Vũ khí bí mật nào giúp Hàn Quốc vô hiệu hóa pháo binh Triều Tiên?

Bạch Dương |

Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, loạt đạn pháo của Triều Tiên bắn sang đã bị chặn lại bởi hệ thống phòng thủ tên lửa nên không gây ra bất cứ thương vong nào.

Hãng thông tấn Yonhap ngày 20/8 đưa tin, quân đội Triều Tiên đã bắn đạn pháo vào đơn vị quân đội Hàn Quốc ở khu vực biên giới, tiếp tục làm leo thang căng thẳng giữa hai miền.

Tuy nhiên những loạt đạn pháo của Triều Tiên đã bị chặn lại bởi hệ thống phòng thủ tên lửa nên không gây ra bất cứ thương vong nào.

Câu hỏi được đặt ra hiện nay là vũ khí nào đã giúp Hàn Quốc vô hiệu hóa sức mạnh pháo binh Triều Tiên một cách dễ dàng đến vậy?

Đó rất có thể là hệ thống Iron Dome (Vòm Sắt) do Israel nghiên cứu phát triển vì hiện nay trên thế giới không tổ hợp phòng thủ nào có được tính năng ưu việt như vậy.

Một khẩu đội Vòm sắt đang phóng đạn đánh chặn mục tiêu

Một khẩu đội Vòm Sắt đang phóng đạn đánh chặn mục tiêu

Iron Dome là hệ thống tên lửa phòng thủ do Rafael Advanced Defense Systems phát triển, nó được thiết kế để đánh chặn và phá hủy tên lửa đạn đạo tầm ngắn cũng như đạn pháo bắn từ khoảng cách 4 đến 70 km và có quỹ đạo sẽ đưa chúng đến một khu vực đông dân cư.

Với khả năng bao quát vùng lãnh thổ rộng tới 150 km2, mỗi tiểu đoàn Iron Dome bao gồm 1 trạm radar đa nhiệm (phát hiện, theo dõi, dẫn bắn), trung tâm chỉ huy hỏa lực và 3 bệ phóng với 20 đạn tên lửa đánh chặn Tamir cho mỗi bệ.

Điểm đặc biệt của Iron Dome nằm ở chỗ tổ hợp vũ khí này có thể tính toán ra điểm rơi của tên lửa mục tiêu. Nếu tên lửa đối phương không hướng vào các khu dân cư, Iron Dome sẽ không kích hoạt tên lửa đánh chặn.

Mới đây Rafael đã giới thiệu phiên bản Iron Dome Block 2 với radar theo dõi và dẫn bắn mạnh hơn do công ty Elta Systems (một chi nhánh của Tập đoàn IAI) phát triển. Nhờ nâng cấp trên, hiệu suất đánh chặn của Iron Dome được nâng lên tới 90%.

Pháo phản lực phóng loạt M1989 cỡ 240 mm của Triều Tiên

Việc Hàn Quốc chặn được hầu hết đạn pháo của Triều Tiên bắn sang là điều rất bất ngờ vì hiện chưa có thông tin cho thấy họ đã nhận được hệ thống Iron Dome từ Israel.

Tuy nhiên với mối quan hệ quốc phòng khá khăng khít giữa hai nước, nhiều khả năng Hàn Quốc đã bí mật mua các hệ thống Iron Dome cùng với đợt chuyển giao tên lửa chống tăng Spike.

Như vậy, đây lại là một chiến công tiếp theo của Vòm Sắt sau màn thể hiện ấn tượng trong chiến dịch Pillar of Defense (2012).

Khi đó Iron Dome đã đảm bảo đánh chặn hầu như toàn bộ các đòn trả đũa của lực lượng Hezbolla, những quả đạn bắn được tới đất Israel thì đều rơi vào những mục tiêu ít giá trị.

Mặc dù có ý kiến cho rằng Hàn Quốc đã "ăn may" khi pháo binh Triều Tiên không bắn cấp tập ở quy mô lớn, nhưng một điều cần phải tính đến đó là "Vùng bảo vệ" theo định nghĩa của Israel và Hàn Quốc là khác nhau.

Với số lượng pháo, cối ít ỏi của Hezbolla thì vùng bảo vệ mà Israel đặt ra sẽ là toàn bộ diện tích các thành phố lớn, nơi tập trung đông dân cư. Còn để đối phó với lực lượng pháo binh hùng hậu của Triều Tiên thì Hàn Quốc không thể dàn trải lực lượng như vậy.

Họ sẽ phải tập trung hỏa lực và cài đặt chế độ ưu tiên bảo vệ các sở chỉ huy, cụm tập trung quân, trận địa pháo, tên lửa, radar hay những điểm sơ tán dân cư...

Vòm Sắt hoàn toàn đủ khả năng bảo vệ an toàn hay chí ít là giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất cho những khu vực trên, vì tỷ lệ đạn pháo bắn trúng địa điểm hẹp bao giờ cũng là con số nhỏ so với tổng số lượng đạn được bắn ra.

Rõ ràng với Iron Dome, quân đội Hàn Quốc đã có trong tay một thứ vũ khí vô cùng hữu hiệu để chống lại lực lượng pháo binh hùng mạnh hàng đầu thế giới của Triều Tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại