Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe hôm 1/4 đã công bố quyết định cho phép xuất khẩu, tham gia hợp tác phát triển và sản xuất vũ khí khi những chương trình này phục vụ hòa bình thế giới cũng như an ninh của Nhật Bản. Đây là bước chuyển từ chính sách cấm xuất khẩu vũ khí vốn kéo dài gần nửa thế kỷ qua, mặc dù hiện tại Nhật chưa cho phép xuất khẩu vũ khí sát thương nhưng chính sách này được dự báo sẽ sớm thay đổi.
Tuy nhiên, khi đã tham gia đầy đủ vào thị trường vũ khí thì với mức giá "trên trời", liệu vũ khí Nhật có cơ hội xuất hiện trong biên chế của Quân đội nhân dân Việt Nam? Dưới đây là giá một số loại vũ khí tiêu biểu của Nhật:
1. Xe tăng chiến đấu chủ lực Type-10: 20 triệu USD
Type-10 là xe tăng chiến đấu tiên tiến nhất của Nhật Bản. Mẫu xe tăng mới lần đầu tiên được công bố năm 2008, năm 2010 bắt đầu trang bị cho Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản. Hiện có khoảng 40 chiếc xe tăng Type-10 đang phục vụ trong lực lượng này.
Type-10 được trang bị pháo nòng trơn 120mm L44 do công ty Steel Works của Nhật chế tạo. Ngoài ra, nó còn được trang bị súng máy M2HB 12,7 mm, súng máy 7,62 mm Type 74. Xe tăng sở hữu động cơ V8 công suất 1.200 mã lực cho phép đạt tốc độ tối đa 70 km/h. Xe có trọng lượng khá nhẹ - 44 tấn.
Xe tăng Type-10 với tính năng chiến đấu cực cao hiện được coi là vua xe tăng Châu Á, nhược điểm duy nhất của Type-10 có lẽ chỉ là chi phí quá cao: gấp gần 5 lần mức giá 4,15 triệu USD của T-90A.
2. Xe tăng chiến đấu chủ lực Type-90: 16 triệu USD
Xe tăng Type-90 được lực lượng phòng vệ Nhật Bản đưa vào sử dụng năm 1990, là loại xe tăng hạng nhất tương đương với bất cứ xe tăng nào được sản xuất bởi các quốc gia hàng đầu trên thế giới. Pháo Rheinmtall của Type-90 cùng loại với pháo trên xe tăng Leopard-2 của Đức.
Type-90 có nòng pháo giảm giật, bắn được tất cả các loại đạn thông thường và cả đạn tên lửa chống tăng. Type-90 có trọng lượng 50 tấn, được cung cấp năng lượng bởi một động cơ 1.500 mã lực, tỷ lệ năng lượng-trọng lượng đạt 30 mã lực/tấn. Type-90 là một trong những loại xe tăng đầu tiên tiết kiệm được sức người thông qua việc trang bị một hệ thống nạp đạn tự động cho xe.
3. Pháo tự hành 155mm Type-99: 9,5 triệu USD/pháo; 16 triệu USD kèm xe tiếp đạn
Pháo tự hành Type-99 được tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi nghiên cứu phát triển từ năm 1985 để thay thế pháo tự hành 155mm Type-75. Type-99 sử dụng khung cơ sở của xe chiến đấu bộ binh Type-89 với thân xe được kéo dài. Pháo chính của Type-99 áp dụng công nghệ Đức có chiều dài gấp 52 lần đường kính, tầm bắn xa nhất với đạn thường đạt 40 km và lên tới 60 km khi sử dụng đạn tăng tầm. So với vua pháo binh Đức PzH-2000, pháo tự hành Type-99 của Nhật đắt hơn 1,5 triệu USD.
Ngoài ra, Type-99 còn được trang bị 1 súng đại liên 12,7mm, giáp của xe có khả năng chống lại mảnh đạn và các loại vũ khí bộ binh nhẹ.
4. Máy bay chiến đấu F-2: 127 triệu USD
Máy bay chiến đấu đa năng Mitsubishi F-2 được phát triển từ nguyên mẫu F-16 của Mỹ. Hiện nay, không quân Nhật đang duy trì hoạt động 94 chiếc F-2. F-2 có ngoại hình tương tự F-16 với đôi cánh delta, cửa hút gió làm mát động cơ đặt ở dưới thân máy bay. Về kích cỡ, F-2 có diện tích cánh, cửa hút gió và cánh đuôi đều lớn hơn nguyên mẫu F-16. Một số bộ phận máy bay làm bằng vật liệu composite giúp giảm khối lượng tổng thể.
F-2 được trang bị một pháo 20mm M61A1 trong thân dùng cho không chiến tầm cực gần. Trên thân và cánh máy bay có 13 điểm treo mang được 8 tấn vũ khí gồm: tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9L (hoặc AAM-3 của Nhật), đối không tầm trung AIM-7F/M (hoặc AAM-4 của Nhật), tên lửa không đối hạm Type 80 (tầm bắn 50km) hoặc Type 93 (tầm bắn 170km), bom có điều khiển. F-2 trang bị một động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy F110-GE-129 cho phép đạt tốc độ Mach 2, tầm bay gần 1.000km, trần bay 18.000m.
Một số phi công Mỹ khi bay thử trên F-2 đã đưa ra những đánh giá rất tích cực và cho rằng mẫu tiêm kích này của Nhật đã vượt xa F-16 của chính quân đội Mỹ, cái giá của sự cải tiến trên F-2 là 30 triệu USD chênh lệch so với F-16E/F Block 60.
5. Trực thăng chiến đấu OH-1 Ninja: 45 triệu USD
OH-1 Ninja là phiên bản trực thăng vũ trang được thiết kế với 2 phi công điều khiển. Mỗi thành viên trong kíp lái dử dụng 2 màn hình hiển thị đa chức năng để điều khiển bay, thiết bị trinh sát và vũ khí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Máy bay có chiều dài 11,6m; cao 3,8m; trọng lượng không tải 2.450 kg; trọng lượng cất cánh 4.000 kg. OH-1 có tầm hoạt động tối đa 550 km, trang bị 4 tên lửa không đối không, tên lửa chống tăng Toshiba Type 91.
6. Tàu ngầm AIP Soryu: 700 triệu USD
Tàu ngầm diesel lớp Soryu được trang bị 4 động cơ Stirling 4V-275R Mk-III hoạt động không cần không khí do tập đoàn công nghiệp nặng Kawasaki nghiên cứu chế tạo. Tàu có thể chạy với tốc độ 24 km/h khi nổi và 37 km/h khi lặn. Tàu ngầm tấn công lớp Soryu có lượng giãn nước 2.900 tấn, chiều dài 84m, cao 9,1m.
Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi chống hạm cỡ 533mm, loại ngư lôi phổ biến có thể dùng là Type 89. Ngoài ra, tàu ngầm lớp Soryu còn được trang bị tên lửa đối hạm UGM-84 Harpoon.
Hiện rất nhiều nước trong khu vực châu Á đã tỏ ý quan tâm đến Soryu trong đó có cả Malaysia - quốc gia trước đó đã mua tàu ngầm AIP Scorpène của Pháp với giá 450 triệu USD.
7. Tàu đổ bộ Osumi LPH: 300 triệu USD
Tàu đổ bộ trang bị trực thăng (LHP) Osumi được cải tiến trên cơ sở tàu đổ bộ tăng (LST). Tàu có lượng giãn nước toàn tải 14.000 tấn; dài 178m; rộng 25,8m; mớn nước 17m; thủy thủ đoàn 135 người. Tàu có thể chở được 2 tàu đổ bộ đệm khí, 10 xe tăng và 300-1.000 lính.
Trong năm tài chính 2014, Bộ quốc phòng Nhật Bản sẽ chi khoảng 190.000 USD cho việc nghiên cứu cải tiến Osumi để tàu có thể mang được xe chiến đấu đổ bộ AAV-7A1 và máy bay vận tải MV-22 Osprey của Mỹ.
8. Tên lửa chống tăng Type-96: 200.000 USD
Tên lửa đa năng chống tăng/ xuồng đổ bộ Type-96 được sử dụng bởi lục quân Nhật, là tên lửa đầu tiên sử dụng giao diện điều khiển kỹ thuật số hoàn chỉnh. Tên lửa Type-96 có đầu đạn rất lớn đủ khả năng tiêu diệt tất cả các loại xe tăng hiện nay và nó cũng có thể sử dụng để chống máy bay trực thăng.
Tên lửa có thể phóng theo chiều thẳng đứng và được điều khiển thông qua màn hình hiển thị ảnh hồng ngoại trong xe phóng, một sợi cáp quang kết nối giữa camera hồng ngoại của tên lửa với hệ thống dẫn đường. Type-96 mặc dù vẫn chỉ là tên lửa chống tăng bán tự động thế hệ 2 nhưng lại có giá đắt cao hơn 80.000 USD so với tên lửa chống tăng thế hệ 3 Javelin của Mỹ.
Thông số cơ bản: dài 2m; đường kính 160mm; trọng lượng 60 kg; tầm bắn tối đa 25 km.
9. Tên lửa chống tăng Type-87 Chu-MAT: 1,2 triệu USD cho 1 bệ phóng và 2 tên lửa
Type-87 là tên lửa chống tăng bán tự động dẫn đường bằng laser của Nhật Bản. Loại tên lửa này được trang bị cho lực lượng Phòng vệ mặt đất để sử dụng ngoài chiến tuyến. Tên lửa thường được gắn trên xe jeep Mitsubishi Type-73 hay xe bọc thép nhẹ Komatsu LAV. Vai trò và tính năng của Type-87 Chu-MAT tương tự như TOW-2B của Mỹ nhưng TOW-2B với bệ phóng và 2 tên lửa có giá chỉ 320.000 USD.
Thông số cơ bản: trọng lượng 12 kg; chiều dài 1,1m; đường kính 110mm; tầm bắn 2.000m; kíp chiến đấu 3 người.
Vũ khí - khí tài của Nhật luôn được đánh giá cao nhờ tính năng tiên tiến và chất lượng tin cậy nhưng với mức giá quá đắt như trên, cơ hội để Việt Nam có thể sở hữu vũ khí Nhật gần như là không có.