Mạng tiếng Trung Guancha đưa tin, các quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ rằng, ngày 19/8 Trung Quốc đã tiến hành phóng tên lửa đẩy Trường Chinh 2 mang theo phương tiện bay siêu vượt âm WU-14 tại căn cứ Ngũ Trại (Sơn Tây) của nước này.
Đây là vụ thử phương tiện bay siêu vượt âm lần thứ 5 của Trung Quốc trong 2 năm qua và là lần thứ 2 trong năm nay.
Trước đó, Trung Quốc đã tiến hành 4 vụ thử nghiệm vào ngày 9/1, 7/8, 2/12 năm 2014 và ngày 7/6/2015. Theo báo cáo của Bộ quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đã có được thành công trong lần thử nghiệm này.
Việc Bắc Kinh tăng cường thử nghiệm phương tiện bay siêu vượt âm cho thấy vũ khí này đã gần đến giai đoạn có thể triển khai, có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc.
Đồ họa phương tiện bay WU-14
Ngoài ra, theo quan chức Mỹ, trong cuộc thử nghiệm này, WU-14 khi bay ở tầng khí quyển cao đã cho thấy được khả năng mới: cơ động lẩn tránh. Tuy nhiên, ông này không nói rõ WU-14 thực hiện động tác cơ động như thế nào.
Trước đó, trong cuộc thử nghiệm bay lần thứ 4 vào tháng 6/2015, báo chí Mỹ dẫn lời quan chức Lầu Năm Góc cho biết, WU-14 đã cho thấy “tính cơ động cực mạnh”.
Tờ The Washington Free Beacon (Mỹ) cho rằng, loại vũ khí có khả năng cơ động lẩn tránh mạnh này được thiết kế để phá vỡ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay được thiết kế để theo dõi quỹ đạo có thể đoán trước của tên lửa và không thể đối phó với đầu đạn có khả năng cơ động cao.
Liên quan đến vụ thử nghiệm lần này của Trung Quốc, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Bill Urban cho biết: “Mỹ không bình luận về các vụ thử vũ khí của Trung Quốc nhưng đang giám sát chặt chẽ các động thái hiện đại hóa quân sự của Bắc Kinh”.
Tờ Free Beacon dẫn lời một chuyên gia công nghệ siêu vượt âm nhận định, việc Trung Quốc tiến hành 2 vụ thử nghiệm phương tiện bay WU-14 gần đây cho thấy đang có một cuộc chạy đua vũ khí giữa Trung Quốc và Mỹ.
Nhà bình luận quân sự trên mạng Guancha cho biết, theo báo cáo của truyền thông Mỹ, cho đến nay, 5 vụ thử nghiệm WU-14 củaTrung Quốc đều sử dụng tên lửa đẩy Trường Chinh 2 làm phương tiện phóng, khoảng cách bay thử chỉ khoảng 2.000km.
Do tên lửa đẩy Trường Chinh 2 giống với tên lửa xuyên lục địa DF-5 của nước này nên có suy đoán cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ gắn WU-14 lên tên lửa DF-5 để trở thành vũ khí phá hủy hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ.
Song, muốn đạt được tầm bắn xuyên lục địa, yêu cầu về tốc độ bay của WU-14 phải gấp 20 lần tốc độ âm thanh trở lên. Trong khi đó hiện nay, tốc độ bay thử của WU-14 mới gấp khoảng 10 lần tốc độ âm thanh.
Mặt khác, do tên lửa Trường Chinh 2 là công cụ phóng tiện lợi nhất của Trung Quốc nên việc sử dụng tên lửa này để thử nghiệm WU-14 cũng là điều bình thường.