Vũ khí Liên Xô có thực sự rẻ hơn vũ khí Mỹ?

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Mặc dù mua về với giá rẻ nhưng Malaysia, một trong những khách hàng của MiG-29, đã phải chi trung bình 5 triệu USD một năm để duy trì hoạt động cho mỗi chiếc.

Trong bất kì lĩnh vực nào cũng có những điều công chúng tin chắc là đúng nhưng thật ra lại không phải là sự thật. Quân sự cũng không phải là ngoại lệ. Hãy cùng điểm qua top 10 kiến thức sai lầm phổ biến trong quân sự.

5. Thiết bị nhìn đêm

Mọi người thường có thói quen gọi chung tất cả các thiết bị nhìn đêm là thiết bị hồng ngoại, và cho rằng chúng có thể hoạt động trong điều kiện hoàn toàn không có ánh sáng. Nhưng thật ra điều này không chính xác.

Loại thiết bị nhìn đêm đầu tiên và cũng là loại phổ biến nhất hiện nay, như loại trang bị cho lính bộ binh, là thiết bị khuyếch đại ánh sáng. Đúng như tên gọi của mình, nguyên tắc hoạt động của loại thiết bị này là khuyếch đại cường độ ánh sáng có sẵn trong môi trường đến ngưỡng mắt người có thể thấy được. Những thế hệ đầu tiên của loại thiết bị này, như trong Chiến tranh Việt Nam, có độ khuyếch đại khoảng 1.000 lần, trong khi các thế hệ mới nhất hiện nay có thể khuyếch đại từ 30.000 đến 50.000 lần, cho phép người sử dụng có thể nhìn rõ chỉ nhờ vào ánh sáng từ các ngôi sao.

Gọi những thiết bị này là thiết bị ‘hồng ngoại’ tuy không chính xác, nhưng cũng không phải hoàn toàn sai. Lí do là vì thiết bị khuyếch đại ánh sáng chủ yếu hoạt động ở dải ánh sáng nhìn thấy được nhưng chúng cũng bao gồm dải cận hồng ngoại, là dải quang phổ chuyển tiếp từ phần ánh sáng nhìn thấy được sang phần hồng ngoại mà mắt thường không thấy được. Do đó ngay cả nhiều tài liệu quân sự cũng gọi những thiết bị này là "hồng ngoại".

Phần lớn hình ảnh công chúng thấy từ thiết bị nhìn đêm là của loại khuyếch đại ánh sáng, với màu xanh lục đặc trưng
Phần lớn hình ảnh công chúng thấy từ thiết bị nhìn đêm là của loại khuyếch đại ánh sáng, với màu xanh lục đặc trưng

Và vì hoạt động dựa trên nguyên tắc khuyếch đại ánh sáng, thiết bị này cũng không có tác dụng trong môi trường hoàn toàn không có ánh sáng, như trong đêm có mây dày, trong phòng kín, hang động…hoặc bởi các điều kiện như sương mù, khói, bụi…Tất nhiên nhược điểm trên có thể được khắc phục bằng cách thêm vào một nguồn phát cận hồng ngoại mà thiết bị có thể thấy được, nhưng lại vô hình với mắt thường. Nhưng nếu đối phương cũng được trang bị kính nhìn đêm thì nguồn phát này có thể khiến người lính dễ bị phát hiện hơn.

Thiết bị hồng ngoại thật sự hoạt động ở dải quang phổ có bước sóng dài hơn nhiều so với thiết bị khuyếch đại ánh sáng. Chúng còn được gọi là cảm biến nhiệt do hoạt động dựa trên sự khác biệt nhiệt độ của các vật thể, không phụ thuộc vào điều kiện ánh sáng, và vẫn có tác dụng trong điều kiện sương mù, bão cát…Những thiết bị này thường được sử dụng trên các phương tiện như máy bay, xe tăng do chúng có giá thành cao và kích thước lớn. Tuy nhiên, những thiết bị thế hệ gần đây đã trở nên nhỏ gọn và rẻ hơn nhiều, cho phép một người lính bộ binh cũng có thể sử dụng chúng.

Hình ảnh thu được từ một thiết bị hồng ngoại
Hình ảnh thu được từ một thiết bị hồng ngoại

6. Vũ khí Liên Xô có giá rẻ hơn của Mỹ

Giá thành khi mua vũ khí chỉ là một phần trong toàn bộ chi phí phải bỏ ra trong toàn bộ vòng đời sử dụng của vũ khí đó. Đôi lúc giá thành thấp đi kèm với tuổi thọ ngắn và chi phí hoạt động, bảo dưỡng cao, chẳng hạn chiến đấu cơ Mig-29 chỉ được thiết kế với tuổi thọ tương đương 2500 giờ bay, trong khi F-16 của Mỹ có tuổi thọ 4.000 giờ bay. Malaysia, một trong những khách hàng mua Mig-29, phải chi trung bình 5 triệu USD một năm để duy trì hoạt động cho mỗi chiếc.

Ngoài ra, mỗi khi Liên Xô sử dụng những công nghệ đột phá để tạo ưu thế trước Mỹ thì nó cũng thường dẫn đến sự leo thang về chi phí. Một ví dụ tiêu biểu những thế hệ tàu ngầm tấn công hạt nhân thuộc Dự án 661 và 705, hay còn gọi là lớp Papa và Alfa. Hải quân Liên Xô khi đó quyết tâm giành ưu thế trước các tàu ngầm Mỹ bằng tốc độ và độ sâu hoạt động. Để đạt được mục tiêu đó, Liên Xô dựa vào nhiều công nghệ mới và mạo hiểm, như chế tạo thân tàu bằng titan thay vì thép, và sử dụng lò phản ứng hạt nhân làm nguội bằng kim lỏng vốn nhỏ gọn hơn lò nước nặng.

Tàu ngầm Dự án 661, lớp Papa
Tàu ngầm Dự án 661, lớp Papa

Titan cứng nhưng lại nhẹ hơn thép, là vật liệu lý tưởng để giúp tăng tốc độ và độ sâu hoạt động. Liên Xô lại là nước nắm giữ phần lớn trữ lượng titan của thế giới. Tuy nhiên kỹ thuật xử lý, chế tạo với kim loại này lại rất khó, như các mối hàn phải được thực hiện trong buồng kín chỉ chứa khí trợ. Liên Xô phải xây dựng nhà máy riêng chỉ dành riêng cho việc chế tạo những tàu ngầm này. Các lò phản ứng kim loại lỏng tuy nhỏ gọn nhưng có độ tin cậy thấp, bảo dưỡng phức tạp. Tàu ngầm sử dụng loại lò phản ứng này cũng cần có cơ sở bảo dưỡng được xây dựng riêng.

Ngoài ra, hàng loạt tai nạn và vấn đề kỹ thuật khiến thời gian phát triển và chế tạo bị kéo dài. Thời gian đưa vào sử dụng giữa chiếc đầu tiên và chiếc thứ 2 mất đến 6 năm, gấp 3 lần thời gian thông thường, do có quá nhiều vấn đề phải giải quyết. Tất cả những yếu tố trên khiến cho toàn bộ dự án trở nên rất đắt đỏ, tổng cộng chỉ có 8 chiếc thuộc 2 loại này được chế tạo, và tất cả đã được cho ngừng hoạt động từ những năm 90. Chúng thường được gọi là "Cá vàng" do sự tốn kém của mình.

Tàu ngầm Dự án 705, lớp Alfa.
Tàu ngầm Dự án 705, lớp Alfa.

Xem thêm:

Phần 1: Mỹ đánh cắp công nghệ tàng hình từ Liên Xô?

Phần 2: "Cha đẻ" thật sự của "Chiến tranh chớp nhoáng"

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại