Một báo cáo nghiên cứu quốc phòng Trung Quốc của Canada chỉ ra rằng, H-6K không phải là máy bay ném bom thông thường mà gần như là một máy bay ném bom chiến lược giúp Trung Quốc hoàn thiện bộ ba hạt nhân của mình.
H-6K có thể tấn công các mục tiêu ở Nhật Bản, các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc cũng như các thành phố lớn ở khu vực Viễn Đông của Nga.
Trước khi có sự phục vụ của H-6K, khả năng tấn công hạt nhân của không quân Trung Quốc chỉ có ý nghĩa tượng trưng khi mà máy bay chỉ có khả năng thả bom hạt nhân và điều này là gần như không thể trong điều kiện hiện nay khi mà hệ thống phòng không của các quốc gia trong khu vực đã được hoàn thiện, máy bay muốn vượt qua lưới lửa phòng không để ném bom hạt nhân là coi như một sự tự sát.
Vì vậy, sự xuất hiện của máy bay H-6K và tên lửa hành trình Trường Kiếm 10 (CJ-10) cung cấp nền tảng chiến lược cho một cuộc tấn công hạt nhân từ trên không cho Trung Quốc, tương tự như Nga và Mỹ.
Mặc dù trong bộ ba hạt nhân thì mức độ huỷ diệt của tấn công hạt nhân từ trên không không bằng các tên lửa đạn đạo trên mặt đất và tàu ngầm nhưng với Trung Quốc nó vẫn có giá trị đáng kể.
Máy bay H-6K có thể mang theo 6 tên lửa hành trình Trường Kiếm 10 với tầm bắn từ 1.500-2.000km. Tuy nhiên, H-6K lại là thiết kế từ những năm 50 bay với vận tốc cận âm nên nó không thể vượt qua hệ thống phòng không của các nước lớn. Và người Trung Quốc đã khắc phục nhược điểm lớn này bằng cách học theo Nga sử dụng máy bay ném bom chiến lược cận âm Tu-95. Tu-95 có thể mang theo 16 tên lửa hành trình Kh-55 và phóng các tên lửa này từ lãnh thổ của Nga.
Báo cáo chỉ ra ý nghĩa của việc sử dụng máy bay H-6K với Trung Quốc trong một cuộc chiến hạt nhân như sau:
- Mặc dù sức công phá của tên lửa Trường Kiếm 10 không thể bằng các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên đất liền và tàu ngầm nhưng khả năng sống sót của H-6K sẽ cao hơn vì hiện nay số lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Trung Quốc còn hạn chế và nó sẽ là mục tiêu bị tiêu diệt đầu tiên ngay khi có chiến tranh xảy ra.
- Với H-6K, một khi nhận được thông báo thì sau tầm 20-30 phút máy bay có thể sẵn sàng cất cánh nhằm tránh bị tên lửa đạn đạo của đối phương tiêu diệt tại sân bay. Đây là lý do vì sao các máy bay Tu-95 luôn luôn hoạt động trên không và được hỗ trợ bởi các máy bay tiếp dầu để chờ đợi mệnh lệnh từ bộ chỉ huy tối cao. Tương tự như vậy, các phi công lái B-52 của Mỹ luôn trong tình trạng sẵn sàng nhận mệnh lệnh từ cấp trên. Vì vậy sau khi biên chế H-6K thì học thuyết hạt nhân của Trung Quốc cũng có sự thay đổi.
- Với tầm bắn từ 1.500-2.000km và có thể trang bị đầu đạn hạt nhân hay đầu đạn thông thường, Trường Kiếm có khả năng bao trùm toàn bộ các thành phố lớn của Nga ở vùng Viễn Đông nhưng không thể là mối đe doạ đến khu vực trung tâm của Nga. Nếu triển khai H-6K ở thủ phủ Lhasa (Tây Tạng) của Trung Quốc thì một nửa các thành phố lớn của Ấn Độ (như Mumbai, Bangalore) đều nằm trong tầm phóng của tên lửa này. Còn nếu triển khai H-6K ở đảo Hải Nam thì toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, thủ đô Manila của Philippines, Kuala Lumpur của Malaysia đều sẽ bị đe doạ. Và khi bố trí H-6K ở Nam Ninh hoặc các sân bay phía Tây Trung Quốc thì toàn bộ các căn cứ quân sự của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều nằm trong tầm phóng của Trường Kiếm 10.