Vũ khí tầm xa VN và thế giới - Từ cây cung đến tên lửa siêu hạng

Chuyên gia quân sự Minh Quân |

Loại vũ khí có tầm bắn xa nhất trong lịch sử nhân loại là các tên lửa xuyên lục địa, và cùng các loại vũ khí tầm xa khác như pháo, rốc-két,… chúng có chung một ông tổ là cây cung.

Năm 2009, khi hai cường quốc quân sự Nga và Mỹ tái khởi động lại cuộc đàm phán về Hiệp ước START-1 (Hiệp ước về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn 1).

Cả nhân loại đều hồi hộp ngóng trông xem hai “ông lớn” này có tiếp tục chương trình cắt giảm những loại vũ khí tiến công mang đầu đạn hạt nhân như SS-18 Satan hay Pershing-2, Minuteman,… hay không.

Đó đều là những loại tên lửa xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có sức công phá tương đương hàng triệu tấn thuốc nổ TNT và có tầm bay xa hàng chục nghìn ki-lô-mét.

Cho đến giờ thì có lẽ chúng là loại vũ khí có tầm bắn xa nhất trong lịch sử nhân loại và cùng các loại vũ khí tầm xa khác như pháo, rocket,… chúng có chung một ông tổ là cây cung.


Cung, nỏ - vũ khí tầm xa cổ - trung đại vẫn còn được dùng đến tận ngày nay.

Cung, nỏ - vũ khí tầm xa cổ - trung đại vẫn còn được dùng đến tận ngày nay.

Vũ khí tầm xa cổ - trung đại

Cho đến giờ cũng chưa ai biết làm thế nào mà người nguyên thủy đã phát minh ra cung tên, chỉ biết mũi tên cổ nhất được tìm thấy có niên đại vào khoảng 64 ngàn năm.

Đây rõ ràng là một phát minh tầm cỡ trong lĩnh vực vũ khí, lần đầu tiên con người biết lợi dụng sức bật của dây cung để phóng mũi tên đi xa.

Ban đầu, cánh cung thường được làm từ gỗ dẻo hoặc tre già, mũi tên cũng chỉ là tre, gỗ vót nhọn nên hiệu quả đâm xuyên còn thấp. Tiến lên một bước nữa, con người đã biết sử dụng các loại vật liệu khác như xương, đá, đồng, sắt để làm mũi tên.

Ở Việt Nam, các di chỉ khảo cổ từ Phùng Nguyên đến Đồng Đậu – Gò Mun, Đông Sơn, Cổ Loa đều phát hiện thấy nhiều loại mũi tên bằng xương, đá và sau này là mũi tên đồng.

Điều ấy chứng tỏ rằng tổ tiên ta thời xa xưa cũng đã biết chế tạo và sử dụng loại vũ khí tầm xa đầu tiên này của nhân loại.

Khi con người bước ra khỏi chế độ công xã nguyên thủy và chế độ chiếm hữu nô lệ để bước vào chế độ phong kiến thì chiến tranh đã mang một hình thức mới.

Lúc này, cung nỏ vẫn là vũ khí tầm xa duy nhất của các bên tham chiến nhưng nó đã được “hiện đại hóa” với các loại hỏa tiễn – tên cháy, nhị cung, tam cung sàng nỗ - loại nỏ có nhiều cánh, bắn được nhiều mũi tên cùng lúc.

Truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương tuy có nhuốm màu huyền thoại nhưng những hiện vật khảo cổ tìm được ở Cổ Loa cũng chứng tỏ ngay từ thời đó cha ông ta đã có loại vũ khí cung nỏ bắn được nhiều mũi tên một lúc.


Mũi tên đồng tại Thành Cổ Loa.

Mũi tên đồng tại Thành Cổ Loa.

Khi mà chiến tranh đã chuyển từ xung đột giữa các bộ lạc sang hình thức chiếm thành, chiếm đất của thời kỳ phong kiến thì cung nỏ cũng trở nên bất lực trước những thành lũy, cứ điểm quân sự được xây dựng bằng đất, đá.

Nguyên do là bởi lực sát thương của nó quá nhỏ yếu, không thể bắn xuyên qua vật cản.

Để có thể đập tan sự phòng ngự của đối phương sau tường thành, bờ lũy bên tiến công đã sử dụng đến một loại vũ khí mới, đó là máy bắn đá. Đây là loại vũ khí sử dụng nguyên lý đòn bẩy để “ném” một viên đá đi xa, đập vỡ tường thành.

Máy bắn đá gồm có: giá bằng gỗ chôn chặt xuống đất hoặc đặt trên xe di động, một hoặc nhiều cần (gọi là sảo) gắn với giá bằng trục ngang, đầu trên của cần buộc nhiều dây da bền chắc.

Mỗi đầu dây có 1-2 người kéo khi bắn, đầu dưới cần buộc các giỏ đựng đá, vì bắn đá nên có khi nó còn được gọi là Cự thạch pháo.

Máy bắn đá lớn nhất mà sử sách nói đến do quân Nguyên - Mông dùng khi đánh Biện Kinh - kinh đô nước Kim - năm 1234 có 13 cần, dùng 500 người kéo dây, bắn đạn đá nặng 60kg.

Khi con người phát minh ra thuốc súng thì cùng với nó một loại vũ khí tầm xa khác đã ra đời, đó là pháo. Lịch sử ghi nhận khoảng thế kỷ XII, lần đầu tiên ở Trung Quốc người ta đã sử dụng thuốc súng để bắn đạn công thành, khi đó nó được gọi là hỏa pháo.

Khi thuốc súng du nhập vào châu Âu hồi thế kỷ XIII thì ngay lập tức nó cũng được áp dụng vào quân sự, khẩu pháo đầu tiên xuất hiện ở châu Âu là vào khoảng giữa thế kỷ XIII.

Thế kỷ XV ở Việt Nam, Hồ Nguyên Trừng đã chế tạo ra Thần cơ sang pháo có uy lực mạnh, tầm bắn xa là một trong những vũ khí lợi hại thời đó.

Tất nhiên, pháo thời đó không giống pháo hiện đại ngày nay, đây là những loại pháo có nòng bằng đồng, bằng sắt đúc rất dày, bệ pháo thường được chôn cố định xuống đất hoặc đặt trên giá cứng.

Dù tầm bắn, độ chính xác của pháo lúc này còn hạn chế nhưng nó là loại vũ khí tầm xa có uy lực mạnh nhất trên chiến trường thời ấy và chính nó đã khiến máy bắn đá biến mất vĩnh viễn khỏi chiến trường.


Tên lửa Minuteman-III trong giếng phóng.

Tên lửa Minuteman-III trong giếng phóng.

Vũ khí tầm xa cận - hiện đại

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất cuối thế kỷ XVIII với sự ra đời của máy hơi nước đã mở đường cho cuộc cách mạng trong lĩnh vực vũ khí.

Vũ khí tầm xa của quân đội lúc này chủ yếu vẫn là khẩu pháo, nó đã trở nên một binh chủng không thể thiếu cả trong bộ chiến và hải chiến. Nhiều trận đánh ở châu Âu lúc ấy, thắng thua thường được quyết định bởi bên nào có nhiều pháo hơn hay sử dụng pháo tốt hơn.

Vào thời đó, pháo đã được cải tiến triệt để với nòng bằng thép có rãnh xoắn, giá pháo đã có bộ phận hãm lùi, bộ phận điều chỉnh tầm, hướng. Đạn pháo cũng đã gần giống với đạn pháo ngày nay, có đầu đạn và ống liều.

Những sự cải tiến này đã nâng cao rất nhiều tầm bắn, tốc độ bắn và cả sự chính xác của pháo.

Suốt cả hai thế kỷ XVIII, XIX trong mọi cuộc chiến tranh, xung đột dù vũ khí bộ binh có những bước tiến nhảy vọt nhưng pháo vẫn giữ vị trí độc tôn trong các loại vũ khí tầm xa, không phải bỗng dưng mà nó được gọi là “Thần chiến tranh”.

Sang đầu thế kỷ XX, khi cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra thì các bên tham chiến vẫn chủ yếu sử dụng pháo để công kích địch từ xa.

Phải đến cuối cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai mới xuất hiện một loại vũ khí mới đánh dấu kết thúc cho mấy thế kỷ độc tôn của pháo trong vai trò vũ khí tầm xa, đó là tên lửa.

Nước Đức phát xít là kẻ đầu tiên đã đem tên lửa ra chiến trường. Đây là kết quả nhiều năm nghiên cứu của quân đội Đức, nó có sự đóng góp to lớn của Vôn Bra-un, cha đẻ các loại tên lửa không gian và xuyên lục địa của Mỹ sau này.

Trong những ngày cuối cùng của Hít-le, hắn vẫn luôn tin tưởng vào thứ “vũ khí phục thù” mà nước Đức đang sản xuất, đó là thứ vũ khí nguyên tử được gắn với một loại tên lửa hành trình mang ký hiệu V-2.

Thế nhưng sức tiến công như vũ bão của Hồng quân Liên Xô và Đồng minh đã dập tắt hy vọng của Hít-le.

Hầu hết các tên lửa V-1, V-2 còn nguyên vẹn cùng hàng ngàn tấn nguyên liệu, bán thành phẩm và tài liệu kỹ thuật cũng như nhiều nhà khoa học tên lửa đã bị Đồng minh và Hồng quân Liên Xô thu giữ.

Trên cơ sở đó, lần lượt nhiều loại tên lửa ra đời, được cải tiến, hoàn thiện ngày một tinh vi, hiện đại hơn.


Tên lửa xuyên lục địa Topol-M của Nga.

Tên lửa xuyên lục địa Topol-M của Nga.

Đặc biệt là sau khi cả Mỹ và Liên Xô thành công trong việc sản xuất vũ khí nguyên tử hạt nhân thì người ta bắt đầu tìm cách gắn nó lên tên lửa, biến tên lửa thành vật mang đầu đạn hạt nhân đi xa hàng ngàn, hàng chục ngàn ki-lô-mét.

Cho đến nay, vũ khí tên lửa đã trở thành loại vũ khí tầm xa chủ yếu của tất cả các nước có nền công nghiệp quốc phòng hiện đại và nó cũng chiếm một vị trí quan trọng trong cấu thành lực lượng vũ trang của nhiều quốc gia khác.

Đặc biệt quan trọng là với tên lửa thì khái niệm vũ khí tầm xa đã có những thay đổi đáng kể. Nếu tầm bắn của pháo tối đa chỉ là vài chục ki-lô-mét thì tên lửa đất đối đất tầm ngắn đã có tầm bắn tối đa 500 ki-lô-mét.


Tên lửa đất đối đất tầm ngắn Iskander của Nga.

Tên lửa đất đối đất tầm ngắn Iskander của Nga.

Riêng tên lửa xuyên lục địa có tầm bắn từ 8.000 ki-lô-mét trở lên, như loại tên lửa Titan-II (LGM-25C) của Mỹ còn có tầm bắn lên đến 15.000 ki-lô-mét.

Vũ khí tầm xa từ cây cung đến tên lửa xuyên lục địa là một sự tiến hóa dài, nó gắn liền với quá trình tiến hóa các hình thức kinh tế xã hội cuả loài người, nó phản ánh sự tiến lên của khoa học kỹ thuật trong từng giai đoạn phát triển của nhân loại.

Thuần túy mà xem xét thì là như thế, nhưng người viết bài này vẫn có một băn khoăn: Từ cây cung khi người bắn và kẻ bị bắn đều nhìn rõ mặt nhau đến tên lửa xuyên lục địa mà người bấm nút phóng có khi cách xa mục tiêu của mình hàng chục nghìn ki-lô-mét.

Xét trên khía cạnh khoa học kỹ thuật thì là tiến bộ, nhưng nói đến cùng thì vũ khí nào dù thô sơ nhất hay hiện đại nhất mà chả mang lại chết chóc, đau thương?

Vậy bắn một mũi tên hay bấm nút phóng đi một quả tên lửa xuyên lục địa cũng có khác gì nhau, có khác chăng là mức độ sát thương mà thôi. Như vậy là tiến hóa hay không tiến hóa?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại