Một trong những bất cập lớn nhất khi sử dụng tàu ngầm là chúng dành hầu hết thời gian hoạt động dưới nước nên khó có thể liên lạc với các lực lượng khác để nắm được những thông tin mới nhất về vị trí của đối phương.
Trong những cuộc chiến tranh tổng lực, hỏa lực mạnh và khả năng tàng hình đã biến tàu ngầm trở thành phương tiện tác chiến uy lực nhất. Tuy nhiên, nếu giải quyết được vấn đề trên thì tàu ngầm còn trở nên đáng gờm hơn nhiều.
Dựa trên ý tưởng này, Hải quân Mỹ đã tiến hành một chương trình phát triển vũ khí tiên tiến chống lại các mục tiêu di dộng dành cho tàu ngầm, được gọi tắt là Awesum. Trong đó, một phương tiện bay không người lái cỡ nhỏ được thiết kế để có thể phóng đi từ tàu ngầm và duy trì thời gian hoạt động tối thiểu 1 giờ trong không trung. Nó có nhiệm vụ xác định mục tiêu và truyền tín hiệu trở lại cho tàu ngầm, thông qua hệ thống thu phát tín hiệu sóng vô tuyến gắn trên ở cột ăng-ten nhô lên trên mặt nước của tàu ngầm.
Phương tiện không người lái Awesum có nhiệm vụ xác định mục tiêu và truyền tín hiệu trở lại cho tàu ngầm (Ảnh minh họa)
Chuẩn Đô đốc David Johnson, người chịu trách nhiệm giám sát quá trình sản xuất tàu ngầm của Mỹ đã trình bày chi tiết về dự án Awesum trong một cuộc họp hồi tháng 10 tại bang Virginia. Công tác thử nghiệm sẽ tiến hành tới năm 2015.
Theo Johnson, Awesum rất hiệu quả để đối phó với đối phương trong môi trường “chống tiếp cận/chống xâm nhập”. Đây chính là chiến lược mà Trung Quốc đang sử dụng.
Bản chất của thiết bị này là các robot nhỏ bé có thể len lỏi xuyên qua hệ thống phòng không của đối phương và chỉ điểm các mục tiêu, cung cấp dữ liệu cho phép tàu ngầm sử dụng tên lửa hành trình để tấn công tiêu diệt chúng. Tất cả quy trình trên có thể diễn ra mà tàu ngầm không phải nổi lên mặt nước.
Awesum có chiều rộng chỉ khoảng 3 inch (7,62cm), là phương tiện bay không người lái hình trụ, chạy bằng pin, được phóng từ dưới nước và đẩy lên trên không qua một ống nhỏ. Với khả năng hoạt động lên tới 1 giờ và dẫn đường bằng GPS, Awesum sẽ nhanh chóng truyền dữ liệu trở lại hệ thống ăng ten đa chức năng OE-538 trên tàu ngầm.
Theo Johnson, phương tiện bay không người lái Awesum có thể được phóng nối tiếp nhau theo cùng một hướng để tạo nên một chuỗi mắt xích. Chiếc Awesum đi sau có thể nhận và chuyển tiếp tín hiệu từ chiếc đi trước để có thể nhanh chóng truyền tín hiệu trở lại tàu ngầm.
Vấn đề định vị mục tiêu tấn công cho tàu ngầm ngày càng trở nên cấp thiết trong những năm gần đây khi Mỹ xoay trục sang châu Á, điều chuyển lực lượng hải quân sang khu vực Thái Bình Dương, đối đầu với một quân đội Trung Quốc hiếu chiến và được vũ trang mạnh mẽ.
Các tổ hợp radar di động phức tạp và các hệ thống tên lửa tầm xa của Trung Quốc đã tạo một vùng phong tỏa kéo dài từ bờ biển Trung Quốc để chặn các tàu chiến và máy bay Mỹ tiếp cận.
Do đó, chỉ có tàu ngầm mới đủ khả năng tàng hình để tiếp cận gần hơn với các hệ thống phòng thủ nói trên của Trung Quốc và triển khai phương án tiêu diệt chúng, dọn đường cho các lực lượng khác của Mỹ tấn công. Để thực hiện điều này, tàu ngầm của Mỹ cần đến các UAV như Awesum.
Nếu chương trình Awesum thành công, Hải quân Mỹ có thể nhanh chóng triển khai chúng trên khoảng 50 tàu ngầm tấn công trong thời gian ngắn, biến chúng trở thành những "sát thủ" tiêu diệt mọi mục tiêu.