Mạng công nghệ lục quân Mỹ nhận xét, kể từ khi Chiến tranh Lạnh đến nay, các xe tăng chiến đấu chủ lực ngày càng có thiết kế phức tạp và hiện đại hơn, trọng lượng và hỏa lực cũng ngày càng mạnh mẽ, khả năng chống bảo vệ cũng tốt hơn, năng lực chống nhiễu cũng được nâng cao thêm rất nhiều. Dựa trên các tiêu chí cơ bản trên, Mạng công nghệ lục quân Mỹ đã tiến hành đánh giá, xếp hạng mười xe tăng chiến đấu chủ lực trên thế giới, tập trung chủ yếu vào các tiêu chí sau: Khả năng phòng vệ, hỏa lực, tính năng cơ động của của xe tăng.
Trong bảng xếp hạng, đứng đầu là chiếc Leopard 2A7 của Đức, xe sử dụng loại pháo nòng trơn L55 120mm, tốc độ tối đa 72km/h, xe được bảo vệ toàn diện, có khả năng chống lại tên lửa chống tăng, mìn, rocket, vật dễ cháy nổ, và khả năng gây nhiễu, ẩn náu cực cao, cùng khả năng ngắm bắn điện tử vô cùng linh hoạt.
Vị trí thứ hai, bảng xếp hạng này đề cử chiếc tăng M1A2 Abrams của Mỹ. M1 Abrams là loại xe tăng chủ lực do hãng General Dynamics của Mỹ sản xuất năm 1980, theo thiết kế của Chrysler Defense. Khối lượng chiến đấu 54,1 tấn, kíp xe 4 người. Thân xe dài 7,92 m (cả pháo quay phía trước 9,77 m); rộng 3,65 m; cao 2,38 m (đến nóc tháp pháo). Tốc độ lớn nhất 72,4 km/h; hành trình dự trữ 500 km. Vũ khí: pháo rãnh xoắn 105 mm ổn định trong hai mặt phẳng (đạn biên chế 55 viên); súng máy 7,62 mm (đạn biên chế 11400 viên); súng máy phòng không 12,7 mm (đạn biên chế 1000 viên). Được trang bị hệ thống điều khiển hoả lực có máy tính đường đạn, máy đo xa laser, kính ngắm ảnh nhiệt...
Vị trí thứ ba là chiếc Challenger 2 của quân đội Hoàng gia Anh. Được nghiên cứu và phát triển từ những năm 1986 bởi tập đoàn Vickers Defense Systems và đưa vào sử dụng từ năm 1994, Challenger 2 đã thể hiện rằng nó là một trong những “quái vật” có thể đốn ngã bất cứ kẻ thù nào. Ngoài quân đội Hoàng gia Anh, hiện nay Challenger 2 còn được biên chế trong Quân đội Hoàng gia Oman. Challenger chỉ thua kém vị trí số 1, và 2 về độ linh động, còn sức công phá, có thể nói nó không thua kém đối thủ nào.
Đứng thứ tư là chiếc K2 Black Panther của Hàn Quốc. “Báo đen” là thế hệ xe tăng chiến đấu chủ lực tiếp theo của Hàn Quốc để thay thế cho các xe tăng thế hệ cũ K1 (Hàn Quốc) và M47/M48 (Mỹ). Thế mạnh của K2 Black Panther đúng như tên gọi, uy lực của dòng tăng này không ở sức công phá, càn lướt mà được thể hiện ở tốc độ, sự linh hoạt trên chiến trường, và các thao tác gần như tự động hoàn toàn.
Vị trí thứ 5 là chiếc Merkava MK4 của Israel. Được mệnh danh là một pháo đài di động trên chiến trường. Đây là dòng xe tăng “khủng” nhất của quân đội Israel hiện nay với một động cơ MTU833 do Đức chế tạo, một tháp pháo 105 mm nòng thiết kế kiểu M68. Merkava MK4 là xe tăng hiện đại thế hệ thứ 4 đặc biệt nổi trội với khả năng phòng ngự, hỏa lực và tính cơ động khống chế chiến trường.
Chiếm giữ vị trí thứ 6 là tăng Type-10 của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Sức mạnh của Type 10 thể hiện ơ sự linh động. Thể hình nhỏ gọn, thiết bị điện tử siêu thông minh, có thể di chuyển gần như tất cả mọi địa hình. Trong chiến tranh thành phố, sự thông minh, gọn nhẹ của Type-10 trở thành một vũ khí vô cùng hiệu quả.
Thứ 7, người Pháp có một đại diện là Leclerc. Tiêu biểu là mẫu AMX-56 Leclerc của Pháp có động cơ V8X1500 công suất 1103 nghìn W được trang bị một pháo 120 mm với đặc điểm nổi bật là hệ thống tự động quản lý chiến trường, tác chiến đặc biệt hiệu quả trong chiến tranh điện tử.
Đứng thứ 8 là đại diện đến từ nước Nga, T-90MS. Đây là một phiên bản cải tiến rất sâu của huyền thoại T-90MS. Ở bản nâng cấp T-90MS, được trang bị một động cơ diesel V-92S2F 1.130 mã lực và hệ thống truyền tải được nâng cấp, với 7 số tiến và 1 số lùi. Cùng với đó là một động cơ diesel phụ trợ, khi xe tăng đứng yên có thể được dùng để cải thiện hiệu quả nhiên liệu và giảm thiểu lượng nhiệt phát ra, do đó xe tăng T-90MS có khả năng làm giảm nguy cơ phát hiện bằng kỹ thuật hồng ngoại của đối phương. Khả năng ngắm bắn của T-90 MS cũng được cải thiện đáng kể.
Tiếp theo, vị trí thứ 9 là chiếc T-84 Oplot-M của Ukraine. Được biết, tại Đông Nam Á, Thái Lan đã mua một số lượng lớn những chiếc xe tăng này,
Và cuối cùng của bảng xếp hàng, vũ khí “made in China”, đại diện cho nền công nghiệp quốc phòng đang trỗi dậy và muốn khẳng định chính mình, chiếc Type-99 của Trung Quốc.
Type 99 được Trung Quốc quảng cáo là vua chiến trường của châu Á, hội tụ nhiều tính năng ưu việt của nhiều dòng tăng chiến của các cường quốc quân sự trên thế giới, như Đức, Mỹ, Israel, và đặc biệt là Nga. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, Type 99 chỉ là đứa con lai tạo, không có đặc thù và đầy những khuyết điểm.
Với nhiều trang bị “lỉnh kỉnh” tổng khối lượng của Type 99 lên tới 60 tấn. Khối lượng này được đánh giá là quá nặng so với đa số các loại cầu cống trên lãnh thổ Trung Quốc. Bản thân những chiếc xe tăng nặng nề này cũng không thể tự di chuyển trên khoảng cách xa. Vì vậy, khi cần đưa Type 99 tới chiến trường, việc vận chuyển bằng đường sắt sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, Trung Quốc đã đưa vào trang bị loại pháo 152 mm cho xe tăng Type 99KM, phiên bản mới nhất của Type 99. Loại pháo này có thể bắn tên lửa có điều khiển và đạn động năng thế hệ mới. Tuy nhiên, sự “tham lam” này sẽ khiến Type 99KM vốn nặng nề nay càng trở nên nặng nề hơn (75 tấn). Như vậy, xét về tính cơ động, Trung Quốc đã thua xa các đối thủ khác.
Chưa kể, ngành công nghệ quốc phòng Trung Quốc còn kém xa các cường quốc như Đức, Mỹ, Nga… về tác chiến điện tử, khả năng gây nhiễu và những hệ thống tự hành trên xe tăng. Việc được xếp hạng thứ 10, Trung Quốc có lẽ không nên ấm ức về điều này.
Thực tế, trên thế giới, vũ khí của Trung Quốc không được các cường quốc công nghiệp quốc phòng coi trọng. Tuy Trung Quốc luôn tuyên bố mình đang sở hữu những vũ khí có hiệu quả cao do đi tắt đón đầu, sở hữu những công nghệ hàng đầu thế giới, nhưng thực chất, đó chỉ là sự lai tạp, sao chép.