Mi-24 “Hind” (“Hind” là tên gọi từ phía NATO để phân biệt các dòng trực thăng từ phía Xô Viết”) là một loại trực thăng tấn công cỡ lớn, kiêm luôn cả nhiệm vụ chở quân với khả năng chở được đến 8 binh sĩ trên máy bay. Mi-24 được Tập đoàn quân sự Mil Moscow nghiên cứu và phát triển từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX. Chiếc Mi-24 đầu tiên được trang bị cho Không quân Xô Viết vào năm 1972.
Với những khả năng hoàn hảo, tính năng tác chiến mạnh mẽ, Mi-24 đã được sử dụng tại hơn 30 quốc gia trên thế giới, tham gia hàng trăm cuộc chiến lớn nhỏ. Trong đó Mi-24A đã là cánh tay đắc lực của Không quân Nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến Pol Pot tại Cambodia.
Bên phía NATO cũng có một số quốc gia sử dụng Mi-24 với các phiên bản xuất khẩu của Mi-24 là Mi-25 và Mi-35. Các phiên bản xuất khẩu này được ký hiệu bởi tiếp đầu ngữ “Hind D” và “Hind E” để phân biệt tính năng kỹ chiến thuật của 2 dòng xuất khẩu này.
Mi-24 thường được các phi công Xô Viết gọi với cái tên “летающий танк” nghĩa là “Xe tăng bay”, nhờ khả năng tấn công mặt đất, chống bộ binh và xe tăng kinh hoàng của mình. Mi-24 còn có một biến thể khác với biệt danh “Крокодил” nghĩa là “Cá sấu”, với hình dạng của lớp kính cường lực bao bọc buồng lái khác, mang đến cảm giác như hình dạng của một con cá sấu. Phiên bản này ít được sử dụng rộng rãi ở Nga, chỉ được xuất khẩu sang các nước đồng mình hoặc NATO.
Ra đời và phát triển
Suốt thập niên 1960, dự án Mi-24 là một trong những dự án được Mikhail Leontyevich Mil dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu và phát triển nhất. Mi-24 được phát triển dựa trên xu hướng tăng cường khả năng hỗ trợ bằng các máy bay trực thăng từ trên không trong chiến trường.
Với mục đích hỗ trợ các cuộc càn quét, các cuộc tấn công quy mô trên diện rộng, Mi-24 được kì vọng sẽ trở thành một trong những sát thủ trên không của Không quân Liên Bang Xô Viết. Mi-24 có thể làm nhiệm vụ vận tải chở quân và cả nhiệm vụ tấn công mặt đất, đây là một trong những tính năng ưu việt nhất của Mi-24, khiến nó trở nên độc đáo và không có một đối thủ nào có thể sánh bằng.
Phiên bản đầu tiên của Mi-24 được chế tạo và thử nghiệm vào năm 1966 tại nhà máy Sản xuất chiến đấu cơ 329, nơi mà Tổng công trình sư Mikhail L. Mil làm việc. Bản thử nghiệm đầu tiên được đặt tên V-24, tuy nhiên, V-24 không bao giờ được cất cánh do một số tranh cãi về thiết kế của bảng điều khiển và sự an toàn của máy bay.
V-24 được thiết kế với 1 khoang vận tải có thể chở được 8 binh sĩ ở phần đuôi. Nó có 2 cánh phụ ở cabin vận tải, với các giá lắp vũ khí bao gồm: 6 tên lửa chống tăng, và một khẩu GSh-23L (GSh viết tắt của “Gunship”, là ký hiệu của các súng được trang bị trên các máy bay tấn công của Liên bang Xô Viết) ở mũi trực thăng. Đây là loại súng tấn công mặt đất có nòng đôi.
Với bản thiết kế này, Mikhail L. Mil đã đề xuất lên Bộ quốc phòng Xô Viết xem xét tài trợ cho dự án máy bay tấn công mặt đất Mi-24, tuy nhiên những tranh cãi về độ an toàn, cũng như sự hợp lý trên bảng điều khiển khiến Mi-24 không được Bộ quốc phòng ký duyệt ngay lập tức. Tuy nhiên, với tầm ảnh hưởng của mình, Mikhail L. Mil đã gây áp lực lên Bộ trưởng bộ Quốc Phòng là Nguyên soái Andrey Antonovich Grechko để triệu tập một cuộc họp nhằm đánh giá đúng về khả năng của chiếc Mi-24.
Tại buổi họp, Mikhail L. Mil đã đề xuất đến 8 phương án hỗ trợ cho Mi-24 với những tính năng tăng cường khả năng tấn công mặt đất, tăng cường tính năng kỹ chiến thuật cho Mi-24, nhưng ông kiên quyết bác bỏ đề xuất trang bị thêm một số cảm biến cho chiếc trực thăng. Theo Mil, Mi-24 đã đảm đương quá nhiều nhiệm vụ, số lượng cảm biến đó là không cần thiết và có thể ảnh hưởng đến tốc độ bay cũng như khả năng mang vũ khí của Mi-24.
Trong thời gian này, đã có nhiều máy bay tấn công ra đời, phải kể đến C-130 Hercules được trang bị vũ khí với pháo 155m, súng máy 50mm và các trực thăng tấn công mặt đất đã hỗ trợ khá nhiều Quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Không thể đứng nhìn người anh em đồng minh Đông Nam Á liên tục bị lấn lướt trong các cuộc tấn công, cũng như các cuộc càn quét quy mô lớn của người Mỹ, phía Xô Viết đã chi khá nhiều tiền cho dự án Mi-24 để lấy lại cân bằng so với người Mỹ và trợ giúp các đồng minh.
Mi-24 sử dụng được cả 2 loại động cơ: 1 động cơ và 2 động cơ kép. Tuy nhiên, cuối cùng, Mil đã quyết định sử dụng động cơ kép nhằm tăng cường tốc độ bay và khả năng mang vũ khí của Mi-24. Mi-24 sử dụng động cơ lên đến 1.700 mã lực Izotov TV3-117A. Cùng thời điểm này, Cục thiết kế chiến đấu cơ Kamov của Xô Viết cũng đưa ra 1 phương án dự phòng khác là KA-25 “Hormone” với giá thành rẻ hơn. Về sau, Mi-24 được trang bị những vũ khí mới nhất và mạnh nhất của Xô Viết, đặc biệt trong đó là tên lửa chống tăng 9K114 “Shturn” (được NATO định danh là AT-6 Spiral).
Khung sườn của Mi-24 được lấy từ trực thăng quân sự đa nhiệm Mi-8 “Hip” với loại 5 cánh quạt, mỗi cánh dài 17.4 m xoay quanh 1 rotor đường kính 1.5m. Trong một số phiên bản, Mi-24 còn sử dụng khung sườn của trực thăng săn ngầm Mi-14 “Haze” với sải cánh ngắn hơn, chỉ 16.5m.
Mi-24 là trực thăng kết hợp từ trực thăng vận tải và trực thăng tấn công mặt đất. Về phía NATO, không hề có 1 loại trực thăng tương tự nào có khả năng làm được 2 việc cùng một lúc là vận tải và tấn công mặt đất. Đơn cử về phía NATO có UH-1 “Huey” cùng thời với Mi-24, tuy nhiên, UH-1 chỉ có thể đảm trách 1 nhiệm vụ là vận tải hoặc hỗ trợ bộ binh.
UH-1 được sử dụng khá nhiều trong chiến tranh Việt Nam suốt thời kì từ 1963 đến 1972. Nếu UH-1 được chuyển đổi sang mục đích sử dụng cho tấn công mặt đất thì khoang vận tải sẽ được thay thế bằng khoang tiếp liệu và khoang chứa khí tài, không có khoang vận tải, đồng thời lớp giáp của nó cũng mỏng hơn so với Mi-24.
Ngược lại so với người hàng xóm, Mi-24 lại có thể làm cả 2 công việc này cùng 1 lúc. Nhờ những tính năng ưu việt này, nó đã được sử dụng trong suốt cuộc chiến Afghanistan của Liên bang Xô Viết từ 1980-1989. Về sau, phía NATO cho ra đời 1 phiên bản có thể coi là người đồng cấp với Mi-24 là Sikorsky S-67 BlackHawk với những tính năng kỹ chiến thuật tương tự Mi-24, được thiết kế để đạt tốc độ khá cao. Tuy nhiên, điểm yếu của S-67 BlackHawk là khả năng chở được ít vũ khí và tầm hoạt động hạn chế .
Các cuộc chiến có sự góp mặt của Mi-24
- Xung đột Ogaden (1978) tại Somalia.
- Chiến tranh biên giới phía Tây Nam Việt Nam – Campuchia: Mi-24A được phía Không quân Việt Nam sử dụng để tham gia các cuộc giao tranh với Lực lượng Pol Pot. Với hỏa lực khủng khiếp từ những chiếc Mi-24A và cả sự thông minh, sáng tạo của các phi công Việt Nam, những chiếc Mi-24A đã chiếm ưu thế trên mọi mặt trận lớn nhỏ. Thậm chí đến năm 1986, với sự mạnh mẽ và khủng khiếp của mình, Mi-24 đã đẩy Quân đội Pol Pot đến gần biên giới Thái Lan, cách khu vực biên giới chỉ khoảng 25km.