Dựa trên một vài thông tin xuất hiện thời gian gần đây, chưa có dấu hiệu nào cho thấy thương vụ SIGMA 9814 giữa Việt Nam và Hà Lan sẽ được sớm triển khai do còn tồn tại những bất đồng cần giải quyết.
Trong khi tình hình khu vực trở nên căng thẳng, đặc biệt là các diễn biến phức tạp xảy ra trên biển Đông thời gian gần đây đã khiến cho các quốc gia có liên quan không thể lơ là trong việc xây dựng tiềm lực hải quân.
Do vậy nếu như các cuộc đàm phán để đóng tàu SIGMA vẫn bế tắc, Việt Nam có lẽ cũng nên chủ động tính tới giải pháp thay thế để không bị chậm trễ lâu.
Mô hình tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 9814 trưng bày tại Triển lãm Vietship 2016. Ảnh: Bình Nguyên.
Mặc dù trước đó (tháng 8/1025), tại Triển lãm Thành tựu kinh tế - xã hội 2015 có xuất hiện mô hình tàu hộ vệ tên lửa Steregushchy, làm dấy lên đồn đoán rằng Việt Nam sẽ chọn lớp chiến hạm này để thay thế SIGMA nhưng khả năng này khó thành hiện thực.
Do gần như chắc chắn chúng ta sẽ đặt đóng thêm cặp tàu Gepard thứ ba với cấu hình vũ khí mạnh hơn, nên mua thêm một lớp tàu chiến cũng của Nga với lượng giãn nước tương đương tỏ ra không thực sự hợp lý, nhất là trong xu thế đa dạng hóa nguồn cung.
Vậy nếu không lựa chọn Hà Lan cũng như Nga thì đối tác nào sẽ được Việt Nam để mắt tới? Câu trả lời có thể là Tập đoàn Fincantieri của Italy.
Fincantieri được thành lập từ năm 1959, có trụ sở tại Trieste, hiện thuộc sở hữu nhà nước thông qua Fintecna. Đây là hãng đóng tàu lớn nhất châu Âu và thứ tư thế giới với nhiều mặt hàng phong phú trong cả lĩnh vực quân sự lẫn thương mại.
Hiện tại Fincantieri đang mở rộng hoạt động kinh doanh của mình sang các nước Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam. Tại Việt Nam, Fincantieri là một phần trong chiến lược đưa ra vào tháng 11/2014 bởi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ý, ông Domenico Rossi.
“Theo đó, Lực lượng Vũ trang Việt Nam, cụ thể là Hải quân đã bày tỏ mong muốn hợp tác với Ý để cung cấp tàu tuần tra, cụ thể là các tàu tuần tra xa bờ và tàu ngầm mini”, phát ngôn viên công ty cho biết.
Khu trục hạm phòng không lớp Orizzonte (Horizon) do Tập đoàn Fincantieri thi công đóng mới.
Tuy rằng trước đó Việt Nam mới chỉ quan tâm đến tàu tuần tra xa bờ cũng như tàu ngầm mini của Fincantieri, nhưng với tình hình hiện tại thì các chiến hạm thực thụ của tập đoàn đến từ nước Ý lại là sự thay thế xứng đáng.
Hơn nữa, do thuộc sở hữu nhà nước nên hợp tác với Fincantieri đối tác sẽ gặp thuận lợi hơn trong việc tích hợp vũ khí, khí tài lên tàu so với Damen - một cơ sở tư nhân vốn chỉ chịu trách nhiệm cho phần khung vỏ của con tàu.
Khó khăn cần giải quyết hiện nay nếu chúng ta chọn Fincantieri chỉ là các chiến hạm được cơ sở này chế tạo lại lớn hơn hoặc nhỏ hơn mức cần thiết của Hải quân Việt Nam.
Nếu như trong tương lai hãng đóng tàu của Italy chào hàng một bản thiết kế mới với lượng giãn nước phù hợp thì khả năng cao là nó sẽ chiến thắng được SIGMA 9814 và song hành cùng với Gepard 3.9 trên biển Đông.