ mười: Thanh Đông lăng có chôn kho báu?

Là khu quần thể lăng mộ của hoàng thất, Thanh Đông lăng không ít lần trở thành mục tiêu của mộ tặc. Đây cũng là lý do khiến nhiều người tin rằng, dưới lòng đất của quần thể lăng mộ hoàng gia ấy chắc chắn có kho báu.

Thế nhưng, kho báu nằm ở nơi nào, chứa bảo vật gì thì vẫn là điều chưa ai dám khẳng định. Chỉ biết rằng, dân chúng quanh vùng này thi thoảng vẫn đào được cổ vật ở sân vườn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại