Theo hình ảnh xuất hiện trong đoạn video "Thủy phi cơ DHC-6 cầu nối đất liền với các vùng biển, đảo" của báo Tuổi Trẻ đăng hôm 23/3 cho thấy, tại sân bay của Lữ đoàn Không quân Hải quân 954 (Quân chủng Hải quân) đang triển khai 2 chiếc thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter.
Rõ ràng, đây là 2 chiếc thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter đầu tiên của Hải quân Việt Nam, chiếc đầu tiên mang số hiệu VNT-777 đã được Hải quân Việt Nam tiếp nhận hồi tháng 10/2013 và chiếc thứ hai mang số hiệu MSM 867 N869VK vừa được công ty Viking Air của Canada bàn giao cho lực lượng Không quân Hải quân Việt Nam trong khoảng giữa tháng 3 vừa qua.
Được biết, thủy phi cơ DHC-6 số hiệu N869VK bắt đầu khởi hành từ Canada vào hôm 1/3 và hướng tới một điểm trung chuyển hàng không đầu tiên ở Nga và qua trạm trung chuyển hàng không cuối cùng là một sân bay ở thành phố Đài Bắc (Đài Loan) vào hôm 8/3.
Điểm đặc biệt là chiếc N869VK là nó sở hữu một radar 360 độ gắn ngay ở dưới cằm. Các hình ảnh thủy phi cơ còn lại của Việt Nam đều không được gắn thiết bị đặc biệt này.
Dù mới được tiếp nhận và đưa vào hoạt động chưa lâu, nhưng thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter đang chứng tỏ được vai trò và khả năng hoạt động có hiệu suất rất cao trong Hải quân Việt Nam, điển hình là trong các nhiệm vụ bay tìm kiếm cứu hộ chiếc máy bay chở khách MH-370 của Malaysia và đặc biệt là dấu mốc quan trọng khi ngày 19/3 chiếc thủy phi cơ DHC-6 VNT-777 của lực lượng Không quân-Hải quân đã lần đầu tiên chở khách và hàng hóa, nhu yếu phẩm từ đất liền hạ cánh an toàn tại sân bay Trường Sa, mở ra thời kỳ mới về thiết lập cầu hàng không bằng thủy phi cơ nối đất liền với các vùng biển, đảo xa bờ.