Trang tin vpk-news.ru (Nga) ngày 18.2 cho biết, Ấn Độ sẽ đào tạo phi công Việt Nam lái Su-30 trước cuối năm 2015.
Trước đó vào tháng 12/2014, Bộ Quốc phòng Ấn Độ chính thức thông báo đã chấp thuận để Không quân Ấn Độ huấn luyện phi công Việt Nam lái máy bay Su-30, nhưng chưa rõ khi nào chương trình này sẽ tiến hành.
Như vậy, phi công Việt Nam sắp có dịp tiếp xúc trực tiếp với những chiếc Su-30MKI, biển thể mạnh nhất được xuất khẩu của dòng tiêm kích đa năng Su-30 và việc Việt Nam cử phi công sang Ấn Độ học làm quen với Su-30MKI chắc chắn không phải "chỉ để chơi".
Tiêm kích Su-30MKI của Không quân Ấn Độ
Thêm vào đó, hôm 30/5/2014, ông Viktor Kuznetsov - Tổng giám đốc Công ty Aviaprom tại phiên họp hội đồng cổ đông được tổ chức tại thủ đô Moscow đã cho biết: "Các máy bay Su-30 do Tổng công ty Irkutsk chế tạo sẽ được bán cho Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Angola".
Irkutsk chính là cơ sở sản xuất những chiếc Su-30 loại có cánh mũi và động cơ kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều (2D TVC) gồm Su-30MKI, Su-30MKM, Su-30MKA và phiên bản nội địa Su-30SM.
Với 2 thông tin trên, có thể tạm đi tới kết luận rằng một loại tiêm kích dựa trên Su-30SM hoặc Su-30MKI đã lọt vào tầm ngắm của Không quân Việt Nam.
Tiêm kích Su-30SM của Không quân Nga
Việc Việt Nam "để ý" Su-30SM/ Su-30MKI thay vì Su-35S như nhiều dự đoán trước đó là điều khá bất ngờ, nhất là khi gần đây các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc hay Indonesia đều đặc biệt quan tâm đến chiếc tiêm kích thế hệ 4++ này.
Tuy nhiên, nếu xem xét thấu đáo thì quyết định trên của Việt Nam là hoàn toàn dễ hiểu. Chúng ta vẫn đi theo chủ trương nhất quán là chỉ lựa chọn những vũ khí - khí tài đã chứng minh được năng lực qua thời gian dài hoạt động.
Su-30MKI của Ấn Độ từ khi đưa vào biên chế đã tỏ ra là một chiếc tiêm kích rất tin cậy, hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu tác chiến cả hiện đại lẫn trong tương lai. Sự thành công của Su-30MKI đã khiến Nga phải nội địa hóa thành Su-30SM.
Trong khi đó, Su-35S là một loại máy bay mới, các tính năng nhà sản xuất quảng cáo mặc dù rất "khủng" nhưng lại chưa hề được kiểm nghiệm thực tế.
Không có gì bảo đảm rằng bài học tàu hộ vệ tên lửa BPS-500 hay tàu ngầm Lada sẽ không lặp lại (2 loại vũ khí nhận đánh giá rất tốt nhưng thực tế lại không đáp ứng được kỳ vọng).
Su-35S cần có thêm thời gian để chứng minh năng lực
Đặc biệt, nếu so sánh chi li thì Su-30SM/ Su-30MKI cũng không thua kém nhiều so với Su-35S:
Radar N011M Bars của Su-30SM/ Su-30MKI và N035 Irbis-E của Su-35S cùng là loại quét thụ động, tầm hoạt động tối đa đều là 400 km.
Thực tế thì Irbis-E được phát triển chính từ N011M Bars nên không có nhiều sự đột phá về công nghệ ở radar này.
Ngoài ra, kết cấu cánh mũi đi kèm động cơ 2D TVC AL-31FP của Su-30SM/ Su-30MKI cho khả năng thao diễn gần tương đương với Su-35S trang bị động cơ 3D TVC AL-41FS.
Tóm lại, sau khi xem xét đánh giá một số yếu tố, rất có thể trong tương lai gần những chiếc Su-30 có cánh mũi sẽ sớm xuất hiện trong biên chế của Không quân Nhân dân Việt Nam.