Mới đây kênh truyền hình Sky News của Anh đã phát đi một đoạn phóng sự, trong đó có cảnh các chuyên gia vũ khí của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS đang tiến hành hoán cải những quả đạn không đối không chiến lợi phẩm thành tên lửa đất đối không.
Quá trình tên lửa không đối không được IS hoán cải thành đất đối không
Căn cứ vào ký tự trên thân và hình dáng của quả đạn xuất hiện trong video, đây chính là tên lửa không đối không K-13 (R-13M), một bản sao do Liên Xô thực hiện dựa trên nguyên mẫu AIM-9 Sidewinder của Mỹ.
Hiện vẫn chưa rõ tại sao loại tên lửa này lại lọt vào tay phiến quân IS, nhưng nhiều khả năng đó là chiến lợi phẩm thu được từ các kho vũ khí của quân chính phủ Syria.
Tên lửa không đối không K-13
Tên lửa Vymel K-13 chính thức phục vụ trong Quân đội Liên Xô từ năm 1960, nó có tầm bắn nằm trong khoảng 0,9 - 7 km (tầm bắn hiệu quả 2 km), tốc độ tối đa Mach 2,5, mang theo đầu đạn nổ phá mảnh nặng 11,3 kg và sử dụng cơ chế dẫn đường hồng ngoại.
Không biết IS làm cách nào để sử dụng được loại vũ khí hoán cải này, khi tầm bắn từ mặt đất của nó sẽ ngắn hơn rất nhiều so với phóng từ trên không, có lẽ nó chỉ hiệu quả để chống lại trực thăng cũng như máy bay bay thấp.
Thêm vào đó, đầu dò nhiệt trên tên lửa K-13 là loại rất lạc hậu, chỉ bắn được vào bán cầu sau của máy bay chiến đấu chứ không thể khai hỏa ở tư thế đối đầu như những loại tên lửa hiện đại, và lại đang ở trong tình trạng hư hại nặng nề.
Trình độ của các kỹ sư IS và phương tiện trong tay họ chắc chắn không đủ để can thiệp sâu vào cấu trúc đạn mà chỉ có thể phục hồi khả năng hoạt động.
Do vậy, vũ khí này có lẽ chỉ mang yếu tố tinh thần là chính, hiệu quả chắc chắn còn thua xa các loại tên lửa vác vai mà tổ chức khủng bố này đang sở hữu.