Tự chủ sản xuất vũ khí trang bị
Theo Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển Công nghiệp quốc phòng (CNQP), Tổng cục CNQP đã triển khai nhiều dự án, nghiên cứu, chế thử và cho ra đời một số sản phẩm vũ khí trang bị mới, tiến tiến.
Nhiều dự án trọng điểm như sản xuất tên lửa phòng không tầm thấp, súng bộ binh thế hệ mới, đóng tàu tên lửa, tàu pháo… đã và đang được đẩy nhanh tiến độ.
Điều đó khẳng định ngành CNQP đã có hướng đi đúng, tự chủ được nhiều loại vũ khí trang bị, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng so với nhập khẩu.
Hơn nữa, trong tương lai 10 - 15 năm tới, CNQP Việt Nam có thể vươn lên tầm khu vực nếu Quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp tên lửa được triển khai đúng lộ trình.
Tại Lễ diễu binh, diễu hành ngày 30-4, chào mừng 40 năm Giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, súng tiểu liên thế hệ mới Galil ACE 31 do Việt Nam sản xuất đã chính thức xuất hiện, khẳng định việc chuyển giao công nghệ đã hoàn tất.
Súng Galil ACE 31 do Việt Nam sản xuất đã có mặt trong Lễ diễu binh ngày 30/4
Tại sao Việt Nam chọn Galil ACE của Israel?
Việc lựa chọn dòng súng tiểu liên thế hệ mới Galil ACE của hãng IMI (Israel) là một bước tiến lớn, đánh dấu lần đầu tiên CNQP Việt Nam tiếp nhận dây chuyền sản xuất súng bộ binh thuộc loại tiên tiến nhất thế giới.
Vậy nguyên nhân nào giúp Galil đánh bại các đối thủ sừng sỏ như dòng AK-100 của Nga hay biến thể 'hàng nhái" của nó được chào bởi Trung Quốc?
Thứ nhất, Israel chào giá thấp hơn. Về tính năng và độ tin cậy, Galil ACE không hẳn đã vượt trội hơn so với dòng AK-100. Tuy nhiên, trong một gói thầu, các ứng viên đều đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật thì giá sẽ quyết định phần lớn.
Với chỉ 170 triệu USD, thấp hơn nhiều so với 250 triệu USD mà Nga đưa ra, nên không lạ khi Israel thắng gói thầu này. Có lẽ dòng AK-100 của Trung Quốc đã không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật nên bị loại mà không cần xem về giá.
Thứ hai, tự chủ sản xuất súng bộ binh thế hệ mới. Lần đầu tiên, Việt Nam nhận trọn vẹn dây chuyền sản xuất hiện đại, có trình độ tự động hóa cao để sản xuất từ A - Z một khẩu súng bộ binh “có bản quyền”.
Được biết, năng lực của dây chuyền có thể lên tới 50.000 khẩu mỗi năm và có thể dùng để sản xuất nhiều loại vũ khí do Việt Nam tự thiết kế.
Trong tương lai không xa, sẽ có nhiều sản phẩm “Made in Vietnam” đúng nghĩa, đáp ứng được yêu cầu của chiến lược xuất khẩu sản phẩm quốc phòng.
Súng trường tấn công Galil ACE 32 được giới thiệu với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Thứ ba, tiếp nhận quy trình quản lý chất lượng. Đây là yếu tố quan trọng nhất mà Việt Nam hướng đến chứ không hẳn do giá chào thầu.
Từ trước đến nay, do chưa tiếp cận được quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, sản phẩm sản xuất ra đôi lúc chất lượng không đồng đều, còn lỗi, hỏng, không những khiến giá thành bị đội lên mà còn làm giảm độ tin cậy của vũ khí.
Việt Nam có thể ứng dụng rộng rãi Quy trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến cho nhiều dự án chế tạo vũ khí trong nước, giúp nâng cao chất lượng và giảm giá thành.
Thứ tư, chuẩn bị cho những bước phát triển lớn hơn. Việc tiếp nhận thành công dây chuyền cho thấy trình độ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân quốc phòng Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ và tiếp cận nhiều loại vũ khí công nghệ cao, có điều khiển.
Đây là bài test hoàn hảo, chuẩn bị sự chuyển mình mạnh mẽ của CNQP Việt Nam, đặc biệt là công nghiệp tên lửa theo Quy hoạch đã phê duyệt.