Tu-22M3 được đánh giá là một trong 2 loại oanh tạc cơ tốc độ siêu âm mạnh nhất của Liên bang Nga hiện nay.
Tu-22M3 có trần bay lên đến 25.000m và phạm vi hoạt động 4.000 km. Nếu được một máy bay tiếp liệu hỗ trợ, tầm hoạt động của nó có thể lên đến 6.000 km. Với các hệ thống radar và trang thiết bị cực kì tinh vi, hiện đại, Tu-22M3 có thể phát hiện ra bất kỳ mục tiêu nào trong phạm vi 1.000km. Do đó, nó còn được so sánh như một chiếc máy bay cảnh báo sớm nhưng lại được trang bị một hệ thống vũ khí cực kì đáng sợ, đặc biệt là tên lửa diệt không đối hạm Raduga Kh-22M (được NATO định danh là AS-4 “Kitchen”).
Tu-22M3 được trang bị hệ thống radar kiểm soát hỏa lực tấn công mới, đây là một phiên bản nâng cấp từ dòng radar cũ của gia đình BackFire là loại Leninets PNA-B. Leninets PNA-B được nâng cấp từ PNA-D, sử dụng công nghệ sóng doppler song song bị động, có khả năng phát đi các luồng xung điện từ nhằm xác định độ cao thấp của địa hình và có thể “xé toạc” mọi lớp vỏ ngụy trang của bất kỳ kẻ thù nào bên dưới mặt đất hoặc các tàu nổi trên mặt biển.
So với Tu-160 “Black Jack”, Tu-22M3 chưa được trang bị hệ thống radar định hình khu vực và vẽ bản đồ ảo nhằm xác định các mục tiêu trong bán kinh rộng bằng công nghệ TFR nhưng lại được trang bị hệ thống radar phản hồi tín hiệu SMKRITs, với công nghệ số hóa và vẽ hình ảnh 3D của bất kỳ mục tiêu nào mà nó phát hiện.
Radar này lại được liên kết với hệ thống vệ tinh satcom và hiện nay là GLONASS nên khó có mục tiêu nào chạy thoát khỏi tầm kiểm soát của nó. Ngoài ra, Tu-22M3 còn được trang bị hệ thống radar điều khiển dẫn đường quang-điện, kết hợp giữa hệ thống ngắm quang học và hệ thống ngắm-dẫn đường điện tử, nhằm chỉ dẫn cho các tên lửa và bom thông minh có một đường đi chính xác nhất. Toàn bộ thiết bị này đều hoạt động theo cơ chế module và liên kết trực tiếp thông qua các module phụ trợ nhằm chia sẻ với nhau và được kết nối đến 1 màn hình LCD để các phi công có thể đưa ra quyết định tấn công kịp thời nhất.
Tu-22M3 được cải tiến để mang nhiều loại bom thông minh và tên lửa dẫn đường tầm xa. Các loại bom được gắn bên trong giá treo bom và các tên lửa được gắn trên 2 cánh chính của nó. Các tên lửa tiêu chuẩn là ASM và tên lửa chống bức xạ (ARM).
Các biến thể ASM được trang bị trên Tu-22M3 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân 150kiloton vào các tên lửa Raduga Kh-22M. Tuy nhiên, các tên lửa hành trình mang tầm xa mang đầu đạn hạt nhân được chứa trong một khoang nằm phía trên khoang chứa bom sử dụng ổ quay và mang được tới 6 quả Raduga Kh-22M mang đầu đạn hạt nhân.
Thiết kế ổ quay này được gọi là Dal’naya Aviatsia, được Tupolev thiết kế để có thể mang được cả bom thông thường, bom mang đầu đạn hạt nhân và tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân. Loại ổ quay này có thể quay được 360 độ và gắn được nhiều loại vũ khí với nhau. Khoang chứa tên lửa thông thường sử dụng loại Kh-15 (được NATO định danh là AS-16 “Kickback” ) là một phiên bản tên lửa không đối đất nhằm tiêu diệt các mục tiêu trên đất liền.
Loại tên lửa AGM này được đánh giá là đồng cấp với loại AGM-69A RAM được sử dụng trên F-111A và B-52H. Cũng như các loại oanh tạc cơ của phía Hoa Kỳ, Tu-22M3 mang một lượng lớn bom thông minh, nó có khả năng mang đến 9 quả FAB-250 trọng lượng 250kg, 69 quả bom nhỏ và có thể nạp liên tục 5 quả phụ trợ trong mỗi lần oanh tạc. Ngoài ra, Tu-22M3 có thể mang tới 8 trái bom FAB-250 mang đầu đạn thông thường nặng 500kg hoặc đầu đạn hạt nhân 300 kiloton.
Bên cạnh đó, Tu-22M3 còn mang được các loại biến thể khác như KAB-500L 500kg hoặc KAB-1500L trọng lượng lên đến 1500kg đều sử dụng đầu dẫn qua hệ thống vệ tinh GLONASS.
Xem thêm:
Phần 1: Vì sao Không quân Trung Quốc thèm muốn Tu-22M3 “Backfire C”?
Phần 2: 'Thần chết' từ trên không Tu-22M-3 'BackFire C'