Việt Nam thông thái trên thị trường vũ khí

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Thị trường vũ khí thế giới rất đa dạng nhưng Việt Nam với tiềm lực tài chính có hạn đã thể hiện được sự khôn ngoan của mình trong các hợp đồng được ký kết.

Trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục có những hợp đồng nhập khẩu vũ khí lớn. Điển hình như tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1, tổ hợp tên lửa bờ Bastion, loạt máy bay Su-30MK2, tàu lớp Gerpard 3.9, tàu Molnyia, lô 6 tàu ngầm Kilo 636, loạt súng cá nhân cho Hải quân đánh bộ…và gần nhất là lớp tàu SIGMA.

	Su-30MK2 Việt Nam được đánh giá là một thương vụ thành công nhất

Su-30MK2 Việt Nam được đánh giá là một thương vụ thành công nhất

Sự gia tăng đột biến của các hợp đồng nhập khẩu vũ khí có thể được giải thích bởi ba nguyên nhân sau:

Một là nền kinh tế sau những năm tiến hành Đổi mới đã phát triển hơn trước rất nhiều. Phần ngân sách dành cho quốc phòng qua đó cũng tăng lên.

Hai là các vũ khí trang bị chủ yếu có từ thập niên 1980 trở về trước nên đã lạc hậu, hết thời gian sử dụng cần phải bổ sung, thay thế bằng các vũ khí trang bị mới.

Ba là tình hình biển Đông có những vấn đề căng thẳng phát sinh do vậy cần tăng cường tiềm lực để bảo vệ vững chắc chủ quyền.

Tuy nhiên đứng trước một thị trường vũ khí thế giới hết sức đa dạng cả về chủng loại vũ khí cũng như số lượng các nước tham gia xuất khẩu, Việt Nam với tiềm lực tài chính có hạn phải biết cách lựa chọn những hợp đồng mang tính hiệu quả cao.

Qua các hợp đồng được ký kết, giới quan sát đánh giá Việt Nam thực sự là "người tiêu dùng thông thái” khi tham gia thị trường vũ khí.

Trước hết là việc lựa chọn đối tác, Việt Nam không mặc định bó buộc rằng tất cả các vũ khí đều phải xuất phát từ bạn hàng truyền thống là Nga. Mặc dù vũ khí Nga vẫn chiếm tỷ trọng cao nhưng bên cạnh đó là các vũ khí trang bị từ Ucraina, Ba Lan, Séc… và đặc biệt là từ cả các nước được coi là đồng minh của Mỹ như Đức, Hà Lan, Israel…

Nghĩa là Việt Nam đã lựa chọn theo tiêu chí thế mạnh của từng nước, ví dụ như máy bay, tàu ngầm, tên lửa phòng không là thế mạnh của Nga, vũ khí bộ binh hạng nhẹ và các thiết bị điện tử là thế mạnh của Israel, radar thụ động là thế mạnh của Séc, đóng tàu là thế mạnh của Hà Lan…

Với sự lựa chọn đa dạng như thế này Việt Nam vừa mở rộng được các kênh hợp tác đồng thời cũng khiến các nước phải có một sự cạnh tranh nhất định do vậy chi phí và chất lượng sẽ phần nào được cải thiện. Bên cạnh đó cũng hạn chế được việc bị đối phương “bắt bài” do có cùng loại vũ khí trang bị như nhau.

Nếu như thời gian tới Mỹ và đồng minh dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, thì chúng ta sẽ có nhiều đối tác để lựa chọn hơn nữa.

Tiếp theo đó là việc lựa chọn các loại trang bị, Việt Nam luôn lựa chọn những loại vũ khí đã trải qua một thời gian kiểm nghiệm trong thực tế. Đứng trước một danh sách dài các loại vũ khí có thể được lựa chọn, Việt Nam rất ít khi lựa chọn các loại vũ khí đang nghiên cứu, sắp ra mắt. Việc này có thể khiến Việt Nam không có được ưu thế về tính mới nhất của vũ khí, nhưng nên nhớ rằng một vũ khí mới để phát huy hiệu quả đòi hỏi phải được hiệu chỉnh sau một thời gian sử dụng.

Trên quan điểm như vậy nên Việt Nam đặt mua tàu ngầm Kilo 636 chứ không phải là lớp Amur, S-300PMU1 chứ không phải là S-300PMU2, Su-30MK2 chứ không phải là Su-35, …tất cả đều là những sản phẩm nổi tiếng có một khoảng thời gian khá dài hoạt động trong thực tế.

Thứ ba là tiến trình giao các loại vũ khí trang bị, Việt Nam không nhập ồ ạt ngay một số lượng lớn mà thường chia ra các đợt nhỏ. Điều này xuất phát từ các nguyên nhân sau: thứ nhất là điều kiện kinh tế có hạn, thứ hai là có quá trình sử dụng và đánh giá để xét xem có đầu tư tiếp hay không, thứ ba là có thể yêu cầu hiệu chỉnh cải tiến ở các lô tiếp theo cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Có thể lấy ví dụ minh chứng là lô máy bay Su-30MK2, hợp đồng được ký rất nhiều đợt. Sau khi xét thấy hiệu quả, Việt Nam đã tiến hành ký thêm các lô mới, các lô mới này đã được hiệu chỉnh để phù hợp với tác chiến trên biển nhiệt đới.

	Nga sẵn sàng ưu tiên khi Việt Nam cần gấp một lực lượng tàu ngầm đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền biển đảo

Nga sẵn sàng ưu tiên khi Việt Nam cần gấp một lực lượng tàu ngầm đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền biển đảo

Thứ tư là các hợp đồng có tính chuyển giao. Việt Nam thường mua một số lượng nhất định ở đợt đầu, sau đó các sản phẩm tiếp theo sẽ được nội địa hóa dần. Việc này vừa góp phần nâng cao trình độ nền công nghiệp quốc phòng, vừa góp phần giảm chi phí chế tạo sản xuất.

Tất nhiên, phương thức này chỉ áp dụng với những loại vũ khí trang bị mà Việt Nam có khả năng nội địa hóa được. Với thế mạnh là đóng tàu nên các tàu chiến mà Việt Nam ký hợp đồng thường theo xu hướng này. Ví dụ các tàu Molnyia, tàu SIGMA, tàu cảnh sát biển DN 2000…sau khi đóng một vài tàu ở nước ngoài và đưa vào sử dụng để đánh giá. Các tàu tiếp theo sẽ được lắp ráp và tiến tới chế tạo trong nước.

	Tàu SIGMA là một trong những minh chứng cho thành công của đối ngoại Việt Nam

Tàu SIGMA là một trong những minh chứng cho thành công của đối ngoại Việt Nam

Tuy nhiên để thực hiện được chiến lược mua sắm khôn ngoan trên thị trường vũ khí thì phải thừa nhận Việt Nam có được sự ưu đãi từ các nhà sản xuất. Điều này có được là do thành quả của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và đa phương hóa. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã thực sự nâng lên một tầm cao mới, là đối tác chiến lược của nhiều nước. Hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, các vũ khí mới mà Việt Nam có được sẽ góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại