Các hiệp ước START I và II giữa Mỹ và Liên Xô (sau này là Nga) là một bước tiến lớn trong việc cắt giảm vũ khí hạt nhân và ngăn chặn chạy đua vũ trang giữa 2 cường quốc. Tuy nhiên trong nội bộ của mỗi nước, không phải mọi người đều ủng hộ các hiệp ước này. Phe cứng rắn của cả 2 nước đều cảm thấy START gây "bất công" cho nước mình. Nếu như phe diều hâu tại Mỹ cho rằng START ngăn cản quá trình hiện đại hoá lực lượng hạt nhân và giảm khả năng đối phó với Trung Quốc thì phe này tại Nga cũng cho rằng START trên thực tế làm tăng khả năng Nga bị Mỹ tấn công trước.
Theo đó, sức mạnh hạt nhân thường được thể hiện dưới dạng bộ ba chiến lược: tên lửa chiến lược, tàu ngầm chiến lược và máy bay ném bom chiến lược. Theo ý kiến của một số nhà phân tích Nga, trong tương lai gần, Mỹ sẽ có thể gia tăng ưu thế đối với máy bay ném bom chiến lược, để bù đắp cho việc cắt giảm tên lửa và tàu ngầm chiến lược. Việc gia tăng này có thể nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của START và cho thấy Mỹ vẫn kiên trì với mục tiêu có thể tấn công hạt nhân nước Nga.
Phe "diều hâu" của cả 2 nước đều cảm thấy START gây "bất công" cho nước mình
Học thuyết hạt nhân mới của Mỹ
Học thuyết mới được phát triển từ thời tổng thống Bush con và hoàn thiện trong nhiệm kỳ tổng thống Obama. Nội dung cơ bản của chiến lược hạt nhân mới của Mỹ gồm các điểm chính sau:
- Ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân và việc các nhóm khủng bố sở hữu vũ khí hạt nhân.
- Duy trì khả năng răn đe hạt nhân với số lượng vũ khí hạt nhân bị cắt giảm
- Củng cố khả năng răn đe ở các khu vực, bảo đảm với các đồng minh về sức mạnh hạt nhân của Mỹ.
- Giảm sự phụ thuộc của an ninh quốc gia vào vũ khí hạt nhân
- Duy trì an ninh, an toàn trong việc vận hành, ngăn chặn việc tiếp cận và sử dụng vũ khí hạt nhân trái phép.
Tuy nhiên, điều gây lo ngại cho phía Nga là việc chiến lược mới cũng yêu cầu nước Mỹ sẵn sàng cho tình huống khi sự răn đe không phát huy tác dụng và Mỹ có thể phải sử dụng vũ khí hạt nhân khi không thể "kiềm chế" được đối phương. Nói một cách khác, học thuyết hạt nhân mới yêu cầu Mỹ duy trì khả năng tấn công hạt nhân phủ đầu, thay vì chỉ là khả năng răn đe hạt nhân.
Chiến lược tấn công phủ đầu được hiểu là dùng một lực lượng hạt nhân áp đảo để tấn công, đặc biệt là nhắm vào lực lượng hạt nhân của đối phương, để đối phương không thể đáp trả bằng vũ khí hạt nhân của chính mình. Trong khi đó, chiến lược răn đe mang tính phòng thủ hơn, yêu cầu lực lượng hạt nhân phải có thể nhanh chóng đáp trả khi đối phương tấn công trước. Thiệt hại do đòn đáp trả này phải rất lớn để đối phương phải từ bỏ ý định tấn công trước.
Mục tiêu của gần 2 thập niên cắt giảm vũ khí hạt nhân, bắt đầu với START I năm 1991, là giảm số vũ khí hạt nhân của 2 bên xuống dưới mức cần thiết để có thể áp dụng chiến lược đánh phủ đầu. Duy trì chiến lược này có thể làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân, vì một nước có thể cho rằng sẽ không bị đáp trả nếu ra tay trước. Mặc dù trong học thuyết mới, Mỹ không đề cập cụ thể tên một quốc gia nào, nhưng các chuyên gia Nga cho rằng Mỹ vẫn nhắm đến Nga như là mục tiêu chính.
Cắt giảm và tái vũ trang
Ngoài ra, một điểm nữa gây lo ngại cho phía Nga là việc cắt giảm vũ khí hạt nhân theo START chủ yếu gồm việc tháo rời đầu đạn hạt nhân ra khỏi phương tiện phóng rải và đưa vào kho chứa dự phòng. Vì vậy, vẫn có khả năng số đầu đạn này được đưa trở lại vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Trong khi đó, Mỹ vẫn đang tiến hành các chương trình nâng cấp cho tất cả các loại đầu đạn hạt nhân hiện có được sử dụng trong 3 thành tố chiến lược.
Các loại đầu đạn này bao gồm W78, W87 gắn trên tên lửa đạn đạo liên lục địa; W76 và W88 gắn trên tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm; W61 gắn trên bom thả từ máy bay chiến lược, và W80-1 gắn trên tên lửa hành trình phóng từ máy bay ném bom chiến lược. Nga cũng lo ngại rằng Mỹ đang nghiên cứu giải pháp cho phép hoán đổi các loại đầu đạn được dùng cho thành tố chiến lược này sang thành tố chiến lược khác, qua đó tăng sự linh hoạt khi cần tái tăng cường sức mạnh hạt nhân.
Các thế hệ vũ khí hạt nhân mới
Một điểm nữa khiến các chuyên gia Nga lo ngại là Mỹ đang tiếp tục phát triển các loại vũ khí hạt nhân mới với độ linh hoạt và chính xác cao hơn, nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của START. Nhờ đó Mỹ có thể âm thầm làm nghiêng cán cân hạt nhân về phía mình và đặt Nga vào thế bất lợi.
Một trong những loại vũ khí mới đó là bom hạt nhân B61-12, được phát triển dựa trên loại bom hiện có là B61-4. B61-4 có khả năng tuỳ biến sức công phá, với 4 mức là 0.3, 1.5, 10 và 45 kiloton. Phía Nga cho rằng B61-12 có thể có mức công phá tuỳ biến nhỏ hơn nữa. Việc vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp có thể khiến nó được dùng trong chiến tranh phi hạt nhân như một loại vũ khí thông thường.
Ngoài ra, B61-12 sẽ được trang bị công nghệ dẫn đường bằng vệ tinh, tương tự như các loại bom thông minh hiện nay, cho phép nó đạt độ chính xác chỉ vài mét từ mục tiêu. Tăng độ chính xác của vũ khí trên thực tế là cách duy trì, thậm chí tăng sức mạnh tổng thể của kho vũ khí hạt nhân trong điều kiện số lượng vũ khí giảm xuống. Mỹ có thể đạt được cùng mức độ huỷ diệt với số lượng đầu đạn ít hơn. B61-12 dự kiến bắt đầu được sản xuất vào 2019.
Một hướng phát triển khác có thể làm thay đổi cán cân hạt nhân là thế hệ tên lửa hành trình mới thay thế cho Tomahawk. Đặc điểm của thế hệ mới này là có ứng dụng công nghệ tàng hình khiến cho đối phương khó phát hiện tên lửa hơn. Bên cạnh đó, việc Mỹ đang đầu tư mạnh cho việc phát triển công nghệ siêu thanh, từ Mach 5 – Mach 10, cũng làm Nga lo ngại. Tàng hình và siêu thanh đều có nghĩa là phía Nga ít có thời gian phản ứng hơn khi bị tấn công trước, qua đó tăng nguy cơ bị tấn công phủ đầu.
Và tất nhiên là những thế hệ vũ khí này có thể được sử dụng chung với các loại máy bay tàng hình hiện có hoặc trong tương lai của Mỹ, bao gồm B-2, F-22 hay máy bay ném bom thế hệ mới (thay thế B-2). Tóm lại, trong khi đang cắt giảm 2 thành tố tên lửa và tàu ngầm chiến lược, Mỹ đang mở rộng thành tố thứ 3 là máy bay ném bom chiến lược và các loại vũ khí đi kèm.
Thay đổi cán cân hạt nhân
Hướng đi này bị một số chuyên gia Nga xem là cách Mỹ lợi dụng quá trình cắt giảm hạt nhân để làm lợi cho mình. Vì máy bay chiến lược và vũ khí đi kèm có thể được sử dụng cho cả chiến tranh thông thường và chiến tranh hạt nhân, ngoài ra đó cũng là thành tố mà Mỹ luôn có lợi thế từ lâu. Trong khi đó, 2 thành tố còn lại hầu như không có tác dụng trong chiến tranh thông thường, và là 2 thành tố mà Mỹ không có lợi thế trước Nga.
Việc tăng độ chính xác, tốc độ, khả năng tàng hình cho các loại vũ khí hạt nhân tấn công từ trên không có thể khiến nước Nga dễ bị tấn công hạt nhân phủ đầu. Việc các hiệp ước START có phạm vi điều chỉnh đối với các loại tên lửa liên lục địa và tên lửa phóng từ tàu ngầm, nhưng lại không ảnh hưởng đến các loại tên lửa hành trình mới có thể được triển khai từ máy bay ném bom tàng hình được xem là "bất công" cho phía Nga và sẽ làm thay đổi cán cân hạt nhân giữa 2 cường quốc.