Chiến công của ông gắn với “tọa độ lửa” ngã ba Cò Nòi (Sơn La) và đường ngầm Hát Lót trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông là Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Tiến Thụ, nguyên Phó đại đội trưởng Đại đội 404, thuộc Đội thanh niên xung phong (TNXP) 40, hiện đang sinh sống ở 41b, Yên Phụ, Tây Hồ (Hà Nội).
Cò Nòi là ngã ba nối liền Đường 13 (từ Yên Bái lên Điện Biên) và Đường 41 (từ Khu 4 đi Hòa Bình và lên Điện Biên).
Đây là cửa ngõ tiến vào Tây Bắc và là tuyến đường nối thông Đồng bằng Bắc Bộ, Chiến khu Việt Bắc và Khu IV với chiến trường Điện Biên Phủ, nên quân địch tập trung đánh phá ác liệt, nhằm cắt đứt sự chi viện của quân và dân ta với chiến dịch.
Chỉ trong vòng 3 tuần đánh phá dữ dội, bom đạn của quân địch đã làm cho khu vực ngã ba Cò Nòi không còn màu xanh, cây cối nát tươm, đất đá bị xới lên tơi tả.
Ông Nguyễn Tiến Thụ nhớ lại: “Mỗi ngày, địch đánh phá nhiều đợt. Chúng thả rất nhiều loại bom khác nhau, vì thế nhiệm vụ phá bom, thông đường ở thời điểm này là công việc hết sức phức tạp và nặng nề”.
Năm 1953, Đoàn TNXP được thành lập với mật danh: Đoàn X-P. Đoàn quyết định thành lập đội phá bom nổ chậm. Hai đội TNXP 40 và 34 được điều ra làm nhiệm vụ bảo vệ Đường 13 và 41 phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông Nguyễn Tiến Thụ được cử làm Phó đại đội trưởng Đại đội 404 (thuộc Đội 40) phụ trách việc phá bom nổ chậm từ ngầm Hát Lót đến ngã ba Cò Nòi.
Nhiệm vụ phá, hủy bom thông đường để bộ đội và dân công vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ với những TNXP thời điểm này là điều hết sức mới mẻ, lạ lẫm.
Dụng cụ để phá bom nổ chậm của họ chỉ là cuốc, xẻng, thuốn và thuốc nổ.
Thế nhưng, với tinh thần tất cả cho chiến dịch, không sợ hy sinh, gian khổ, ông Thụ và đồng đội đêm ngày bám đường, "giải quyết" từng quả bom do địch thả xuống.
Ông cho biết: “Thời điểm ấy, quân địch thả xuống ngã ba Cò Nòi 5 loại bom, gồm: Bom phá, bom nổ chậm, bom bươm bướm, bom napal và bom cối xay, trong đó loại bom bươm bướm là nguy hiểm nhất, bởi tính chất và hoạt tính hóa học của nó”.
Bom bươm bướm được thiết kế bằng một quả bom mẹ chứa khoảng 200 quả bom con, mỗi quả bom con có 4 cánh bọc. Khi quả bom mẹ rơi, thùng phuy đựng 200 quả bom con mở ra.
Quả bom con ra ngoài không khí, gặp gió cánh bung ra và bay đi khắp nơi trên diện tích rộng. Vỏ quả bom làm bằng gang, nên khi nổ có tính sát thương rất cao.
Ban đầu, khi chưa nắm được cấu tạo và nguyên lý hoạt động của loại bom này, lực lượng TNXP rất vất vả để phá hủy nó.
Trong ký ức của ông Thụ thì loại bom này cứ chạm vào là nổ.
Do đặc tính cấu tạo là bay như bươm bướm, nên có khi nó rơi xuống mặt đất nhưng có lúc nó “đậu” trên cành cây, vách đá, ở những nơi khó phát hiện mà chỉ cần cơn gió mạnh thổi rung cành cây hoặc bộ đội vô tình chạm phải là nó phát nổ.
Ban đầu lực lượng TNXP phát hiện loại bom này chỉ cần chạm là nổ nên đã dùng sào để chọc. Thế nhưng, nhiều quả bom chọc không nổ, giật cũng không nổ.
Một đồng đội của ông Thụ tên là Thới (quê Thanh Hóa) chọc mãi thấy bom không nổ, nên quyết định dùng tay quăng quả bom xuống vực. Tuy nhiên, vừa cầm lên chưa kịp quăng đi thì bom phát nổ, anh Thới hy sinh.
Chứng kiến cái chết thương tâm của đồng đội, ông Thụ và anh em trong đội quyết định tháo một quả để tìm hiểu nguyên lý hoạt động của loại bom này.
Khi phát hiện quả bom bươm bướm rơi, ông Thụ đào công sự cá nhân có độ sâu ngập đầu người và giơ quả bom trên đầu dùng hai tay tháo.
Loay hoay 1 phút, rồi 5 phút, vặn theo chiều kim đồng hồ không được, ông vặn ngược lại thì bất ngờ tháo được ngòi nổ. Đồng đội đón ông sau khi tháo thành công quả bom như đón người từ cõi chết trở về.
Tin vui này được loan báo khắp tuyến đường. Nhờ tìm ra nguyên lý hoạt động, nên việc phá bom nổ chậm của lực lượng TNXP đạt hiệu suất cao.
Với tinh thần chiến đấu anh dũng, sáng tạo, tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn đoàn TNXP của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nguyễn Tiến Thụ được bầu chọn là Chiến sĩ thi đua số 1.
Có thể nói, “người phá bom là những người cảm tử” không sai bởi tính chất nguy hiểm của công việc này.
Nhiều đồng đội của ông Thụ đã anh dũng hy sinh, có người bị bom nổ thân thể không còn nguyên vẹn. Bản thân ông Thụ đã nhiều lần bị bom nổ, bị vùi sâu trong đất đá.
Ông cho biết: “Có lúc bị vùi trong đất đá, nếu đồng đội đến cứu chậm mấy giây thôi là tôi tắt thở”.
Gian khổ, nguy hiểm là vậy, nhưng ông Thụ vẫn quả quyết: “Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề phá bom”.