Trong Lễ diễu binh - diễu hành chào mừng 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam diễn ra vào ngày 2/9/2015, Lực lượng đổ bộ đường không của Quân đội nhân dân Việt Nam đã chính thức được giới thiệu.
Bộ đội đổ bộ đường không Việt Nam với súng trường tấn công Galil ACE 32 gắn kèm súng phóng lựu M203
Qua trang phục tương tự như đặc công, có thể thấy đây là một binh chủng đặc biệt tinh nhuệ của Việt Nam, sẽ được trang bị những vũ khí, khí tài hiện đại và có sức chiến đấu cao.
Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, lực lượng này mới chỉ ở giai đoạn xây dựng ban đầu, yêu cầu phải có sự đầu tư lớn trong tương lai, trong đó phương tiện vận chuyển cũng như chiến đấu là yếu tố quyết định thắng lợi.
Bên cạnh trực thăng đa dụng đã được đề cập ở các bài trước, xe thiết giáp nhảy dù cũng như máy bay vận tải cỡ lớn là những thứ không thể thiếu, cần sớm có trong biên chế.
Xe thiết giáp nhảy dù BMD-4
Đối với xe thiết giáp nhảy dù, dễ thấy rằng khó có ứng viên nào vượt qua được dòng BMD của Nga, với chủ trương ưu tiên đầu tư hiện đại hóa Lục quân, nhiều khả năng Việt Nam sẽ chọn biến thể mới nhất BMD-4M.
Do tối ưu hóa cho việc chuyên chở và thả dù từ máy bay vận tải hạng trung hoặc hạng nặng, BMD-4M có trọng lượng khá nhẹ chỉ 13,6 tấn với tháp pháo bằng thép trong khi phần thân cấu tạo từ hợp kim nhôm.
Vũ khí chính của chiếc xe bọc thép đổ bộ đường không này bao gồm 1 pháo 2A70 cỡ 100 mm kết hợp với 1 pháo tự động 2A72 cỡ 30 mm; vũ khí phụ gồm súng phóng lựu liên thanh AGS-30, súng máy đồng trục PKMT cỡ 7,62 mm và tên lửa chống tăng Konkurs.
Xe được điều khiển bởi kíp lái 3 người, mang theo 5 lính với đầy đủ vũ khí trang bị. Động cơ diesel UTD-29 công suất 500 mã lực kết hợp với hệ thống treo cải tiến cho tốc độ tối đa 70 km/h trên đường bằng, 10 km/h khi bơi.
BMD-4 rất xứng đáng đảm đương vai trò nắm đấm thép, có sức xuyên phá mạnh của Bộ đội đổ bộ đường không Việt Nam.
Lính dù Nga đổ bộ từ máy bay vận tải Il-76
Xét về phương tiện vận chuyển, những chiếc C-295M đang có trong biên chế chỉ thuộc dòng máy bay vận tải hạng nhẹ, không có khả năng triển khai số lượng lớn binh lính cũng như xe bọc thép nhảy dù, do vậy chúng ta cần bổ sung những loại lớn hơn.
Có 2 ứng viên tỏ ra phù hợp nhất là C-130J của Mỹ và Il-76-MD-90A của Nga. Tuy nhiên với đơn giá tương đương nhưng lại có sức tải cùng tầm hoạt động vượt trội, kết hợp mối quan hệ mật thiết Việt - Nga khiến dòng Il-76 trở thành ứng viên sáng giá.
Il-76MD-90A (Il-476) là phiên bản hiện đại hóa sâu của Il-76, được lắp đặt hệ thống thiết bị điện tử hàng không tiên tiến, đáp ứng các yêu cầu đề ra cho một chiếc vận tải cơ hiện đại, giúp cải thiện mức độ an toàn cũng như khả năng hoạt động chính xác.
Nhờ động cơ PS-90A-76 mạnh mẽ mà Il-476 có khả năng mang tải tới 60 tấn hoặc chuyên chở 145 - 225 lính dù, tốc độ tối đa 850 km/h, tầm hoạt động 8.500 km. Ngoài ra, cánh và càng đáp cũng được cải tiến để tăng hiệu suất vận hành cho máy bay.
Il-476 cùng BMD-4 sẽ trở thành cặp bài trùng lợi hại của Binh chủng đổ bộ đường không Việt Nam?
Với kế hoạch đưa Lục quân tiến lên hiện đại trong nhiệm kỳ tới, hy vọng rằng những loại vũ khí, khí tài tối tân trên sẽ được phê duyệt đưa vào kế hoạch mua sắm cho Bộ đội đổ bộ đường không, để lực lượng này xứng đáng là nắm đấm thép mới của Quân đội Việt Nam.