Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan - ngài Tomasz Siemoniak, phía Ba Lan thông báo sẽ sớm triển khai gói tín dụng ưu đãi của Chính phủ nước này cho Việt Nam và tăng cường các đoàn trao đổi quốc phòng trong thời gian tới.
Ngay sau khi thông tin trên được công bố đã làm dấy lên nhiều dự đoán về việc Việt Nam sẽ tiếp tục mua sắm các loại vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự của Ba Lan để tăng cường sức mạnh cho quân đội. Vậy nếu nhận định đó là chính xác thì vũ khí nào của Ba Lan tỏ ra sẽ phù hợp với Quân đội Nhân dân Việt Nam?
Tính đến thời điểm này, thương vụ mua bán vũ khí đáng chú ý nhất giữa Việt Nam với Ba Lan là hợp đồng mua lại 40 chiếc cường kích Su-22 ở cả 2 phiên bản Su-22UM3K và Su-22M4 vào năm 2005.
Thương vụ đó được đánh giá là một “món hời” lớn đối với Việt Nam vì số Su-22 của Ba Lan được chuyển giao trong tình trạng khá tốt, đi kèm cả phụ tùng thay thế mà chỉ có giá khoảng 3 triệu USD/chiếc. Với việc bổ sung những máy bay cường kích Su-22 từ Ba Lan, sức mạnh của Không quân Việt Nam đã được tăng cường đáng kể, nhất là trong tình cảnh toàn bộ số tiêm kích đánh chặn MiG-21 sắp hết hạn sử dụng còn Su-27/30 vẫn còn quá ít ỏi.
Máy bay cường kích Su-22M4 của Ba lan
Ngoài hợp đồng nêu trên, Việt Nam và Ba Lan cũng đã gần như đi tới đích trong một thương vụ lớn khác đó là mua lại 150 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72M1. Rất tiếc khác với trường hợp mua Su-22, xe tăng T-72M1 của Ba Lan lại có giá quá cao so với tính năng khiến cho Việt Nam đã phải lắc đầu vào phút chót.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn dự tính mua một lượng nhỏ máy bay trinh sát, tuần tiễu ven biển M-28 Bryza. Tuy nhiên sau một vụ tai nạn xảy ra ngày 4/11/2005 khi huấn luyện khiến 3 người thiệt mạng, Việt Nam đã quyết định không mua loại máy bay này nữa mà chuyển sang lựa chọn CASA-212 và DHC-6.
Máy bay tuần tra, trinh sát M-28 Việt Nam mua từ Ba Lan
Phía Ba Lan cũng tỏ ra khá tích cực khi chào hàng trực thăng W-3A Sokol và tàu tên lửa Molniya 1241.RE (Tarantul) cũ cho phía Việt Nam nhưng rốt cục tất cả đều bị từ chối và thời gian đã chứng minh quyết định khi đó của Việt Nam là hoàn toàn chính xác.
Gần đây Không quân Philippines đã phàn nàn rất nhiều về trực thăng W-3A Sokol với lỗi không thể lắp súng máy lên máy bay và đặc biệt vụ tai nạn mới xảy ra chiều ngày 7/8 khiến cho uy tín của loại trực thăng này có thể nói là gần như không thể cứu vãn. Các tàu tên lửa Tarantul cũ của Ba Lan cũng tỏ ra rất không phù hợp vì Việt Nam đang tự đóng trong nước thế hệ tàu tên lửa Molniya 1241.8 hiện đại hơn rất nhiều.
Trực thăng W-3A Sokol của Ba Lan
Sau khi điểm qua một số vũ khí, khí tài trên thì ứng viên nhiều tiềm năng nhất cho hợp đồng mua sắm quân sự giữa Việt Nam với Ba Lan có lẽ vẫn là máy bay cường kích Su-22.
Hiện tại Không quân Ba Lan đang duy trì phi đội 32 chiếc Su-22 với 26 Su-22M4 và 6 Su-22UM3K. Theo kế hoạch chuẩn hóa vũ khí sang hệ NATO, Ba Lan sẽ chỉ tiếp tục duy trì 16 chiếc Su-22 để phục vụ đến năm 2026, số còn lại sẽ ngừng hoạt động hoặc mang bán lại cho các quốc gia có nhu cầu.
Theo dự kiến, toàn bộ số MiG-21 của Việt Nam sẽ phải nghỉ hưu vào năm 2015, khoảng trống mênh mông do MiG-21 để lại sẽ chưa thể bù đắp trong tương lai gần khi ứng viên tiêm kích nhẹ sáng giá nhất vẫn chưa lộ diện. Giải pháp tình thế đang được áp dụng hiện nay là chuyển một số Su-22 sang làm nhiệm vụ tiêm kích đánh chặn lại làm mỏng lực lượng cường kích đánh biển vốn đã chẳng dồi dào. Do đó, một hợp đồng mua Su-22 second hand thứ hai giữa Việt Nam và Ba Lan rất có thể sẽ lại được ký kết trong thời gian tới.
Su-22 của không quân Ba Lan
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA
Bạn là người yêu màu xanh áo lính, bạn có đam mê tìm hiểu các loại vũ khí - khí tài trang thiết bị quân sự cũng như chiến thuật - chiến lược - chiến sử của quân đội các nước trên thế giới và muốn có nơi để thể hiện những hiểu biết của mình. Hãy gửi bài cho chúng tôi theo địa chỉ [email protected] Chúng tôi sẽ duyệt để đăng tải và trả nhuận bút cho bạn trong vòng 24 giờ. |