Ngày 7/11/2013, Nga sẽ chính thức bàn giao tàu ngầm Kilo mang tên Hà Nội cho Việt Nam. Tờ Nciku của Nga đánh giá phiên bản này hiện đại hơn phiên bản Kilo mà Trung Quốc hiện đang sở hữu.
Tàu ngầm Hà Nội là chiếc tàu ngầm Kilo Đề án 636 đầu tiên trong tổng số 6 chiếc mà Việt Nam đặt mua của Nga. Theo dự kiến, Việt Nam sẽ tiến hành lễ ra mắt và kéo quốc kỳ trên con tàu vào tháng 1 năm sau.
Tàu ngầm Kilo Hà Nội trong chuyến thăm và thị sát của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Kaliningrad hồi tháng 5/2013.
Chiếc Kilo thứ hai mang tên Thành phố Hồ Chí Minh hiện cũng đang trong quá trình thử nghiệm và dự kiến sẽ được bàn giao cho Việt Nam trước cuối năm nay. Theo kế hoạch, 4 chiếc còn lại sẽ được chuyển giao toàn bộ cho Hải quân Việt Nam trước năm 2016.
Mới đây, tờ Kanwa Defense Review có trụ sở tại Canada cũng đã có bài phân tích về tàu Kilo mới của Việt Nam. Tờ này cho biết các linh kiện và bộ phận trên tàu Kilo Việt Nam như kính viễn vọng, thiết bị do thám điện tử và cách âm đều sử dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất. Đặc biệt hơn nữa là hệ thống tên lửa Club có tầm bắn tới 290km mới nhất mà Nga trang bị cho tàu ngầm Kilo của Việt Nam.
Trang tin Chinanews cho rằng chuyến thăm tới đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam là nhằm khẳng định mối quan tâm của Nga và tầm quan trọng đặc biệt của sự kiện Việt Nam nhận bàn giao tàu ngầm Kilo.
Trong khi đó, trước thông tin Việt Nam sắp nhận bàn giao tàu ngầm Kilo Hà Nội, tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc như thường lệ lập tức phản ứng bằng cách luận điệu vu cáo, xuyên tạc. Trong bài báo với tựa đề “Biển Đông nguy cấp”, Hoàn Cầu la lối một cách rất vô lý rằng Việt Nam đang “chiếm biển của Trung Quốc”, và với lớp tàu Kilo mới, Việt Nam sẽ có tham vọng “tăng cường khống chế Biển Đông”. Hoàn Cầu còn xuyên tạc rằng Việt Nam sẽ “cắt đứt các tuyến vận tải đường biển” bằng những tàu ngầm này.
Trang tin Qianzhan cũng lặp lại luận điệu như tờ Hoàn Cầu. Trang này rêu rao một lý lẽ không ai có thể chấp nhận được, rằng Việt Nam “chiếm nhiều đảo của Trung Quốc nhất”, bởi vậy nên luôn “lo lắng” trước sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc. Qua đó, Qianzhan đưa ra suy luận việc mua tàu ngầm Kilo là động thái để “gia tăng sự chiếm đóng trái phép”. Truyền thông Trung Quốc còn lu loa rằng các tàu cá của nước này không dám đến gần “đảo của nước mình” vì sẽ bị Việt Nam bắn hoặc bắt đòi tiền nộp phạt, trong khi đây là một hành động mà chính Trung Quốc mới là kẻ thường xuyên châm ngòi và gây sự.
Từ những luận điệu xuyên tạc và vu cáo Việt Nam của truyền thông Trung Quốc, có thể thấy rõ một điều rằng Bắc Kinh đang cảm thấy lo sợ trước sức mạnh ngày càng được tăng cường của Hải quân Việt Nam. Theo các chuyên gia quân sự, tàu ngầm Kilo "hố đen" của Việt Nam sẽ là nhân tố chiến lược giúp thay đổi cục diện trong khu vực, ngăn Trung Quốc thực hiện âm mưu thôn tính, nuốt trọn Biển Đông.
Có lẽ, chính vì điều này mà Trung Quốc "đứng ngồi không yên" khi thời gian tàu ngầm Hà Nội về tới Biển Đông không còn bao xa nữa. Truyền thông Trung Quốc càng mạnh miệng vu cáo, bịa đặt về Việt Nam bao nhiêu thì chỉ càng thể hiện rõ ràng rằng họ đang vô cùng lo sợ mà thôi.