Sở hữu một lãnh thổ rộng lớn nên việc căng mình ra để bảo vệ đất nước là một bài toán hóc búa với Nga. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, Nga luôn 'ưu ái' thiết lập một hệ thống phòng không với những trang thiết bị khí tài hiện đại nhất có thể, bởi Nga chưa bao giờ hết nghi ngờ lòng tham của Trung Quốc với vùng Viễn Đông rộng lớn, giàu tài nguyên thiên nhiên.
Một hệ thống phòng không hoàn chỉnh bao gồm: hệ thống radar, hệ thống tên lửa và pháo phòng không, lực lượng không quân tiêm kích đánh chặn. Ở Viễn Đông, để đề phòng Trung Quốc, Nga cũng đã xây dựng đầy đủ các lực lượng như trên và được ưu tiên trang bị những khí tài, vũ khí hiện đại nhất.
"Mắt thần" soi lòng tham
Tới cuối năm 2012, Nga đã hoàn thành xây dựng 3 trạm radar mới, trong đó 2 trạm Voronezh-DM và Voronezh-M đã được đưa vào trực chiến tại tỉnh Leningrad và ở ngoại ô thành phố Irkutsk.
Trạm radar cảnh báo sớm tối tân Voronezh-M của Nga
Trạm radar Voronezh-DM tại khu Krasnodar sẽ hoạt động vào thời gian tới và hoàn toàn có thể thay thế chức năng của trạm radar Gabala mà Nga từng thuê của Azerbaijan.
Trong năm 2013 này, Nga sẽ xây dựng cùng lúc thêm 3 trạm radar Voronezh mới tại Krasnodar, khu Altai và tỉnh Orenburg. Kế hoạch xây mới và tái trang bị các trạm radar sẽ được hoàn thành vào năm 2020.
Voronezh-M là loại trạm radar cảnh báo sớm tên lửa thế hệ mới nhất của Nga, có thể phát hiện ra mục tiêu từ cự li xa tới 6.500 km. Trạm radar cảnh báo sớm tên lửa Voronezh-M được bố trí ở vùng Irkutsk thuộc Siberia. Với vị trí này, rõ ràng là Nga đang muốn nắm mọi động tĩnh từ Trung Quốc.
Vùng quan sát của trạm radar cảnh báo sớm tối tân nhất Voronezh-M ở vùng Irkutsk thuộc Siberia giúp Nga soi mọi động tĩnh từ Trung Quốc
Tất cả các mục tiêu trong tầm phát hiện của Voronezh-M đều được hiển thị rõ ràng lên một màn hình LCD cỡ lớn, độ phân giải cao để có thể đánh giá về đối phương. Nga đã lên kế hoạch xây dựng thêm 4 trạm radar này tại các khu vực Altai, Krasnoyarsk, Omsk và Orenburg.
Ngoài ra, còn hàng trăm các đài radar tầm ngắn hơn được Nga bố trí dọc biên giới vùng Viễn Đông, ngày đêm soi những động tĩnh từ Trung Quốc.
Tên lửa phòng không tối tân
Ngày 20/3/2013, Nga đã tiến hành cuộc tập trận lực lượng phòng không với hơn 500 hệ thống vũ khí phòng không, 50 máy bay chiến đấu và khoảng 2.000 binh lính, đã được triển khai tham gia một cuộc diễn tập phòng không quy mô lớn ở miền đông nước Nga.
Lực lượng phòng không Nga đã triển khai khoảng 500 hệ thống tên lửa phòng không các loại, gồm các hệ thống tên lửa đất đối không S-300, tên lửa phòng không Osa, Buk, Strela và Shilka, tên lửa phòng không vác vai Igla, và hệ thống tên lửa-pháo Pantsir-S.
Cuộc diễn tập phòng không quy mô lớn này, do tư lệnh Quân khu miền Đông, Đô đốc Konstantin Sidenko chỉ huy. Đây là cuộc diễn tập phòng không lớn nhất trong hàng chục năm qua. Có thể thấy rằng việc sẵn sàng chiến đấu ở khu vực miền Đông sát biên giới Trung Quốc luôn được Nga coi trọng một cách đặc biệt.
Qua cuộc tập trận, có thể thấy lực lượng khổng lồ các phương tiện phòng không hiện đại mà Nga bố trí sát biên giới Trung Quốc.
Không chỉ riêng công tác huấn luyện, việc đưa vào các trang bị mới cho quân khu Viễn Đông được Nga hết sức ưu tiên. Trong số các nơi được trang bị tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại bậc nhất thế giới S-400 Triumf thì vùng Viễn Đông, giáp với Trung Quốc được 'ưu tiên' 2 trong 4 tổ hợp đầu tiên.
Vùng Viễn Đông sát biên giới Trung Quốc được ưu tiên tổ hợp S-400 Triumf
Không quân hiện đại
Sức mạnh lực lượng không quân của vùng Viễn Đông không ngừng được tăng cường. Cùng với mối quan hệ Mỹ - Nga trong thời kỳ Tổng thống Obama, mối quan hệ giữa Nga với khối NATO về cơ bản được cải thiện trong thế hòa hoãn. Nga tập trung sự chú ý trở lại vấn đề phòng vệ trên tuyến biên giới miền Đông.
Tạp chí "Bình luận Quân sự Hán Hòa" số tháng 4 dẫn lời một nhà quan sát quân sự ở Moscow (Nga) cho biết trong số 48 chiếc máy bay chiến đấu Su-35 được giao cho không quân Nga bắt đầu từ năm 2012, có ít nhất một trung đoàn Su-35 được bố trí ở căn cứ 6968 thuộc khu vực Viễn Đông, cách biên giới Nga - Trung khoảng 299 km.
Cùng với trang bị Su-35, Không quân Nga còn dần từng bước trang bị các loại tên lửa đạn đạo đa năng như tên lửa không đối không tầm xa RVV-SD, tên lửa không đối hạm Kh31AD.
Sức mạnh chiến đấu tổng hợp của 48 chiếc Su-35 sẽ vượt qua sức mạnh chiến đấu của 100 chiếc Su-30MKK hoặc 150 chiếc Su-27SK (J-11) của Không quân Trung Quốc.
Máy bay hiện đại Su-35 sẽ giúp Không quân Nga giành thế thượng phong trước Trung Quốc
Trước đó, Nga cũng đã bố trí toàn bộ số máy bay Su-27 SM và Su-30M2 loại mới nhất vào hai trung đoàn ở căn cứ không quân 6987 và căn cứ không quân 6989, lần lượt cách biên giới Nga - Trung 308 km và 61 km.
Ở đây không thể không nhắc tới sức mạnh tác chiến của máy bay ném bom tầm xa Su-34 và MiG-29SMT. Trong năm 2009, Không quân Nga còn tiếp nhận 34 chiếc MiG-29SMT. Trong thời gian từ năm 2010 đến 2013, Sukhoi bàn giao cho Không quân Nga 32 chiếc máy bay ném bom Su-34.
Thượng tướng Zelin nhấn mạnh: Không quân Nga sẽ tiếp tục cải tiến chiến đấu cơ MiG-31. Với vùng Viễn Đông rộng lớn của Nga, nhiệm vụ của chiến đấu cơ MiG-31 là hết sức nặng nề. Ông nhấn mạnh, Không quân Nga đã và đang tiến hành cải tiến 108 chiếc MiG-31 thuộc 9 đại đội, nhất là với hệ thống radar "tìm và diệt" trang bị trên loại chiến đấu cơ này là nhiệm vụ quan trọng của Không quân Nga trong thời kỳ quá độ trước năm 2015.
Các máy bay đánh chặn MiG-31BM (được mệnh danh là “chó săn chồn”) là một phiên bản nâng cấp gần đây giới thiệu của MiG-31, được trang bị một hệ thống kiểm soát hỏa lực mới, mở rộng phạm vi phát hiện mục tiêu của máy bay lên tới 320 km và phạm vi tham gia lên đến 280 km.
Ngoài ra, MiG-31 cũng được bổ sung thêm các chế độ hoạt động mới, trang bị hệ thống điện tử hàng không và buồng lái mới cũng như hệ thống định vị và tên lửa mới, bao gồm tên lửa không - đối - không tầm xa K-37M có tầm bắn lên đến 222 km và tên lửa sử dụng radar chủ động R-77-1.
Không quân Nga đang triển khai kế hoạch mới cho máy bay MiG-31BM, bao gồm việc bố trí luân phiên các phi đội tại các sân bay quân sự và cả dân sự trên toàn bộ lãnh thổ nước Nga, nhưng trước hết sẽ là vùng Viễn Đông và vùng lãnh thổ phía Bắc.
Trong quá trình định vị lại như vậy, các máy bay MiG-31BM sẽ thường xuyên di chuyển ở các khu vực vùng sâu vùng xa để lấp đầy "khoảng trống" của các hệ thống tên lửa phòng không.
Máy bay MiG-31 BM sẽ lấp đầy khoảng trống lưới lửa phòng không Nga
Cùng với việc chuẩn bị bố trí Su-35 tại căn cứ 6968, có thể nói, hầu hết máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Nga đều được bố trí ở khu vực gần biên giới Nga - Trung. Điều đó có nghĩa biên giới Nga - Trung vẫn là trọng tâm chú ý trong chiến lược không quân của Nga.
Về vấn đề này, một nhà quan sát quân sự ở Moscow thẳng thắn nói: “Không quân Trung Quốc và toàn bộ sức mạnh quân sự của nước này đã trở thành mối đe dọa lớn nhất trong số các nước mà Nga có đường biên giới chung. Nga ngăn cách với NATO bởi vùng đệm tự nhiên là Belarus và Ukraine còn với Trung Quốc thì không, nên việc không quân Nga tập trung mối quan tâm chiến lược ở Viễn Đông là điều tự nhiên".
Xét về tổng thể, theo tờ "Bình luận Quân sự Hán Hòa", nhờ sự có mặt của Su-35, không quân Nga sẽ giành lại được quyền kiểm soát trên không ở khu vực này. Đồng thời, nhờ được trang bị radar IRBIS với bán kính quét lên tới 400 km, về cơ bản, Nga có thể thám trắc toàn bộ vùng trời hai tỉnh Hắc Long Giang và Cát Lâm cũng như một phần vùng trời tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc.
Với hệ thống radar tối tân, lưới lửa phòng không dày đặc và dàn máy bay hiện đại bố trí sát biên giới Trung Quốc, Nga luôn luôn sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh với “người láng giềng khổng lồ nhiều âm mưu”.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!