Đầu những năm 1980, quân đội Mỹ triển khai chương trình phát triển hệ thống vũ khí cho lính dù (AGS) với 3 ứng cử viên sáng giá gồm: Stingray, M8 Buford và Expeditionary Tank.
Ba mẫu xe tăng hạng nhẹ này ra đời trong khoảng thời gian những năm 1980 và cùng có chung số phận bị quân đội Mỹ “hắt hủi” không sử dụng.
Xe tăng hạng nhẹ Stingray
Trong 3 ứng viên trên, xe tăng Stingray ra đời năm 1985, sản phẩm của Textron Marine & Land Systems (trước kia là Cadillac Gage) may mắn hơn cả.
Loại xe tăng hạng nhẹ này đã tìm được chỗ đứng trong Quân đội Hoàng gia Thái Lan khi họ đồng ý tiếp nhận 106 chiếc vào năm 1988.
Xe tăng Stingray được bọc giáp khá mỏng, chỗ dày nhất là 23 mm ở mặt trước chỉ chịu được đạn 14,5 mm bắn thẳng. Tuy nhiên, người ta hoàn toàn có thể lắp thêm các tấm giáp phụ bảo vệ.
Mặc dù giáp yếu nhưng hỏa lực của Stingray lại khá mạnh với pháo nòng xoắn 105 mm L7A3 với cơ số 32 viên đạn, bắn được tất cả các loại đạn tiêu chuẩn của NATO, có khả năng tiêu diệt nhiều xe tăng chiến đấu chủ lực.
Vũ khí phụ của Stingray gồm 1 súng máy đồng trục 7,62 mm, 1 súng máy phòng không 12,7 mm bố trí trên nóc tháp pháo và 8 ống phóng đạn khói ngụy trang.
Xe tăng Stingray trong biên chế Lục quân Hoàng gia Thái Lan
Trái tim của loại xe tăng hạng nhẹ này là động cơ diesel Detroit 8V-92TA với hộp số 2 cấp, làm mát bằng chất lỏng, công suất 535 mã lực (399 kW), cho tốc độ tối đa 70 km/h trên đường nhựa, tầm hoạt động 480 km.
Động cơ, hộp số, hệ thống treo và xích của xe tăng Stingray đều là bộ phận tiêu chuẩn, sử dụng với mục đích giảm chi phí.
Thông số kỹ thuật cơ bản: trọng lượng chiến đấu 22,6 tấn; dài 9,3 m với pháo quay về phía trước; rộng 3,0 m; cao 2,7 m; kíp lái 4 người gồm: trưởng xe, pháo thủ, nạp đạn và lái xe.
Stingray của Lục quân Hoàng gia Thái Lan được đánh giá là loại xe tăng hạng nhẹ có hỏa lực mạnh nhất Đông Nam Á, vượt trội hoàn toàn PT-76 (trang bị pháo 76 mm), Type-62/ Type-63 (trang bị pháo 85 mm) hay AMX-10PAC 90 (trang bị pháo 90 mm).
Xe tăng hạng nhẹ Stingray trình diễn tính năng