Giám đốc nhà máy đóng tàu Zelenodolsk (nơi đóng các chiến hạm Gepard 3.9 cho Hải quân Nhân dân Việt Nam), ông Renat Mistahov cho biết:
"Nhà máy đang nhận được nhiều mối quan tâm đến từ các khách hàng nước ngoài với mẫu tàu tuần tra chống phá hoại thuộc Đề án 21980 Grachenok, trong đó có Việt Nam".
Tàu tuần tra chống phá hoại thuộc Đề án 21980 Grachenok của Hải quân Nga
Tàu tuần tra chống phá hoại Đề án 21980 là sản phẩm của Viện thiết kế Vympel, được đóng tại nhà máy đóng tàu Zelenodolsk và nhà máy đóng tàu Phương Đông.
Tàu được thiết kế cho nhiệm vụ chống người nhái, chống khủng bố quanh các khu vực cảng biển và vùng nước ven bờ.
Grachenok có chiều dài 31,04 m; rộng 7,4 m; chiều cao mạn 1,85 m; lượng giãn nước 139 tấn. Tàu được trang bị 2 động cơ diesel giúp đạt tốc độ tối đa 23 hải lý/h, tầm hoạt động 200 hải lý, dự trữ hành trình 5 ngày, thủy thủ đoàn 8 người.
Súng máy hạng nặng cỡ nòng 14,5 mm bố trí ở mũi tàu
Vũ khí trang bị trên tàu gồm có: súng máy hạng nặng cỡ nòng 14,5 mm và tổ hợp phóng lựu chống người nhái điều khiển từ xa DP-65A.
Tổ hợp DP-65A được thiết kế để bảo vệ tàu thuyền, các công trình ven biển, giàn khoan trước những cuộc tấn công của biệt kích người nhái, nó bao gồm 10 ống phóng lựu cỡ nòng 55 mm, tầm bắn 50 - 500 m.
Để xác định mục tiêu, DP-65A kết hợp cùng thiết bị thủy âm 747 có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 400 m. Nếu sử dụng thiết bị thủy âm Anapa-ME thì tổ hợp có thể tự động bắt mục tiêu và khai hỏa.
Đạn RG-55M của DP-65A thể tiêu diệt người nhái lặn ở độ sâu 40 m, bán kính sát thương 16 m.
Tổ hợp phóng lựu chống người nhái DP-65A
Bên cạnh DP-65A, thủy thủ còn được trang bị súng phóng lựu chống người nhái cầm tay 2 nòng DP-64 cỡ 45 mm, súng có tầm bắn 400 m.
Vũ khí phòng không của tàu là 4 tên lửa vác vai Igla. Thiết bị điện tử gồm có radar hàng hải MR-231 và hệ thống quang điện tử MTK-201.
Nếu Việt Nam mua tàu tuần tra chống phá hoại thuộc Đề án 21980 thì đây sẽ là sự bổ sung cần thiết nhằm tăng cường công tác an ninh xung quanh các cảng biển và đảo ven bờ.
Được trang bị vũ khí phù hợp cho nhiệm vụ bảo vệ chống phá hoại cùng kích thước vừa phải, tàu tuần tra Grachenok có nhiều ưu việt hơn hẳn khi so với các xuồng cỡ nhỏ vốn bị hạn chế về tầm hoạt động.
Loại tàu này còn có thể sử dụng để tuần tra, bảo vệ xung quanh các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, trong trường hợp đã xây dựng xong cầu cảng hoặc âu tàu để tiếp nhận (hiện nay chỉ có đảo Trường Sa và đảo Song Tử Tây là có cầu cảng hoặc âu tàu).
Do Grachenok có tầm hoạt động nhỏ, dự trữ hành trình ít (5 ngày) nên nó không thể luân phiên di chuyển từ bờ ra các đảo ngoài khơi xa, mà phải bố trí ngay tại đảo để có thể hoạt động.
Hiện nay tại quần đảo Trường Sa mới chỉ có xuồng CQ để thực hiện chức năng tuần tra và di chuyển qua lại giữa các đảo với nhau. Xuồng CQ tuy có tốc độ cao nhưng do kích thước nhỏ nên khó hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu.
Do vậy, việc bổ sung một loại tàu tuần tra có kích thước lớn hơn như 21980 Grachenok sẽ là giải pháp bổ sung phù hợp nhằm nâng cao năng lực bảo vệ đảo.