"VT-14 vượt trội, đáng tin cậy hơn Armata"
Tuần trước, tờ China Daily đưa tin, tập đoàn NORINCO (Trung Quốc) đang ráo riết quảng bá sản phẩm của mình trên WeChat, một ứng dụng mạng xã hội với hơn 500 triệu người dùng.
Trong bài viết quảng bá xe tăng VT-4, NORINCO tuyên bố VT-4 có hệ thống tự động hóa, hệ thống kiểm soát hỏa lực và khả năng cơ động vượt trội so với xe tăng thế hệ mới T-14 Armata của Nga.
Không những thế, bài viết còn khẳng định công nghệ của VT-4 nhìn chung đáng tin cậy hơn so với T-14.
Bài đăng của NORINCO trên WeChat có đoạn viết:
"Hệ thống truyền động của T-14 không được phát triển tốt, chúng ta có thể thấy qua sự cố diễn ra trong buổi tập dượt trước lễ duyệt binh 9/5.
"Trong khi đó, tính tới nay, VT-14 chưa từng gặp phải các vấn đề như vậy. Xe tăng của chúng tôi trang bị hệ thống hỏa lực tầm cỡ thế giới - thứ mà Nga vẫn đang cố gắng bắt kịp".
Thêm vào đó, bài viết còn nhấn mạnh rằng VT-14 là sự lựa chọn hợp lý hơn về mặt kinh tế.
"Một điều quan trọng khác là giá cả - T-14 được cho là có giá cao ngang với xe tăng M1A2 Abrams của Mỹ...
Vậy tại sao khách hàng lại không cân nhắc những mẫu xe tăng Trung Quốc với công nghệ và thiết bị tiên tiến, cũng như giá cả thấp hơn nhiều?" - Bài viết đặt vấn đề.
Mức giá thấp của dòng xe VT được đưa ra nhằm nhắm tới nhu cầu của quân đội các nước đang phát triển.
NORINCO còn nhấn mạnh rằng so với Nga, công ty này có thể cung cấp nhiều sản phẩm hơn.
"Hiện tại, Nga chỉ có một mẫu xe tăng duy nhất có thể xuất khẩu, đó là T-90S. Ngược lại, chúng tôi có các mẫu VT-2, VT-1, cũng như VT-4, đáp ứng nhu cầu của hầu hết tất cả khách hàng trên thị trường quốc tế" - NORINCO quảng bá.
2 điểm thu hút của VT-2 là nó sử dụng công nghệ đã được chứng minh và có giá thành rẻ.
Trong khi đó, theo Feng Yibai, thiết kế trưởng của chương trình VT-4, mẫu xe tăng này trang bị công nghệ tác chiến mới nhất trên thế giới và có thể so sánh với bất cứ mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ 3 nào, như M1A2 Abrams (Mỹ) và Leopard 2A6 (Đức).
NORINCO tuyên bố xe tăng VT-4 vượt trội xe tăng T-14 Armata của Nga ở nhiều khía cạnh.
Pháo nòng trơn 125mm, vũ khí chính của VT-4, có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau, gồm cả đạn xuyên giáp động năng và các đầu đạn chống tăng liều nổ mạnh. Nó còn có thể bắn tên lửa chống tăng với tầm xa tối đa lên tới 5.000m.
VT-4 còn có hệ thống kiểm soát hỏa lực tiên tiến, hệ thống phòng thủ chủ động loại mới và hệ thống truyền động hiện đại, hoàn toàn tự động.
Ngoài ra, còn có hệ thống mạng kết nối các chỉ huy xe tăng và xe bọc thép trong một nhóm tác chiến, cho phép họ chia sẻ dữ liệu chiến đấu trong thời gian thực.
Chiêu trò tiếp thị
Theo tạp chí Diplomat (Nhật Bản), bất cứ sự so sánh mang tính suy đoán nào về các xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga và Trung Quốc đều là quá vội vàng và phi lý.
Nó chỉ là một chiêu trò tiếp thị để thu hút sự chú ý trong giai đoạn này, bởi cả 2 chương trình xe tăng của Trung Quốc và Nga đều chưa bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt. Những suy đoán hiện tại đều dựa trên các nguyên mẫu và một lượng nhỏ thông tin sẵn có.
Nếu không kiểm tra, khó có thể xác định được VT-4 liệu có hệ thống kiểm soát hỏa lực, hệ thống tự động và khả năng cơ động vượt trội Armata hay không.
Những hình ảnh được công bố cho thấy, T-14 có vẻ là một sự đột phá so với những thiết kế xe tăng truyền thống của Nga. Trong khi đó, VT-4 trông giống như một phiên bản cải tiến của xe tăng T-90.
Trước đó, hôm 24/5, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin khẳng định:
Các quốc gia nước ngoài sẽ rất khó khăn để bắt kịp xe tăng Armata thế hệ mới và ngành công nghiệp chế tạo xe tăng của Nga, khi chúng đang đi trước khoảng 20 năm so với những gì tương tự họ đã đạt được.
Còn ông Oleg Sienko, Giám đốc Uralvagonzavod (hãng sản xuất xe bọc thép chủ lực của Nga) khẳng định rằng, cho tới thời điểm hiện tại, Armata đang là mẫu xe tăng tiên tiến nhất trên thế giới.
Không những thế, mẫu xe tăng mới của Nga lại có chi phí sản xuất tương đối rẻ hơn so với các mẫu xe bọc thép của những nước khác.
Ông Sienko cho rằng, điều này sẽ khiến nhiều khách hàng vũ khí nước ngoài “thèm muốn" xe tăng Armata.
Xưa nay, Trung Quốc phải phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ từ Nga để phát triển lực lượng xe tăng nội địa.
Theo Ủy ban đăng ký vũ khí thông thường của Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 461 xe tăng từ năm 1992-2013, trong khi đó, Nga đã xuất khẩu được 1.297 xe tăng trong giai đoạn này.
Mỹ vẫn là nhà xuất khẩu xe tăng hàng đầu thế giới, với số lượng bán ra đạt 5.511 chiếc, theo sau là Đức với 2.680 xe chiến đấu bọc thép được xuất khẩu.