VN có nên chớp thời cơ khi Nga bán công nghệ tên lửa Yakhont?

Bạch Dương |

Thực tế những gì đang diễn ra cho thấy, Hải quân Nga đã gần như không sử dụng tên lửa P-800 Oniks/Yakhont nữa mà chuyển hẳn sang dùng dòng P-900 Kalibr tiên tiến hơn.

Vì sao tên lửa Oniks/Yakhont bị Hải quân Nga "ruồng bỏ"?

P-800 Oniks/Yakhont chính là bước chuyển tiếp giữa những tên lửa hành trình đối hạm siêu âm thế hệ cũ có kích thước đồ sộ, diện tích phản xạ radar và mức độ bộc lộ hồng ngoại lớn cũng như khả năng thao diễn kém (kiểu P-270 Moskit) sang thiết kế mới ưu việt hơn.

Yakhont đã hy sinh một chút tốc độ để đổi lấy khả năng bay thấp (giai đoạn công kích chỉ bay cách mặt biển 10 m so với 20 - 30 m của Moskit), khả năng thao diễn linh hoạt và mức độ tàng hình đều tốt hơn.

Nhưng loại tên lửa này vẫn tồn tại nhược điểm như sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng, buộc phải bay siêu âm toàn hành trình. Do vậy, để đạt tầm bắn tối đa 300 km tên lửa sẽ phải lên tới độ cao 14.000 m rồi mới hạ thấp xuống.

Nguyên nhân chính là do sức cản của không khí: Ở độ cao thấp, do mật độ không khí dày đặc gây sức cản lớn sẽ làm cho tên lửa tiêu hao nhiên liệu rất nhanh.

Đây có thể coi là nhược điểm là chí tử của Yakhont, vì các chiến hạm hiện đại trang bị hệ thống phòng không tầm xa sẽ dễ dàng phát hiện và bắn hạ trước khi nó kịp bước vào hành trình bay thấp.

Còn nếu không muốn lâm vào tình cảnh trên và sử dụng quỹ đạo bay thấp - thấp ngay từ đầu, tầm bắn của Yakhont sẽ chỉ còn 120 km, thậm chí trong điều kiện tác chiến thực tế cự ly này sẽ còn ngắn hơn rất nhiều.


Tên lửa hành trình đối hạm Yakhont

Tên lửa hành trình đối hạm Yakhont

Điểm yếu trên của Yakhont phải đến thế hệ tiếp theo là P-900 Kalibr/Klub mới được khắc phục hoàn toàn.

Nhờ động cơ phản lực mới với 2 chế độ hoạt động mà tên lửa có thể bay bám biển ở tốc độ cận âm ngay từ giai đoạn đầu, khiến việc tàu chiến đối phương phát hiện từ xa để đánh chặn là gần như không thể.

Đến giai đoạn tiếp cận mục tiêu, động cơ tên lửa sẽ chuyển sang chế độ bật tăng lực, đẩy vận tốc lên tới Mach 2,9. Sự thay đổi đột ngột này sẽ khiến hệ thống phòng không hạm tàu không kịp thay đổi trạng thái để phản ứng.

Bên cạnh đó, do phần lớn thời gian bay cận âm dẫn đến tiết kiệm được lượng nhiên liệu mang theo. Cho nên tên lửa Kalibr có kích thước nhỏ gọn, diện tích phản xạ radar và mức độ bộc lộ hồng ngoại cũng ít hơn Yakhont vì hạn chế được ma sát với không khí.

Do vậy, dòng tên lửa Kalibr/Klub đã được lựa chọn làm vũ khí chống hạm chủ lực của hầu hết các chiến hạm cũng như hệ thống phòng thủ bờ biển của Hải quân Nga ở thì tương lai, trong khi Oniks/Yakhont hoàn toàn vắng bóng.


Gia đình tên lửa Kalibr đã được lựa chọn là tương lai của Hải quân Nga

Gia đình tên lửa Kalibr đã được lựa chọn là tương lai của Hải quân Nga

Thời cơ để mua công nghệ tên lửa Yakhont đã đến?

Mặc dù còn tồn tại vài nhược điểm nhưng có thể khẳng định rằng Yakhont vẫn là một dòng tên lửa chống hạm hiện đại, có hiệu suất chiến đấu cao. Đặc biệt là khi so sánh với một số chủng loại như Harpoon, Exocet, Otomat, C-802/803... thì nó vẫn vượt trội.

Việc không được Hải quân Nga lựa chọn đã mở ra cơ hội cực lớn để các quốc gia khác có thể sở hữu công nghệ sản xuất dòng tên lửa siêu âm này, do những công nghệ áp dụng trên Yakhont không phải thuộc hàng tiên tiến nhất, buộc phải giữ bí mật bằng mọi giá.

Với tình trạng khó khăn hiện tại của nền kinh tế, Nga rất cần nguồn lực bên ngoài để bổ sung cho các viện nghiên cứu cũng như nhà máy quốc phòng. Bán công nghệ và máy móc sản xuất Yakhont cho những nước có nhu cầu sẽ thu hồi được khá nhiều vốn để tái đầu tư.

Mặc dù Việt Nam đã được Nga chuyển giao công nghệ tên lửa Uran-E để chế tạo phiên bản nội địa KCT 15, nhưng tương lai, khi hải quân có trong trang bị những chiến hạm với lượng giãn nước lớn thì sẽ phải có tên lửa mạnh hơn cho tương xứng.

Việt Nam hoàn toàn có thể mua tên lửa Klub của Nga, nhưng nếu vậy chúng ta sẽ phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ bên ngoài. Hơn thế nữa, trình độ khoa học kỹ thuật cũng như năng lực sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng trong nước cũng khó phát triển.

Ngoài ra, nếu làm chủ được công nghệ lõi của Yakhont, việc Việt Nam can thiệp sâu vào động cơ và thuật toán điều chỉnh quỹ đạo bay của tên lửa để vươn tới tầm bắn trên 500 km của bản nội địa Oniks là hoàn toàn khả thi.

Do vậy nếu trong tương lai, khi Nga tỏ ý sẵn sàng chuyển giao công nghệ tên lửa Yakhont cho một quốc gia khác ngoài Ấn Độ (điều sớm muộn cũng xảy ra) thì đó sẽ là một cơ hội cực tốt mà Việt Nam cần nhanh tay nắm bắt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại