Sau sự kiện Chiến tranh Vùng vịnh 1991, “quan sát” hàng trăm xe tăng hiện đại T-72 của Iraq bị M1 Abrams của Mỹ đánh tan tành. Điều này đã làm cho chính quyền Triều Tiên thực sự sốc nặng.
Triều Tiên càng cảm thấy mối nguy hiểm rõ ràng hơn khi Hàn Quốc quyết định phát triển mẫu xe tăng mới K1 dựa trên dòng M1 Abrams của Mỹ. Trong khi đó, lực lượng tăng – thiết giáp Triều Tiên chỉ sở hữu những chiếc T-54/55, T-62 hay Type 59 lỗi thời (kém hơn cả T-72).
Trước yêu cầu bức thiết phải hiện đại hóa tăng cường sức mạnh tăng – thiết giáp đối phó Hàn Quốc. Nước này đã quyết định phải phát triển xe tăng mạnh mẽ hơn, hiện đại hơn.
Nguồn gốc Nga - Trung
Khi bắt tay vào thực hiện chương trình phát triển, Triều Tiên gặp vô vàn khó khăn vì nền khoa học quân sự nước này khá kém cỏi, chưa đủ tầm tự phát triển xe tăng.
Nhưng “vận may” đã mỉm cười với Triều Tiên khi nước này mua lại một vài chiếc T-72 bị thải loại sau khi Liên Xô tan rã. “Mổ xẻ” T-72, Triều Tiên đã học hỏi được ít nhiều công nghệ.
Ngoài ra, trong tháng 8/2001, khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il thăm Nga, ông đã ghé qua nhà máy sản xuất xe tăng T-90. Một số nguồn tin cho rằng, Triều Tiên đã mua được một chiếc T-90 để nghiên cứu. Và Triều Tiên cũng có thể nhận xe tăng Type 88 của Trung Quốc để tìm hiểu thêm công nghệ.
Dòng xe tăng T-54/55, T-62 chủ lực của Triều Tiên chưa phải là đối thủ của xe tăng K1, K1A1 Hàn Quốc.
Dựa trên việc phân tích nghiên cứu các công nghệ trên các dòng xe tăng thế hệ mới Nga – Trung, Triều Tiên đã phát triển và cho ra đời mẫu thử xe tăng P’okpoong Ho (tiếng Việt là Bão Phong Hổ) đầu những năm 1990.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, nhưng Triều Tiên đã sản xuất được khoảng 200-300 chiếc Bão Phong Hổ tính tới năm 2010. Loại xe tăng này có lẽ được ưu tiên phòng thủ bảo vệ Bình Nhưỡng, hoặc đặt gần khu vực phi quân sự (DMZ) đối phó Hàn Quốc.
Sức mạnh của Bão Phong Hổ
Hiện nay, sức mạnh thực sự của Bão Phong Hổ vẫn chưa được Triều Tiên công bố. Mọi thông số, đặc tính kỹ thuật của loại tăng này chủ yếu được các chuyên gia quốc tế phỏng đoán.
Theo đó, Bão Phong Hổ có kiểu dáng khá giống với xe tăng T-72 của Nga. Phần trước mặt thân và tháp pháo dùng giáp composite hoặc khối giáp tăng cường trước tháp pháo.
Các chuyên gia phương Tây dự đoán, Bão Phong Hổ có thể mang giáp tương tự T-80U (Nga) kháng chịu đạn chống tăng nổ lõm, đạn tên lửa chống tăng TOW, nhưng khó có thể chống chịu đạn động nặng cỡ 105mm hoặc 120mm từ xe tăng Hàn Quốc.
Một số nguồn tin cho rằng, Bão Phong Hổ còn có thể lắp module giáp phản ứng nổ (ERA). Tuy nhiên, trong các hình ảnh loại xe tăng này xuất hiện gần đây đều không có dấu hiệu cho thấy có giáp ERA.
Về hỏa lực, Bão Phong Hổ trang bị hệ thống vũ khí tương tự xe tăng Nga gồm: pháo nòng trơn cỡ 125mm (dự trên pháo tăng T-72 và T-80 Nga), một súng máy hạng nặng trên nóc tháp pháo và một súng máy đồng trục pháo chính. Không rõ liệu pháo 125mm của Bão Phong Hổ có khả năng bắn tên lửa chống tăng qua nòng giống xe tăng Nga hay không?
Tuy nhiên, có nguồn tin không chính thức tiết lộ rằng, Bão Phong Hổ có vũ trang tên lửa vác vai phòng không dùng để đối phó mục tiêu bay thấp. Dường như giải pháp này của Triều Tiên nhằm đối phó với những phi đội trực thăng diệt tăng hùng mạnh của Mỹ - Hàn.
Pháo 125mm nếu so sánh về uy lực thì không hề thua kém pháo 105mm và 120mm của xe tăng K1 và K1A1 của Hàn Quốc. Tuy nhiên, hệ thống điều khiển hỏa lực pháo của Triều Tiên được cho là lạc hậu hơn nhiều so với xe tăng Hàn Quốc. Điều này cũng làm giảm đáng kể hiệu quả của pháo trong tác chiến tầm xa. Nhưng khi chiến đấu tầm gần, nó vẫn được xem là đối thủ nặng ký.
Về phần động cơ xe, không ai rõ Triều Tiên dùng loại động cơ nội địa hay ngoại nhập và công suất bao nhiêu. Một số nguồn tin cho rằng, Bão Phong Hổ có công suất lên tới 1.500 mã lực, nhưng có lẽ con số 1.000-1.100 mã lực tỏ ra đáng tin cậy hơn.
Nhìn chung, cho tới thời điểm này, những thông tin về Bão Phong Hổ vẫn còn rất mơ hồ. Dù vậy, chính quyền Triều Tiên đã tuyên bố Bão Phong Hổ có sức mạnh ngang ngửa T-90 của Nga. Tất nhiền, lời tuyên bố này không có bất kỳ bên thứ ba nào kiểm định.
Các chuyên gia quân sự phương Tây nhận định, Bão Phong Hổ chỉ có thể đạt mức độ tương đương dòng T-72 của Nga. So với xe tăng Hàn Quốc, Bão Phong Hổ có thể vượt K1 hay M48A5K, nhưng so với biến thể nâng cấp K1A1 hay “báo đen” K-2 thì vẫn yếu thế hơn.