Dự án tàu hộ vệ tên lửa “Made in Ukraine”
Đã từ lâu lực lượng Hải quân Ukraine vốn đã ở trong tình trạng suy yếu và nghèo nàn do tình trạng tham nhũng cũng như không được quan tâm đầu tư.
Hơn nữa, hầu hết các loại vũ khí trang bị đều có nguồn gốc từ Liên Xô cũ vì vậy, việc cung cấp các thiết bị thay thế sửa chữa là hết sức khó khăn do phần lớn các nhà máy đã đóng cửa hoặc việc cung cấp vật tư vẫn nằm trong tay Nga.
Điều đó đồng nghĩa với việc chỉ một số ít có khả năng thực hiện nhiệm vụ đào tạo, hầu hết các thủ thủy chỉ có lý thuyết suông.
Để từng bước nâng cao khả năng chiến đấu của Hải Quân và tận dụng những công nghệ nắm giữ trong tay nhằm, Ukraine đã tiến hành nghiên cứu và triển khai bản vẽ Dự án tàu hộ vệ tên lửa 58250 đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.
Tàu lần đầu tiên được giới thiệu trong Triển lãm "Arms and Security 2013" do Công ty Xuất khẩu vũ khí GK Ukrspetsexport tổ chức.
Mô hình Tàu hộ vệ tên lửa thuộc Dự án 58250.
Sức chiến đấu đáng nể
Tàu hộ vệ tên lửa thuộc Dự án 58250 có lượng giãn nước 2.700 tấn cùng với tầm hoạt động trên 4000 hải lý, được thiết kế bởi "Trung tâm Nghiên cứu và thiết kế tàu thuỷ" (KP "IPTSK") tại thành phố Mykolayiv. Đây là doanh nghiệp trực thuộc nhà nước Ukraine.
Chiếc đầu tiên đã được khởi đóng vào ngày 17 tháng 5 năm 2011. Theo dự kiến ban đầu, tàu sẽ vào biên chế của hải quân Ukraine vào cuối năm 2015, đầu năm 2016.
Tàu được thiết kể để tiêu diệt các loại tàu mặt nước, hỗ trợ hỏa lực cho các biên đội tàu đổ bộ đường biển, làm nhiệm vụ phòng không và đánh chặn tên lửa, bảo vệ các biên đội tàu chiến và tàu vận tải và có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến đấu khác.
Tàu có thể hoạt động độc lập và khi cần có thể tác chiến trong các biên đội tàu hải quân. Theo một số nguồn tin báo chí của Nga cho rằng, tàu bị ảnh hưởng phong cách thiết kế của hộ tống hạm đề án 20380 được trang bị cho Hải quân Nga.
Hầu hết vũ khí trang bị trên tàu có xuất xứ từ phương Tây như tên lửa đối hạm Exocet MM40 Block3, tên lửa phòng không tầm ngắn Aster-15 (Pháp) hoặc Umkhonto (NAm Phi), ngư lôi MU-90 hay hệ thống đánh chặn tầm gần Oerlikon Millennium, pháo OTO 76/L62.
Trong khi đó, tàu lại có hệ thống điện tử hiện đại có xuất xứ từ cả phương Tây lẫn của Nga.
Mô hình Tàu hộ vệ tên lửa thuộc Dự án 58250.
Có thể không bao giờ hoàn thành?
Tính đến cuối năm 2014, theo sự báo cáo của xưởng đóng tàu Biển Đen “BlackSea Shipyard” thì con tàu đầu tiên đã hoàn thành 43%, lẽ ra con tàu có thể được đóng nhanh hơn nếu như nguồn tiền dành cho dự án được giải ngân nhanh hơn.
Điều này có thể được lý giải bởi bất ổn chính trị xảy ra ở đất nước này vào đầu năm 2014, nhất là sau khi Crimea được sáp nhập vào Nga, cũng như các cuộc biểu tình ở Donetsk và tỉnh Luhansk leo thang thành một cuộc nổi dậy ly khai vũ trang.
Điều này đã khiến Chính phủ Ukraina khởi động một cuộc tấn công chống lại những người ly khai, mà kết quả chưa rõ ràng.
Những sự kiện nói trên đã đưa Ukraine xuống vực thẳm, nợ nước ngoài trên 15 tỷ USD, mặc dù nhiều khả năng, nước này sẽ gia nhập vào Liên Minh Châu Âu (EU) hay thậm chí cả NATO. Nhưng cho tới thời điểm này chưa có gì là đảm bảo cho tương lai của Ukraine.
Và với bối cảnh hiện này thì dự án tàu hộ tống hạm này có thể bị dừng lại vĩnh viễn.
Có phù hợp với Việt Nam?
Lớp tàu này có khá nhiều ưu điểm như tốc độ cao (tới 32 hải lý/h, so với chỉ 28 hải lý/h của Gepard), vũ khí trang bị hiện đại, có thể tùy biến theo yêu cầu của khách hàng, có lượng choán nước vừa phải, dự trữ hành trình dài, thích hợp cho tuần tra hộ tống dài ngày trên biển.
Trong khi đó, Hải quân Việt Nam cũng đang cần thêm những con tàu hộ vệ tên lửa hiện đại có choán nước cỡ 2.000 tấn trở lên như Gepard-3.9 hay Sigma-9814.
Tuy nhiên, cả 2 dự án kể trên đều đang có những vướng mắc nhất định nên tiến độ triển khai chưa được như mong muốn.
Đồng thời, công nghiệp quốc phòng Việt Nam, trong đó có ngành đóng tàu quân sự đã hết sức thành công với dự án tàu TT-400TP khi mua thiết kế sơ bộ và tự hoàn thiện rồi đóng hàng loạt trong nước.
Ngoài ra, Dự án đóng tàu hộ vệ tên lửa Molniya cũng đang được Tổng công ty Ba Son triển khai nhanh chóng, chất lượng cao, góp phần nâng cao thực lực của Hải quân Việt Nam bằng những con tàu hiện đại.
Qua đó khẳng định năng lực đóng mới tàu quân sự hiện đại của Việt Nam đã ở một tầm cao mới.
Về cơ bản nếu Việt Nam ngỏ ý, rất có thể phía Ukraine sẵn sàng bán thiết kế và công nghệ đóng tàu thuộc Dự án 58250. Vũ khí trang bị trên tàu có thể tùy biến theo yêu cầu của khách hàng, trong đó, Việt Nam thường ưu tiên hệ 1 - xuất xứ từ Nga.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là căng thẳng giữa Nga và Ukraine dường như chưa có hồi kết, các bên vẫn cấm vận lẫn nhau. Chính cặp tàu Gepard thứ 2 của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi mối bất hòa này.
Chắc chắn trong một sớm một chiều không thể giải quyết dứt điểm ngay được, nếu quyết mua công nghệ đóng tàu này Việt Nam có thể sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn.
Kể cả trong trường hợp mua tàu Ukraine nhưng dùng vũ khí phương Tây (hệ 2), chắc chắn việc tích hợp những thứ có xuất xứ khác nhau sẽ không hề đơn giản.
Do vậy, hiện vẫn còn quá sớm để hy vọng vào một lớp tàu hộ vệ tên lửa mới, hiện đại do Việt Nam tự đóng dựa trên chuyển giao công nghệ của Ukraine.
Thông số kỹ thuật cơ bản
Lượng choán nước đầy tải: 2.650 tấn; Kích thước (Dài x rộng x mớn nước): 112 x 13,5m x 5,6 m;
Tốc độ tối đa: 32 hải lý/h; Dự trữ hành trình: 30 ngày; Tầm hoạt động: 4000 hải lý;
Vũ khí trang bị (dự kiến):
- Tên lửa: 2x4 tên lửa diệt hạm Exocet MM40 Block3 (180km); 16 tên lửa phòng không tầm trung Aster-15;
- Vũ khí khác: 1 pháo hạm 76/L62 AC Super Rapid - OTO Melara; 2 hệ thống đánh chặn tầm gần Oerlikon Millennium; 2x3 ngư lôi MU-90 324mm; 2 súng máy 12,7mm điều khiển từ xa;
Tàu được trăng bị sàn đáp và hanga có thể tiếp nhận trực thăng hạng trung có trọng tải lên đến 11 tấn;
Trang thiết bị điện tử: Ukraine + Pháp; Động cơ kết hợp diesel gas turbine (CODOG) của Ukraine và Mỹ.