VN tham gia dự án 1 tỷ USD sản xuất tên lửa đối hạm Kh-35UE?

Bình Nguyên |

Theo báo Tiền Phong, Nga đã chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa đối hạm Kh-35 cho Việt Nam từ năm 2012.

Số tàu chiến tăng nhanh đòi hỏi lượng lớn tên lửa diệt hạm

Trong vài năm vừa qua, lực lượng tàu tên lửa của Hải quân Việt Nam đã có sự thay đổi lớn cả về chất và lượng, với 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 và 6 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya (Dự án 1241.8).

Trong tương lai gần, số lượng tàu sẽ còn tăng nhanh với nhiều lớp tàu hiện đại xuất xứ từ cả Nga và Phương Tây.

Theo kế hoạch, Quân chủng Hải quân có thể sẽ có ít nhất 6 tàu Gepard 3.9, 12 tàu Molniya - trong đó có 4 tàu sẽ đóng với cấu hình vũ khí trang bị hiện đại hơn.

Có một điểm chung là tất cả các tàu mới tiếp nhận dù nhập nguyên chiếc từ Nga hay tự đóng trong nước, kể cả tàu tên lửa tấn công nhanh BPS-500 duy nhất của Việt Nam đều chỉ dùng một loại tên lửa diệt hạm cận âm Kh-35E.

Do vậy, song song với số tàu tên lửa tăng nhanh, lượng tên lửa diệt hạm nhập khẩu cũng tăng tương ứng. Cụ thể, theo thống kê của SIPRI, Việt Nam đã đặt mua tổng cộng 400 đạn tên lửa Kh-35E, đến hết 2014 đã có 128 quả được chuyển giao.

Vậy tên lửa Kh-35E có gì đặc biệt đến mức Việt Nam phải mua số lượng lớn, thậm chí cùng hợp tác với Nga để nghiên cứu và sản xuất thế hệ tiếp theo của nó là Kh-35UE với tầm bắn xa hơn, uy lực hơn?

Theo báo Nga, Việt Nam bắt đầu tạo ra năng lực sản xuất tên lửa chống hạm Kh-35UV (có nguồn gọi là Kh-35EV) trong năm 2013.

Theo báo Nga, Việt Nam bắt đầu tạo ra năng lực sản xuất tên lửa chống hạm Kh-35UE (có nguồn gọi là Kh-35EV) trong năm 2013. Nguồn: Báo Đất Việt

Kh-35E - Sự lựa chọn phù hợp

Thứ nhất, Kh-35E có khả năng xuyên thủng các lớp phòng thủ tên lửa của tàu chiến đối phương.

Một trong những ưu điểm nổi bật nhất của loại tên lửa này là có kích thước nhỏ, gọn, diện tích phản xạ radar cực thấp cộng với khả năng bay siêu thấp, bám đỉnh sóng khiến cho các hệ thống phòng thủ của đối phương khó phát hiện và đánh chặn nó.

So với các loại tên lửa diệt hạm cận âm có trong biên chế các quốc gia trong khu vực như Harpoon, Exocet, C-802 thì Kh-35E vượt trội hơn nhiều cho dù tầm bắn 130 km của nó được coi là khá khiêm tốn.

Nhờ kích thước gọn nên cho phép tàu mặt nước nhỏ cũng có thể mang được số lượng đạn rất lớn. Điển hình là các tàu Molniya có thể mang tới 16 đạn tên lửa để cùng lúc tấn công nhiều mục tiêu khác nhau trong thời gian ngắn.

Dù trọng lượng đầu đạn không lớn, chỉ với 145kg, nhưng nó đủ sức tiêu diệt các tàu có choán nước tới 5.000 tấn. Trong trường hợp bị bủa vây bởi chiến thuật "bầy sói", các tàu cỡ lớn hơn vẫn có thể bị đánh chìm nếu trúng cùng lúc nhiều đạn Kh-35E.

Thứ hai, giá khá rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam. Theo nhiều nguồn tin khác nhau, mỗi quả tên lửa Kh-35E có giá vào khoảng 500.000 USD, bằng 1/2, thậm chí chỉ bằng 1/4 mức giá của các loại tên lửa có tính năng tương tự của phương Tây như Harpoon hay Ecoxet.

Việc Việt Nam lựa chọn Kh-35 làm dòng tên lửa diệt hạm chủ lực được đánh giá là sáng suốt, tối ưu hóa được cả yêu cầu tác chiến lẫn điều kiện kinh tế.

Thứ ba, mặc dù khá hiện đại nhưng Kh-35E lại không quá phức tạp đối với trình độ vận hành, bảo dưỡng sửa chữa của Hải quân Việt Nam. Dòng tên lửa này được đánh giá có độ tin cậy cao.

Đồ họa mô hình tên lửa diệt hạm Kh-35UE mà Việt Nam dự kiến sẽ sản xuất

Đồ họa mô hình tên lửa diệt hạm Kh-35UE mà Việt Nam dự kiến sẽ sản xuất

Kh-35E/UE "Made in Vietnam" - Giấc mơ không còn xa vời

Cuối năm 2012, đích thân ông Mikhail Dmitriev - Giám đốc Cơ quan Hợp tác và Xuất khẩu vũ khí Liên bang Nga tuyên bố:

Giám đốc Cơ quan Hợp tác và Xuất khẩu vũ khí Liên bang Nga
Mikhail Dmitriev
Việt Nam sẽ sản xuất tên lửa diệt hạm Uran (Kh-35) dưới sự giúp đỡ của Liên bang Nga. Phương thức hợp tác trong dự án tên lửa này tương tự như mô hình "chung tay nghiên cứu" tên lửa diệt hạm siêu âm BrahMos giữa Nga và Ấn Độ.

Bên cạnh đó, ông Igor Korotchenko - Giám đốc Trung tâm Phân tích Thị trường Vũ khí Toàn cầu của Nga cho biết:

Giám đốc Trung tâm Phân tích Thị trường Vũ khí Toàn cầu của Nga
Igor Korotchenko
Đây là loại tên lửa cận âm hiệu quả cao. Nó có thể vượt qua hệ thống phòng không của bất kỳ lực lượng hải quân nào. Tất nhiên, tên lửa sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, giống như tên lửa BrahMos được liên doanh Nga - Ấn phát triển.

Như vậy, có thể khẳng định loại tên lửa Việt Nam sản xuất sẽ có thiết kế mới dựa trên dòng Kh-35E, có thể là phiên bản Kh-35UE tầm bắn tới 260 km mà Nga giới thiệu cách đây ít lâu.

Tên lửa Kh-35UE kế thừa toàn bộ những đặc tính ưu việt của thế hệ Kh-35E như nhỏ gọn, hành trình bay siêu thấp, đủ sức vượt qua mọi lớp phòng thủ của các tàu chiến hiện đại. Hiệu quả chiến đấu của nó được đánh giá tăng 2 - 2,5 lần so với trước.

Hệ thống điều khiển của tên lửa Kh-35UE được bổ sung thêm phương thức dẫn đường vệ tinh và đầu tự dẫn radar chủ động/thụ động.

Kh-35UE vượt trội hơn ở tầm bắn (260 km so với 130 km), đầu dò chủ động có cự ly trinh sát mục tiêu xa hơn (tới 50 km so với 20 km), đầu đạn có trọng lượng lớn hơn (300 kg so với 145 kg), đủ sức đánh chìm cả tàu khu trục cỡ lớn và là mối đe dọa đặc biệt đối với tàu sân bay.

Theo Tập đoàn Tên lửa chiến thuật Nga (KTRV), họ đã chuyển cho đối tác ít nhất 3 bản thiết kế dành cho các biến thể tên lửa khác nhau theo yêu cầu của phía Việt Nam. Báo cáo của Tập đoàn này cũng cho biết tổng chi phí của dự án có thể lên tới 1 tỷ USD.

Chưa rõ tỷ lệ góp vốn của Việt Nam là bao nhiêu, nhưng chắc chắn tên lửa sẽ được sản xuất ở Việt Nam với số lượng cực lớn, có thể lên tới hàng nghìn quả. Việt Nam cũng sẽ có quyền xuất khẩu cho bất kỳ nước nào có nhu cầu, giống như Ấn Độ với tên lửa Brahmos.

Như vậy, Việt Nam và Nga có thể đang phát triển Kh-35UE thành một "họ" tên lửa với nhiều biến thể như tên lửa hạm đối hạm, không đối hạm, tên lửa diệt radar, tên lửa bờ cơ động hoặc ngụy trang bằng container, tên lửa hành trình đối đất...

Sự đa dạng này sẽ giúp năng lực phòng thủ của Việt Nam tăng đáng kể và có thêm phương án giáng những đòn trả đũa bằng tên lửa hành trình đối đất phóng từ trên không hoặc tàu mặt nước hay từ các tổ hợp tên lửa ngụy trang bằng container hoạt động trên bộ.

Việc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng hoàn thành xây dựng "Quy hoạch Phát triển công nghiệp tên lửa" cho thấy Việt Nam đang chuẩn bị tích cực cho những bước tiến mang tính đột phá trong việc sản xuất vũ khí trang bị thế hệ mới, đặc biệt là tên lửa.

Trong quá trính hoàn thiện thiết kế và nghiên cứu thử nghiệm Kh-35UE, Việt Nam hoàn toàn có thể bắt tay vào lắp ráp hoặc nhận chuyển giao một số công đoạn sản xuất tên lửa Kh-35E nhằm làm quen và nâng cao dần trình độ nguồn nhân lực.

Hy vọng trong tương lai không xa, tên lửa Kh-35UE và các biến thể của nó sẽ được sản xuất hàng loạt ở trong nước và biết đâu 4 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya tiếp theo của Việt Nam sẽ được trang bị loại tên lửa mới đầy uy lực này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại