Xe tăng “mạnh ngang T-90” của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xuất hiện tại châu Á?

Hải Vy |

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã có một số quốc gia quan tâm đến mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực do nước này tự chế tạo.

Theo tạp chí Diplomat (Nhật Bản), một khách hàng tiềm năng trong số này được cho là Pakistan.

Cuối tháng 1 vừa qua, Diplomat dẫn nguồn tin từ truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết:

Trong buổi điều trần trước Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đầu tháng 1, Thứ trưởng Quốc phòng Ismail Demir- người đứng đầu cơ quan mua sắm nước này thông báo rằng, Pakistan đang tỏ ý muốn mua mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) thế hệ 3 Altay do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Đây là mẫu xe tăng nội địa đầu tiên do Istanbul thiết kế.

“Bao gồm cả Pakistan và các quốc gia vùng Vịnh, chúng ta có thể nói rằng, các quốc gia mà chúng ta có quan hệ tốt đang thể hiện sự quan tâm lớn đến mẫu xe tăng này. Đại diện một số nước đã được mời đến dự cuộc thử nghiệm bắn” – Ông Demir nói.


Xe tăng Altay

Xe tăng Altay

Xe tăng MBT Altay được đặt theo tên Tướng Fahrettin Altay, người chỉ huy Binh đoàn Kỵ binh trong cuộc Chiến tranh giành độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 2008, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã trao hợp đồng trị giá 500 triệu USD cho hãng sản xuất xe quân sự nội địa Otokar để thiết kế, phát triển và sản xuất 4 nguyên mẫu MBT.

Otokar sau đó đã tham gia vào thỏa thuận phát triển một hệ thống với hãng sản xuất xe tăng Hyundai Rotem của Hàn Quốc. Dự án xe tăng K2 Black Panther của Hyundai sau này đã trở thành nền tảng để Thổ Nhĩ Kỳ phát triển xe tăng Altay.


Xe tăng Altay thử nghiệm

Xe tăng Altay thử nghiệm

Cả 2 mẫu xe tăng đều có cùng thiết kế cơ sở, trong đó có khung gầm, mặc dù Altay được cho là dài hơn một chút, trang bị giáp hạng nặng và so với K2, nó còn được trang bị một tháp pháo cải tiến với giáp composite.

K2 và Altay đều trang bị pháo nòng trơn 120mm, mặc dù K-2 lắp hệ thống nạp đạn tự động, còn các kỹ sư Thổ Nhĩ Kỳ vẫn để một thành viên kíp xe làm nhiệm vụ nạp đạn bằng tay.

Ngoài ra, Altay có thể bắn tên lửa dẫn đường bằng laser và được trang bị thêm súng máy đồng trục 7,62mm và súng máy 12,7mm.

Xe tăng Altay có kíp xe 4 người, động cơ 1.500 mã lực do Đức sản xuất cho phép nó đạt tốc độ tối đa tới 70 km/h.


Xe tăng K2 Hàn Quốc

Xe tăng K2 Hàn Quốc

Tháng 10/2015, hãng sản xuất động cơ TUMOSAN (Thổ Nhĩ Kỳ) đã ký thỏa thuận với công ty AVL List (Úc) để được hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình thiết kế động cơ nội địa cho các lô xe Altay tương lai.

5 nguyên mẫu Altay đang trải qua các thử nghiệm đánh giá. Ông Ismail Demir cho biết, các cuộc thử nghiệm mang lại kết quả “vô cùng hài lòng”.

Theo Defense News, gần đây, Otokar đã đệ trình đề nghị sản xuất hàng loạt lô xe tăng Altay đầu tiên gồm 250 chiếc và “hỗ trợ hậu cần tích hợp cho chương trình”.

Quá trình sản xuất hàng loạt dự kiến bắt đầu trong năm 2017. Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch sản xuất tới 1.000 xe tăng. Hai hãng sản xuất khác của nước này sẽ cạnh tranh để giành hợp đồng.

Trong đợt căng thẳng giữa Nga - Thổ xung quanh vụ Su-24 bị bắn hạ năm ngoái, đã có nhiều giả định về nguy cơ đối đầu giữa 2 nước được đưa ra.

Trong đó, có ý kiến cho rằng nếu Nga điều động tới T-90 thì ứng cử viên duy nhất đủ khả năng ứng phó của Thổ Nhĩ Kỳ chính là Altay, bởi Altay “mạnh ngang” T-90.

Các nhà thiết kế Thổ Nhĩ Kỳ gọi Altay là “xe tăng tương lai”.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia quân sự Nga, mặc dù Altay là xe tăng thế hệ mới nhưng vẫn thua kém xe tăng cải tiến T-90A.

Họ cho rằng người Thổ không có kinh nghiệm chế tạo xe chiến đấu, phải “cầu cứu” Hàn Quốc và liên tiếp gặp khó khăn trong quá trình hoàn thiện.

Theo Diplomat, cho tới nay, Pakistan vẫn chưa chính thức bày tỏ ý định mua xe tăng Altay mặc dù trong tháng 1/2015, các đại diện của Bộ QP Pakistan cho biết họ đang cân nhắc khả năng mua hệ thống quan sát ảnh nhiệt của Altay để trang bị cho xe tăng Al-Khalid.

Al-Khalid là mẫu MBT do Pakistan hợp tác với Trung Quốc sản xuất trong những năm 1990. Islamabad hiện đang trong quá trình mở rộng lực lượng xe tăng chiến đấu chủ lực của nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại