Hãng tin Reuters (Mỹ) đăng bài viết cho hay: Đến nay vẫn chưa có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ bắn rơi chiếc máy bay Boeing số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines ngày 17/07 vừa qua, khiến 298 người thiệt mạng. Nhưng ngay cả những người chưa từng qua huấn luyện trong lực lượng ly khai cũng có thể sử dụng hệ thống phòng không Buk với một khóa luyện tập ngắn. Thậm chí, hiện nay bất kì ai cũng có thể tham khảo thông tin hướng dẫn sử dụng hệ thống này từ Internet.
Cả Washington và Kiev đều cáo buộc phe ly khai do Nga bảo trợ tại nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk là thủ phạm đứng sau vụ bắn rơi MH17. Lực lượng này từng "khoe khoang" về việc sở hữu Buk không lâu trước khi xảy ra vụ việc.
Hệ thống phòng không Buk tại triển lãm hàng không quốc tế MAKS 2009 tổ chức tại Zhukovsky, ngoại ô Moscow
Buk là một hệ thống phức tạp và tất nhiên là khó vận hành hơn nhiều so với các vũ khí phòng không tầm thấp ngắm bắn bằng mắt thường. Nó có thể chạm đến độ cao 14km mà vẫn duy trì tốc độ Mach 3 với đầu đạn 70kg. Phe ly khai ở miền đông Ukraine đã khá thành công trong việc sử dụng vũ khí tầm không tầm thấp để bắn hạ máy bay quân sự của Ukraine nhưng điều đó khác hẳn với việc vận hành Buk.
Song cũng không quá khó để học những kiến thức cơ bản về việc vận hành ngay cả những hệ thống phòng không phức tạp nhất. Đây là một yêu cầu để người lính có thể sử dụng chúng trong hoàn cảnh chiến tranh. Hiện nay, những tài liệu huấn luyện cũng có thể được tìm thấy trên mạng. Chúng bao gồm những chỉ dẫn chi tiết để vận hành hầu hết mọi hoạt động của hệ thống, từ việc khởi động radar, đọc hiểu dữ liệu từ radar và khai hỏa tên lửa.
Thách thức ở đây là việc ghi nhớ những bước này và vận dụng những chiến thuật phù hợp nhất trong điều kiện chiến trường. Như quân đội Mỹ hiện yêu cầu những người lính vận hành hệ thống phòng không Patriot phải trải qua khóa huấn luyện 10 tuần liên tục. Người lính phải học cách xử lý số liệu cả bằng cách thủ công và bằng máy tính. Khóa huấn luyện còn rèn luyện khả năng thực hiện những tác vụ phức tạp, như cách xác định và phân biệt các loại mục tiêu.
Tất nhiên sau khóa huấn luyện này, người lính vẫn cần được thực hành thường xuyên. Không ai biết chắc phe ly khai ở miền đông Ukraine được huấn luyện đến mức độ nào để vận hành Buk. Một khóa đào tạo đầy đủ, chuyên sâu có thể kéo dài 10 tuần, nhưng học những điều cơ bản đủ để khai hỏa tên lửa của hệ thống Buk có thể mất ít thời gian hơn.
Sau Chiến tranh Lạnh, quân đội Hungary cho ngừng hoạt động nhiều giàn tên lửa phòng không do Liên Xô sản xuất. Một nhóm người yêu thích quân sự nhờ đó có thể tiếp cận các tài liệu kỹ thuật, chụp hình các bảng điều khiển và từ đó xây dựng một chương trình mô phỏng.
Với chương trình này, bất kì ai cũng có thể học (mặc dù chưa thể làm chủ) những điều cơ bản để vận hành 6 hệ thống tên lửa phòng không và 1 pháo cao xạ chỉ trong vòng vài giờ. Chương trình này bao gồm KRUG, một hệ thống tên lửa tầm cao sử dụng chế độ dẫn bán chủ động tương tự Buk. Ngoài ra, thiết kế các bảng điều khiển của các vũ khí Liên Xô thường tương tự nhau để đơn giản hóa quy trình huấn luyện.
Những bước vận hành cơ bản thật ra khá đơn giản. Bảng điều khiển của KRUG gồm một loạt màn hình đơn sắc cạnh các nút bấm. Bằng một vài nút bấm, người điều khiển sẽ khởi động động cơ cho đến khi đủ điện để kích hoạt radar. Tuy nhiên, dùng radar để tìm kiếm và theo dõi mục tiêu lại khó hơn nhiều, ngay cả với một phần mềm mô phỏng. Học cách tái khởi động hệ thống điện tử cũng không dễ và do đó chương trình mô phỏng đã bỏ qua bước này. Trong điều kiện thực tế, với không gian chật chội, nóng bức, cộng thêm sự căng thẳng và mệt mỏi thì mức độ khó khăn sẽ tăng lên.
Khai hỏa và bắn trúng mục tiêu rất khác với việc có thể phân biệt các mục tiêu khác nhau. Triển khai giàn phóng để nó phát hiện máy bay mục tiêu là một việc nhưng nhìn vào chấm sáng trên màn hình radar và xác định xem đó là một chiến đấu cơ, một tên lửa hành trình hay máy bay chở khách là một việc hoàn toàn khác.
Hiện nay, những tài liệu huấn luyện vận hành Buk cũng có thể được tìm thấy trên internet
Joseph Trevithick, một chuyên gia từ GlobalSecurity.org, cho biết “Giàn Buk chỉ là một phần trong toàn bộ hệ thống phòng không. Hệ thống điều khiển không lưu quốc gia và các đài radar cảnh giới khu vực chịu trách nhiệm chính trong việc xác định mục tiêu là máy bay của đối phương hay máy bay dân sự. Không có thông tin nào về việc phe ly khai có những hệ thống tương tự mà chỉ có xe phóng. Do đó họ không thể phân biệt được mục tiêu hay tìm cách liên lạc với nó, kể cả nếu muốn.”
Vì Buk không thể tự mình phân biệt mục tiêu dân sự và quân sự, triển khai chúng ở những khu vực có mật độ máy bay chở khách đông là rất nguy hiểm, nhất là khi lực lượng vận hành không được huấn luyện chuyên nghiệp. Ngoài ra còn phải kể đến yếu tố huấn luyện không đầy đủ, chỉ huy kém, hệ thống liên lạc không ổn định. Ngay cả những đơn vị phòng không được huấn luyện tốt vẫn có thể bắn nhầm.
Trong cuộc chiến Vùng Vịnh 1991, sự kết hợp giữa lỗi của con người và lỗi phần mềm khiến 1 chiếc F-18 của Mỹ và 1 chiếc Tornado của Anh bị tên lửa Patriot bắn rơi. “Patriot làm chúng tôi sợ chết khiếp!”, một cựu phi công F-16 tại Vùng Vịnh nhớ lại. Trong một vụ việc khác, một phi công F-16 đã phóng tên lửa vào một giàn radar Patriot sau khi bị nó nhắm bắn.
“Cũng dễ hiểu khi phe ly khai đã học cách vận hành một trong những hệ thống này, họ muốn tăng khả năng phòng vệ trước những đợt không kích ngày càng tăng cường từ phía chính phủ Ukraine. Họ đã khá thành thạo trong việc bắn hạ những mục tiêu tầm thấp”, ông Trevithick nói thêm.
Giàn Buk bị tình nghi được dùng để bắn hạ MH17 hiện đã biến mất khỏi khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine nhưng kỹ năng và kiến thức để vận hành nó thì không dễ mất đi.
Xem thêm: [Video] Tái hiện toàn bộ tai nạn MH17 từ dữ liệu hộp đen
Từ những dữ liệu trong hộp đen được phát hiện tại hiện trường người ta đã mô phỏng tỉ mỉ lại toàn bộ quá trình MH17 bị bắn hạ.
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA