Việt Nam "thuần hóa" thiết xa vận M113 của Mỹ như thế nào?

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Những chiếc xe thiết giáp chở quân M113 từ thời kháng chiến chống Mỹ được VN cải tiến, đến nay vẫn đóng vai trò quan trọng trong lực lượng tăng thiết giáp VN.

"Taxi chiến trường" trên sông nước Nam bộ

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam thu được rất nhiều vũ khí chiến lợi phẩm được đánh giá thuộc vào loại hiện đại nhất thời bấy giờ. Trong số này, xe thiết giáp M113 được đánh giá là một chiến lợi phẩm quý giá nhất.

“Lấy vũ khí địch đánh địch” là một phương châm xuyên suốt trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Vận dụng sáng tạo phương châm này,  chúng ta đã cải tiến được nhiều vũ khí chiến lợi phẩm, biến chúng thành phương tiện phục vụ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ chủ quyền. Loạt bài NGHỆ THUẬT CẢI TIẾN VŨ KHÍ CHIẾN LỢI PHẨM CỦA VIỆT NAM sẽ giúp độc giả hiểu thêm về tài hoa và sáng tạo, mồ hôi và máu của những người thực hiện công việc này.

Thiết giáp chở quân M113 là loại xe thiết giáp phổ biến nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại. Ra đời vào cuối thập niên 50 cho tới ngày nay, hơn 28.000 chiếc M113 đã được sản xuất với 12 phiên bản khác nhau nhưng chủ yếu là các phiên bản M113A1, M113A2, M113A3. Hiện nay, M113 còn phục vụ trên 50 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Vào cuối năm 1961, Mỹ tăng cường yểm trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam Cộng hòa. Trong số những quân dụng được Mỹ chuyển giao cho Quân đội Việt Nam Cộng hòa có loại xe thiết giáp M113 .

Sau một thời gian huấn luyện, số M113 bắt đầu được đưa ra thử lửa ở chiến trường miền Nam Việt Nam. Ngày 30/2/1962, hai đại đội thiết giáp M113 đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa được thành lập với 30 chiếc, mỗi đại đội có 15 chiếc. Hai đơn vị này được đưa xuống hoạt động ở đồng bằng sông Cửu Long.

 	Xe thiết giáp M-113 của quân ngụy ở Sài Gòn trước năm 1975

Xe thiết giáp M113 của Việt Nam cộng hòa ở Sài Gòn trước năm 1975

Theo chiến thuật của Mỹ, M113 được dùng như một loại “Taxi chiến trường” mang quân đến tận trận địa rồi đổ bộ tấn công mục tiêu.

M113 có khối lượng chiến đấu 12,3 tấn, vỏ nhôm dày 12-38mm, kíp chiến đấu 2 người và có thể chở theo 1 tiểu đội bộ binh. M113 được trang bị một đại liên 12,7 mm và hai trung liên 7,62 mm bắn được về phía bên sườn. Với vỏ thép có thể chịu được các loại đạn bộ binh thông thường cùng các cửa sổ nhỏ bên sườn, M113 đã trở thành một lo cốt di động khá lợi hại, bộ binh trong xe có thể chiến đấu trực tiếp khi xe đang chạy.

Với thiết kế khá nhỏ gọn, động cơ mạnh mẽ, M113 càng ngày càng trở thành một loại thiết giáp đa năng, có thể đi bất cứ nơi nào trong toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam, kể cả những nơi tưởng rằng rất khó sử dụng cho thiết giáp như ở Miền Tây sông ngòi chằng chịt. Bất cứ địa thế hiểm trở nào, M113 cũng có cách thích ứng ngay.

 	Xe thiết giáp M-113 có khả năng cơ động tốt trên sông nước Nam bộ

Xe thiết giáp M113 có khả năng cơ động tốt trên sông nước Nam bộ

Đến năm 1963, Mỹ đã thử nghiệm nhiều chiến thuật mới cùng với đó là cải tiến một số chi tiết trên M113. Trong số những cải tiến này là loại xe M113 được gắn thêm một khẩu đại liên Browning 50.

Với lớp giáp khá dày, tốc độc nhanh, công suất lớn và đặc biệt khả năng lội nước rất nhanh, thời gian đầu M113 đã gây rất nhiều khó khăn cho Quân giải phóng miền Nam với hai chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận”.

Tuy nhiên, sau nhiều tìm tòi, nghiên cứu, M113 đã bị khuất phục. Toàn miền Nam phát động phong trào “dùng súng bộ binh tiêu diệt xe M113”. Với tinh thần sáng tạo và ý chí kiên cường, quân dân miền Nam đã sáng tạo ra nhiều cách đánh như đào hầm hố trên đường, gài mìn bẫy chống tăng ven đường hoặc tại những chỗ quẹo.

Đặc biệt từ khi được chi viện thêm các loại vũ khí mới như loại lựu đạn chống tăng PGN-2 bắn từ AK 47; súng chống tăng B-40, B-41, rất nhiều M113 đã bị tiêu diệt. Để hạn chế tổn thất, quân Mỹ và Việt Nam cộng hòa đã lắp thêm tấm chống đạn bao quanh xạ thủ đại liên hay gắn thêm lưới B-40, bao cát.

Việt Nam thuần hóa, cải tiến M113

Các xe tăng M113 được Quân giải phóng miền Nam sử dụng đánh địch từ trước giải phóng. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, tại Đà Nẵng trước sức tấn công nhanh và mãnh liệt của quân giải phóng, quân Việt Nam cộng hòa đã bỏ lại hàng trăm xe tăng và thiết giáp còn nguyên vẹn, trong đó phần nhiều là M113. Chúng ta đã sử dụng ngay những chiếc xe này để đánh địch trong các trận đánh tiếp theo trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tính đến đầu năm 1975, trong biên chế quân đội Việt Nam Cộng hòa vẫn còn khoảng trên 1.500 chiếc M113. Sau ngày chiến thắng, hàng trăm xe chiến lợi phẩm được đưa vào biên chế bộ đội tăng thiết giáp Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, còn khoảng 500 xe thiết giáp M113 còn sử dụng được.

Số xe thiết giáp này đã xuất trận với quy mô lớn rất hiệu quả trong chiến tranh biên giới Tây Nam 1977-1979, có lúc lấn át cả vai trò của các loại xe bọc thép khác do Liên Xô và Trung Quốc chế tạo. Nhờ M113, Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhanh chóng giành ưu thế áp đảo trước Khmer đỏ.

 	Xe thiết giáp M-113 đóng vai trò chủ yếu trong lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Nam

Xe thiết giáp M113 đóng vai trò chủ yếu trong lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Nam

M113 được đánh giá dễ điều khiển và có điều kiện sử dụng thuận lợi hơn nhiều so với các xe cùng thời của Liên Xô bởi được trang bị hệ thống tay lái trợ lực bằng thủy lực. Tuy nhiên, do bị thiệt hại trong chiến tranh và thiếu phụ tùng thay thế nên số lượng M113 của Việt Nam bị hao hụt rất nhiều, hiện tại, con số M113 còn họat động ước lượng khoảng gần 200 chiếc. Để phù hợp với yêu cầu tác chiến cùng điều kiện cung cấp đạn dược, hậu cầu, xe thiết giáp chiến lợi phẩm M113 đã được Việt Nam cải tiến nhiều lần.

Ngay sau ngày giải phóng, M113 đã được Quân đội nhân dân Việt Nam gắn thêm ĐKZ-106 mm M40 hoặc ĐKZ-75 mm K56. Tiếp sau đó Việt Nam đã thay thế đại liên Browning 50 của Mỹ bằng đại liên 12,7 mm của Nga.

Đứng trước tình hình thiếu phụ tùng thay thế, một số lượng M113 được niêm cất để sẵn sàng sử dụng khi có tình huống, một số khác được từng bước hiện đại hóa bằng cách gửi ra nước ngoài và thay thế các phụ tùng đã hư hỏng bằng thiết bị dễ kiếm từ các nguồn khác trong lúc Mỹ vẫn chưa bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.

 	Dù khó khăn trong việc đảm bảo nguồn phụ tùng thay thế nhưng các xe thiết giáp M-113 trong QĐND Việt Nam vẫn luôn luôn sẵn sàng chiến đấu

Dù khó khăn trong việc đảm bảo nguồn phụ tùng thay thế nhưng các xe thiết giáp M113 trong Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn luôn luôn sẵn sàng chiến đấu

Theo các thông tin không chính thức năm 2001, Việt Nam đã tiến hành sửa chữa tổng thể và nâng cấp nhỏ khoảng 80 xe bọc thép M113. Việc nâng cấp và sửa chữa được thực hiện bằng một số linh kiện mua từ các nguồn thương mại và tận dụng linh kiện thu được từ thời chiến tranh Việt Nam. Hiện nay, M113 vẫn còn là lực lượng cốt yếu trong binh chủng tăng – thiết giáp Việt Nam.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại