Vũ khí siêu vượt âm - Giáo thần xuyên thủng A2/AD của Trung Quốc

Vũ khí siêu vượt âm có thể phá vỡ những lưới phòng không tiên tiến nhất nên Mỹ đã sử dụng nó để xuyên phá chiến lược A2/AD của Trung Quốc.

Mỹ xác định dùng vũ khí siêu vượt âm phá vỡ A2/AD Trung Quốc

Quân đội Mỹ xác định trong vài chục năm tới sự uy hiếp chủ yếu trong các hình thái tác chiến trên thế giới đến từ chiến lược “chống tiếp cận/chống xâm nhập” (A2/AD), đặc biệt là sự tích hợp các hệ thống tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và “hệ thống phòng không tổng hợp” (IADS).

Các đối thủ áp dụng lí luận và chiến lược A2/AD dùng các loại tên lửa để tấn công các căn cứ quân sự trên lãnh thổ đối thủ và ngăn chặn lực lượng hải quân viễn chinh của đối phương tiến vào khu vực tác chiến, sau đó dùng hệ thống ADS đánh bại các đợt tập kích đường không của không quân địch.

Mỹ coi mối đe dọa lớn nhất của chiến lược “chống tiếp cận/khu vực cấm” đến từ tây Thái Bình Dương, mà thách thức lớn nhất là Trung Quốc. Ngoài ra, một số quốc gia khác như Iran và Syria cũng đã triển khai hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm xa và đang xây dựng hệ thống IADS.

Bắc Kinh không chỉ triển khai hàng trăm quả tên lửa đạn đạo tạo thành nhiều tầng lớp tấn công và phòng thủ, mà còn đang đẩy nhanh tốc độ xây dựng hệ thống IADS cực mạnh, trên cơ sở kết hợp tên lửa đất đối không 2 lớp và 3 lớp với các biên đội máy bay chiến đấu khổng lồ.

Vì thế, hiện quân đội Mỹ đang rất coi trọng nghiên cứu, tìm tòi các biện pháp khắc chế và đánh bại chiến lược A2/AD. Tuy khả năng Mỹ và Trung Quốc phát sinh xung đột quân sự là không cao nhưng Mỹ cũng không thể mất cảnh giác, một khi để Trung Quốc xây dựng hoàn chỉnh chiến lược A2/AD thì Mỹ sẽ rất khó xuyên phá.

Hiện nay, quân đội Mỹ đang hình thành ý tưởng về khái niệm “tác chiến xuyên phá liên hợp” là biện pháp tấn công thọc sâu, trực tiếp phá hủy hệ thống mạng lưới C4ISR chỉ huy và điều khiển A2/AD. Thế nhưng, nếu Mỹ sử dụng biện pháp này họ sẽ vấp phải sự phản kích từ trên không, trên biển và trên mặt đất, lại còn phải bay vào khu vực phòng không của IADS.

Mỹ sẽ dùng vũ khí siêu thanh để xuyên phá qua A2/AD Trung Quốc

Mỹ sẽ dùng vũ khí siêu vượt âm để xuyên phá qua A2/AD Trung Quốc

Vì vậy, người Mỹ nhận thấy trong tương lai gần các loại máy bay chiến đấu tàng hình B-2, F-35, F-22 và hệ thống tấn công tầm xa khác, sẽ trở thành một trong các phương án được tính đến; máy bay gây nhiễu ngoài khu vực phòng không; máy bay giám sát và tấn công không người lái trên tàu sân bay (UCLASS) và tên lửa hành trình tầm xa cũng đóng vai trò tương tự.

Nhưng về lâu dài, không có loại vũ khí nào sánh được với các thiết bị bay siêu vượt âm có khả năng tấn công các điểm phóng tên lửa đạn đạo và hệ thống IADS. Tốc độ siêu vượt âm là khái niệm dùng để chỉ một vật thể có khả năng bay với vận tốc tối thiểu là gấp 5 lần tốc độ âm thanh (từ Mach 5 - tương đương 5.800 km/h trở lên).

Theo nhận định của các chuyên gia quân sự, một khi xuất hiện vũ khí tốc độ siêu vượt âm, nó có thể phá vỡ tất cả mạng lưới phòng không được bố trí dày đặc và hiện đại nhất. Được các phương tiện mẹ mang đến gần khu vực phòng không của địch, khi được phóng ra, vũ khí siêu vượt âm sẽ không cho bất kỳ hệ thống đánh chặn nào có cơ hội bắn hạ được nó.

Vì vậy, nhiều quốc gia đã đưa vũ khí siêu vượt âm trở thành lĩnh vực cạnh tranh đỉnh cao về khoa học kỹ thuật quân sự với các cường quốc khác. Chưa thể nói trước là nước nào sẽ thành công, chuyển từ giai đoạn thử nghiệm sang giai đoạn sử dụng công nghệ trên chiến trường, nhưng chắc chắn là ai làm chủ được lĩnh vực này, thì có thể chiếm lĩnh được vị trí số một thế giới về sức mạnh quân sự.

Các thiết bị bay siêu vượt âm bao gồm 3 loại là tên lửa, máy bay và phi thuyền vũ trụ. Để sở hữu những thiết bị này, vấn đề đầu tiên là phải nghiên cứu, chế tạo ra động cơ xung áp (ramjet) vận tốc siêu cao, đây chính là trái tim của những vũ khí siêu vượt âm trong tương lai. Sự ra đời của loại động cơ tĩnh phản lực này được các chuyên gia quân sự gọi là “cuộc cách mạng động lực lần thứ 3”.

Công nghệ tên lửa siêu vượt âm có nhiều ưu điểm vượt trội so với các tên lửa thông thường tốc độ cận âm và siêu âm như: tốc độ tấn công nhanh gấp bội, năng lực xuyên phá qua các hệ thống phòng thủ tên lửa rất mạnh và độ chính xác cực cao. Tên lửa siêu vượt âm sẽ trở thành hạt nhân chiến lược của phương thức tấn công phủ đầu, trong chiến tranh hiện đại tương lai.

Mô tả phần đầu của một thiết bị bay siêu thanh

Mô tả phần đầu của một thiết bị bay siêu vượt âm

Mỹ dự định, trước tiên sẽ sử dụng các vũ khí siêu vượt âm triển khai trên các phương tiện tàng hình, đồng thời tiến hành chiến tranh điện tử và tấn công trên không gian mạng để đánh bại IADS của đối thủ, sau đó mới dùng các vũ khí có tốc độ chậm hơn và khả năng tàng hình kém hơn để tấn công trong giai đoạn tiếp theo.

Các dự án phát triển vũ khí siêu vượt âm Mỹ

Phát triển công nghệ tên lửa hành trình siêu vượt âm tiên tiến phải trải qua rất nhiều nút thắt công nghệ khó khăn, ví dụ như kỹ thuật động lực, tích hợp đầu đạn vào thân tên lửa, vật liệu siêu nhẹ và siêu bền có khả năng quá tải lớn… Trong số các cường quốc hiện đang nghiên cứu chế tạo, Mỹ nước triển khai nhiều kế hoạch nghiên cứu vũ khí siêu vượt âm nhất.

Hiện cả 3 lực lượng hải quân, không quân và Bộ tư lệnh lực lượng phòng thủ tên lửa và vũ trụ (SMDC) Mỹ cũng đều có các chương trình nghiên cứu, thử nghiệm thiết bị bay siêu vượt âm của riêng mình. Tính ra, tổng chi phí của cả 3 lực lượng này đã vượt quá 2 tỷ USD nhưng hiện tất cả các chương trình này đều đang trong giai đoạn thử nghiệm nguyên lý.

Xác định vũ khí siêu vượt âm chính là hạt nhân quan trọng nhất trong phá vỡ chiến lược “chống tiếp cận/chống xâm nhập” (A2/AD) của Trung Quốc, Bộ quốc phòng Mỹ đã trao một hợp đồng trị giá 44 triệu USD cho tập đoàn Miltec (trụ sở tại thành phố Huntsville bang Alabama) vào đầu tháng này, để chế tạo hệ thống vũ khí siêu vượt âm AHW (Advanced Hypersonic Weapon) cho lục quân Mỹ.

AHW là một trong 4 chương trình nghiên cứu vũ khí siêu vượt âm của quân đội Mỹ, được triển khai trong chương trình “Tấn công nhanh toàn cầu” (PGS) của Bộ quốc phòng Hoa Kỳ. PGS sớm đã được Washington sử dụng vào việc tấn công các mục tiêu nhạy cảm như cuộc chiến tranh chống khủng bố toàn cầu và tấn công chớp nhoáng trùm khủng bố vào đầu thế kỷ 21.

Thiết bị bay AHW (Advanced Hypersonic Weapon) do Bộ tư lệnh lực lượng phòng thủ tên lửa và vũ trụ (SMDC) Mỹ kết hợp với Bộ tư lệnh lực lượng chiến lược (ARSTRAT) nghiên cứu, chế tạo. Đây là một thiết bị bay hình nón, có bánh lái, dưới lực đẩy của tên lửa nó có thể đạt độ cao 90 km, sau đó dùng vận tốc gấp 5 lần vận tốc âm thanh (Mach 5) để tấn công mục tiêu có kích cỡ khoảng 9m.

B-2 có thể là phương tiện mẹ mang các vũ khí siêu thanh trong tương lai

B-2 có thể là phương tiện mẹ, mang các vũ khí siêu vượt âm trong tương lai

Thử nghiệm lần đầu vào ngày 17/11/2011 của AHW đã thành công khi nó bay chạm ngưỡng siêu vượt âm với vận tốc đúng bằng Mach 5, trên quãng đường 2.400 dặm Anh (3.860 km). Kế hoạch thử nghiệm lần 2 của AHW sẽ được tiến hành vào tháng 8 năm nay, đến năm 2019 có thể sẽ tiến hành thử nghiệm lần 3. Nếu cuộc thử nghiệm này diễn ra tốt đẹp, có thể coi AHW đã thực sự phát triển thành công.

Vào giữa tháng 9/2012, Tổ chức khoa học công nghệ Australia (DOSTO) đã tiến hành thành công đợt phóng thử nghiệm lần thứ 5 thiết bị bay siêu vượt âm, hợp tác phát triển với Phòng nghiên cứu, thực nghiệm không quân Mỹ (AFRL), trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu, thử nghiệm thiết bị bay quốc tế (Hypersonic Flight International - HIFiRE).

Thiết bị bay thử nghiệm, sử dụng động cơ của hãng Rolls-Royce được phóng đi từ bãi phóng tên lửa thám không Andoya của Na Uy, nó đã đạt tới độ cao cực đại 350 km, sau đó bổ nhào xuống và tiếp tục hành trình bay. Tại khoảng độ cao từ 20,5 km đến 32 km, thiết bị bay đã đạt vận tốc cực đại ở Mach 8 (tương đương 10.000 km/h), phá vỡ mọi giới hạn tốc độ từ trước đến nay.

Mặc dù còn có một số thiết bị bay khác được chế tạo với tốc độ cao hơn, nhưng đó là trên lí thuyết, còn trên thực tế chưa có loại nào thử nghiệm thực địa thành công tới Mach 8 như thiết bị này. Các chuyên gia của Australia và Mỹ đều cho rằng, đợt thử nghiệm thành công này là một cột mốc quan trọng trong việc phát triển thiết bị bay siêu vượt âm.

Không quân Mỹ còn làm chủ dự án chế tạo vũ khí siêu vượt âm đầy tham vọng thứ 2 là X-51 Waverider và đã đạt được những kết quả khả quan. Chương trình phát triển thiết bị bay siêu vượt âm, sử dụng động cơ phản lực tĩnh siêu âm Scramjet do hãng Pratt & Whitney Rocketdyne chế tạo này, đã trải qua tổng cộng 4 lần thử nghiệm liên tiếp, mới thực sự được coi là thành công.

X-51 đã thành công với lần phóng đầu tiên ngày 26/5/2010, khi đã bay tiệm cận vận tốc Mach 5 trong thời gian 3 phút. Lần thử nghiệm thứ 2 năm 2011, X-51 đã không thành công trong khởi động lại động cơ và lần 3 vào ngày 14/8/2012, tên lửa đã bị rơi chỉ sau 16 giây vì mất điều khiển cánh vây. Đến lần thứ 4 thì nó mới đạt được thành công mỹ mãn.

Thiết bị bay siêu thanh X-51 Waverider của Mỹ

Thiết bị bay siêu vượt âm X-51 Waverider của Mỹ

Trong cuộc thử nghiệm lần thứ 4 diễn ra vào ngày 1/5/2013, thiết bị bay siêu vượt âm X-51A Waverider, phóng từ máy bay ném bom chiến lược B-52H đã bay với vận tốc Mach 5 (5.794 km) trong suốt quãng đường dự kiến trong khoảng 300 giây, sau đó ở giây thứ 500 nó được một chiếc dù không động cơ hỗ trợ để đáp xuống bãi thử nghiệm Thái Bình Dương xây dựng ở ở phía Tây bang California.

Một vị quan chức quốc phòng Mỹ tham gia chương trình tiết lộ, X-51 có khả năng tái sử dụng, ngoại hình lại nhỏ hơn nhiều so với các loại tên lửa khác, thậm chí chỉ bằng một nửa, phạm vi tấn công thấp nhất là 5.000 km. Có thể khẳng định là trong tương lai, Waverider sẽ trở thành một loại vũ khí tấn công mặt đất tối ưu hoặc một vũ khí chống vệ tinh giá rẻ, hiệu quả cao.

Sau khi thả hết lượng nổ mang theo, X-51 có khả năng bay trở lại căn cứ. Trong tương lai, nó còn được trang bị thêm khả năng trinh sát thời gian thực, triển khai cấp tốc và tấn công chính xác trong thời gian nhanh nhất. Sự ra đời của thiết bị bay siêu vượt âm Mỹ sẽ cải biến hoàn toàn hình thái chiến tranh tương lai, thay đổi nhịp điệu của chiến tranh tương lai trở lên nhanh hơn, thời gian của cuộc chiến cũng ngắn hơn.

Ngoài ra, Mỹ còn có chương trình phát triển thiết bị bay siêu vượt âm HTV-2 đầy tham vọng của hải quân Mỹ với vận tốc dự kiến là Mach 20. Tuy nhiên, chương trình phát triển HTV-2 đã thất bại thảm hại trong cả 2 lần thử nghiệm. Đến nay, cơ bản là không nghe thấy thông tin gì về việc tiếp tục thực hiện kế hoạch này.

Với 2 dự án “khủng”, không quân Mỹ đã xây dựng kế hoạch trước năm 2020 sẽ hoàn tất quá trình chế tạo một loại vũ khí tấn công tốc độ siêu vượt âm và đến năm 2030 sẽ chế tạo thành công máy bay siêu vượt âm có khả năng đảm nhận nhiệm vụ trinh sát, giám sát, tình báo (ISR) và tấn công để chuyên đối phó với A2/AD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại