Trao đổi với Đất Việt ngày 4/11, ông Lê Việt Trường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc phòng của Quốc hội nhấn mạnh, bất cứ quốc gia nào cũng phải quan tâm, chăm lo tới nền công nghiệp quốc phòng.
Việt Nam cũng vậy. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết chỉ đạo tập trung phát triển công nghiệp quốc phòng, Nghị quyết đã triển khai và cũng đã có những kết quả nhất định.
Tên lửa chống hạm KCT 15 do Việt Nam tự sản xuất
PV:- Thưa ông, kết quả như ông nói cụ thể là gì?
Ông Lê Việt Trường: Có thể nói, trong những năm vừa qua, Tổng cục kỹ thuật, Bộ Quốc phòng Việt Nam liên tiếp đạt được những thành tựu đáng kể trong chế tạo, cải tiến vũ khí, khí tài quân sự như: Tên lửa, radar, tàu chiến…
Và những công bố mới đây chính là kết quả bước đầu mà Việt Nam đã đạt được.
Mới đây, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Bộ Quốc phòng đã trưng bày tên lửa chống hạm KCT 15 do Việt Nam sản xuất.
Theo đánh giá, tên lửa chống hạm KCT 15 do Việt Nam sản xuất có thể được áp dụng những công nghệ mới nhất trên phiên bản Uran-UE.
Việc sản xuất thành công tên lửa chống hạm KCT 15 đã góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của Quân đội nhân dân Việt Nam, giúp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo trong tình hình mới.
Nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam trước đó đã khẳng định mình hoàn toàn có đủ năng lực khi đã tự nâng cấp và sản xuất thành công nhiều thiết bị quan trọng nâng cao hiệu quả chiến đấu cho kho tên lửa có trong trang bị của mình.
Thành công đáng kể nhất là Việt Nam đã nâng cấp thành công hệ thống tên lửa phòng không S-125 Pechora lên chuẩn S-125-2TM.
Không chỉ nâng cấp thành công S-125-2TM, Việt Nam đã nghiên cứu thành công sản phẩm thỏi nhiên liệu hỗn hợp cho động cơ tên lửa phòng không...
Tôi cũng như Ủy ban An ninh Quốc phòng chỉ nắm được thông tin chung, song có thể khẳng định: một đất nước nếu muốn tăng cường được khả năng bảo vệ tổ quốc thì phải xây dựng được nền quốc phòng độc lập, tự chủ.
Muốn có được nền quốc phòng độc lập, tự chủ thì vũ khí, khí tài phải mạnh. Mà theo tôi, tự chủ ở đây chính là tự sản xuất được vũ khí chứ không phải là đi mua.
Vì vậy, thành tích này chính là niềm vui chung của toàn dân tộc, toàn quân, toàn dân, chứ không phải niềm vui riêng của cá nhân bất kỳ ai.
PV:- Như ông đã nói, đây là tín hiệu mở ra khả năng Việt Nam có thể tự chủ được một phần trang thiết bị, khí tài?
Ông Lê Việt Trường: Đúng vậy. Đó là mong muốn và chúng ta phải thực hiện được. Tuy nhiên, khi đất nước còn nghèo thì mọi bước đi đều phải có tính toán kỹ càng, chiến lựơc thực hiện thích hợp.
PV:- Còn nhớ, Viettel đã từng đề nghị được giao thêm dự án sản xuất vũ khi quan trọng cho quân đội. Ông nghĩ thế nào về mong muốn này? Hiện việc này đã được thực hiện thế nào rồi, thưa ông?
Ông Lê Việt Trường: Không chỉ với doanh nghiệp mà ngay với mỗi cá nhân nếu có tình yêu, trách nhiệm với đất nước, tổ quốc thì đều mong muốn có thể đóng góp, được làm cái gì đó cho đất nước.
Nhất là với những doanh nghiệp có công nghệ, có kiến thức lại có khả năng về mặt tài chính, mong muốn đó cũng là tốt, rất đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, thực hiện thế nào, quyết định ra sao phải dựa trên cơ sở chỉ đạo của Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng để có giải pháp, chỉ đạo thống nhất.
Tôi cho rằng, một cơ quan, một đơn vị, một con người thì khó nhưng nếu có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý với doanh nghiệp chắc chắn sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp mang lại kết quả tốt nhất.
PV:- Xin cảm ơn ông!